Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/11/2014

Một câu chuyện quen kể của bác Dương Phú Hiệp, được Nguyễn Văn Minh rồi Huy Đức chép

Câu chuyện này, bản thân tôi đã nghe không dưới 3 lần trực tiếp từ bác Dương Phú Hiệp (thành viên nhóm nghiên cứu của cụ Trường Chinh trước Đổi Mới). Lần đầu tiên là năm 2000, lúc ấy chúng tôi mời bác Hiệp tới nói chuyện với đoàn thanh niên. Chủ đề là Đổi Mới

Và những lần sau nữa, ở các nơi khác.


1. Câu chuyện như sau (bản của Nguyễn Văn Minh, năm 2011, trên tờ Quân đội nhân dân):

"Đầu tiên phải kể đến câu chuyện về đồng chí Trường Chinh. Khi đó vào khoảng năm 1984, đang là Phó viện trưởng Viện Triết học, ông được lựa chọn tham gia nhóm nghiên cứu chuẩn bị văn kiện Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Cùng thời kỳ này, còn có nhóm nghiên cứu về làm chủ tập thể do đồng chí Lê Duẩn chủ trì cũng được thành lập. Một buổi chiều, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước xuống làm việc với nhóm nghiên cứu. Khác hẳn với nhiều cuộc làm việc khác, đồng chí không đi vào nhiều vấn đề mà chỉ hỏi đúng một câu: “Hôm nay, tôi không yêu cầu các đồng chí phải lập luận nhiều, mỗi người chỉ cần trả lời ngắn gọn câu hỏi của tôi: “Theo các đồng chí, bao giờ thì kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH?”. Mọi người sôi nổi trả lời, người thì nói khoảng 50 năm, người thì nói 100 năm, có người nói còn dài lâu hơn nữa. Đến lượt Dương Phú Hiệp, ông bất ngờ nói rất “thật thà”:
- Thưa bác, nếu bác hỏi thế thì cháu xin trả lời rất thật rằng: Cháu không thể biết bao giờ thì kết thúc thời kỳ quá độ.
- Tại sao các anh giới thiệu với tôi đồng chí là một chuyên gia giỏi. Vậy chuyên gia gì mà lại bảo “không biết” thế này? – Chính đồng chí Trường Chinh cũng tỏ ra rất ngạc nhiên.
- Thưa bác! Để bác hiểu được vì sao cháu lại trả lời “không biết”, cháu xin được kể một câu chuyện dân gian Nga được không ạ? – Ông Hiệp vẫn bình tĩnh thưa.
- Hay thật! Đang bàn chuyện văn kiện mà lại được nghe chuyện dân gian Nga cơ à! Thú vị thật, cậu kể đi! – đồng chí Trường Chinh vui vẻ nói.
Vốn là người đã nhiều năm học tập tại Nga và rất mê chuyện dân gian Nga, ông Hiệp liền kể câu chuyện người thợ săn bị lạc trong rừng khi trời đã xế chiều. Anh ta lo lắng dừng chân hỏi ông tiều phu đang đốn củi bên đường: “Thưa ông! Từ đây ra cửa rừng mất bao nhiêu thời gian?”. “Tôi không biết” – ông tiều phu trả lời. Anh ta thất vọng bước đi thì bất ngờ lão tiều phu gọi lại: “Này! Hai giờ nữa anh sẽ ra tới cửa rừng đấy”. “Cái gì ạ? Ban nãy lão vừa nói là không biết, sao giờ lại bảo biết?”. “Vì ban nãy anh đứng tại chỗ mà hỏi thì sao lão biết được. Lúc anh đi, nhìn chân anh đi, lão mới biết nhanh chậm thế nào mà trả lời chứ”.
Từ câu chuyện mang tính ngụ ngôn đó, Giáo sư Dương Phú Hiệp mạnh dạn trình bày với đồng chí Trường Chinh rằng, thời kỳ quá độ kết thúc lúc nào phải phụ thuộc vào “tốc độ” đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của chính chúng ta. Mà trong thời điểm bấy giờ, đất nước đang vô cùng khó khăn, khủng hoảng, khó mà biết được bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ, một thời kỳ mà theo những đặc trưng trong “Cương lĩnh Gô-ta” của Mác, sẽ còn phải trải qua rất nhiều gian nan. Cần phải nói thêm rằng lúc bấy giờ, trong quan niệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn tồn tại không ít người duy ý chí, giản đơn nghĩ rằng sẽ kết thúc nhanh thời kỳ quá độ."


Giáo sư Dương Phú Hiệp nói: “Trước đó đã có tiền lệ Tổng Bí thư Lê Duẩn lập ra nhóm nghiên cứu về Làm Chủ Tập Thể, nên ông Trường Chinh cũng có cơ sở để báo cáo với Bộ Chính trị về việc hình thành nhóm nghiên cứu của ông”. Theo Giáo sư Hiệp, trong buổi gặp đầu tiên, ông Trường Chinh nói: “Tôi biết các đồng chí là những nhà khoa học, những người yêu nước, muốn đóng góp. Tuy nhiên, nếu phát biểu ra ngoài những ý kiến mạnh mẽ bây giờ rất dễ bị quy chụp. Nhưng ở đây, chúng ta cứ nói thẳng, nói hết, để tôi tìm cách nói lại trong Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị tìm biện pháp khắc phục những thiếu sót của đất nước”.
Trong các cuộc họp của nhóm nghiên cứu, ông Trường Chinh chỉ nghe và hỏi thêm chứ không phát biểu ý kiến hay kết luận. Theo ông Trần Đức Nguyên: “Ông muốn chúng tôi thật sự phát huy tự do tư tưởng, không bị trói buộc bởi những quan điểm giáo điều, bảo thủ”. Trường Chinh nói với nhóm nghiên cứu: “Tôi lắng nghe các đồng chí, nhưng vì tuổi cao, ghi chậm nên việc ghi chép xin nhờ mấy đồng chí thư ký của tôi giúp”. Nhưng khi các chuyên gia phát biểu, ông không chỉ lắng nghe mà còn mở sổ, cặm cụi ghi chép với một thái độ trân trọng và khiêm tốn. Phương pháp của ông Trường Chinh đã tạo ra một không khí làm việc hết sức cởi mở trong nhóm.
Một lần, khi ông Trường Chinh hỏi Giáo sư Dương Phú Hiệp: “Khi nào thì ta có thể kết thúc chặng đường đầu? Khi nào thì ta có thể kết thúc thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội?”. Giáo sư Hiệp trả lời: “Thưa bác cháu chưa biết”. Ông Trần Nhâm và ông Hà Nghiệp nói: “Anh là chuyên gia về phân kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội mà?”. Ông Dương Phú Hiệp chậm rãi: “Để trả lời câu hỏi này, cho phép cháu kể một câu chuyện ngụ ngôn Nga”. Mặc dầu ông Trường Chinh nói: “Đang làm kế hoạch mà nói chuyện dân gian Nga à?”. Nhưng ông có vẻ thích thú, bước tới đứng sát nơi ông Hiệp ngồi, lắng nghe.

Giáo sư Hiệp kể: Một người đi đường, khi ra tới bìa rừng thì gặp một bác tiều phu, ông dừng lại hỏi: “Bác ơi, khi nào tới bến sông?” Người tiều phu trả lời: “Không biết”. Người đi đường thất vọng bước tiếp và sau khi đi được chừng mươi bước, bác tiều phu gọi giật lại bảo: “Còn bốn giờ nữa”. Người đi đường ngạc nhiên: “Sao nãy bác không nói?” Bác tiều phu: “Khi nãy anh đứng tôi không biết, giờ anh đi tôi mới biết”. Rồi ông Dương Phú Hiệp quay về phía ông Trường Chinh: “Thưa bác, hiện nay ta chỉ dẫm chân tại chỗ chứ không đi nên thật khó trả lời là đến khi nào thì đi hết thời kỳ quá độ”.

Ông Trường Chinh nghe xong, cười và nói: “Đồng chí văn nghệ thì để tôi cũng góp chút văn nghệ”. Ông đọc bài Tiết Lập Xuân của Cao Bá Quát: “Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn / Kim chiêu hồng tử đấu thiên ban / Hà đương thế sự như hoa sự? / Phong vũ giang sơn tận cải quan”, rồi đọc phần dịch thơ của ông: “Hôm trước xuân về tan giá lạnh / Sáng nay muôn tía đấu ngàn hồng / Việc đời ví được như hoa nhỉ /Mưa gió qua rồi đẹp núi sông”. Ông nói với anh em giúp việc: “Giờ ta đang khó khăn nhưng đừng bi quan quá. Mây tan, gió tạnh sẽ về thôi”.
Không bi quan không có nghĩa là mũ ni che tai, ông Trường Chinh tìm cách để hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Một hôm, Giáo sư Dương Phú Hiệp tới trễ. Ông Trường Chinh hỏi thăm, ông Hiệp nói: “Đêm qua cháu phải thức đêm xách nước bác ạ”. Ông chép miệng: “Vất vả nhỉ”. Ông Hiệp nói: “Không phải mình cháu. Các khu tập thể ở Hà Nội đều thiếu nước, người dân phải xếp hàng tới khuya mới hứng được vài xô nước mang về dùng. Bác ạ, bên ngoài người ta đang hát: Đêm đến cả nhà lo việc nước / Sáng ra cả nước lo việc nhà”. Theo ông Trần Nhâm, từ đó, Trường Chinh yêu cầu thu thập những câu nói trong dân gian, đặc biệt là những chuyện tiếu lâm chính trị như là một phần giúp ông hiểu tâm tư nguyện vọng của dân chúng.
"

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:


Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 


---
LƯU TƯ LIỆU


QĐND - Thứ tư, 12/01/2011 | 11:54 GMT+7


LTS: Các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, sau nhiều lần dự thảo, lấy ý kiến góp ý của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã được bổ sung, phát triển, thật sự kết tinh trí tuệ, quyết tâm, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vậy “hậu trường” của quá trình chuẩn bị ấy đã diễn ra như thế nào? Đâu là những nội dung mới, đâu là những nội dung từng có nhiều tranh luận? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp gỡ một số chuyên gia tham gia soạn thảo các văn kiện Đại hội Đảng để giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn một số nội dung về các văn kiện quan trọng sẽ trình đại hội lần này…
GS.TS Dương Phú Hiệp – nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, các Văn kiện lần này có nhiều “điểm sáng”, nhưng cũng cần bổ sung nhiều nội dung sao cho thiết thực hơn.
Trong số những người tham gia soạn thảo các văn kiện của Đảng, GS, TS Dương Phú Hiệp là người có rất nhiều trải nghiệm. Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Triết học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Tổng biên tập Tạp chí Triết học… và từng giữ chức Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương suốt 10 năm. Ông cũng từng là thành viên nhóm cố vấn đổi mới cho Tổng bí thư Trường Chinh, sau là chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu của Chính phủ, hiện là Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu và phát triển Văn hóa - Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhắc đến những lần soạn thảo văn kiện Đảng, ông ấn tượng nhất là câu chuyện về những người lãnh đạo cao cấp luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của nhân dân, tiếp thu cái mới, tiếp thu cả sự phản biện.
Bài học từ sự lắng nghe
Đầu tiên phải kể đến câu chuyện về đồng chí Trường Chinh. Khi đó vào khoảng năm 1984, đang là Phó viện trưởng Viện Triết học, ông được lựa chọn tham gia nhóm nghiên cứu chuẩn bị văn kiện Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Cùng thời kỳ này, còn có nhóm nghiên cứu về làm chủ tập thể do đồng chí Lê Duẩn chủ trì cũng được thành lập. Một buổi chiều, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước xuống làm việc với nhóm nghiên cứu. Khác hẳn với nhiều cuộc làm việc khác, đồng chí không đi vào nhiều vấn đề mà chỉ hỏi đúng một câu: “Hôm nay, tôi không yêu cầu các đồng chí phải lập luận nhiều, mỗi người chỉ cần trả lời ngắn gọn câu hỏi của tôi: “Theo các đồng chí, bao giờ thì kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH?”. Mọi người sôi nổi trả lời, người thì nói khoảng 50 năm, người thì nói 100 năm, có người nói còn dài lâu hơn nữa. Đến lượt Dương Phú Hiệp, ông bất ngờ nói rất “thật thà”:
- Thưa bác, nếu bác hỏi thế thì cháu xin trả lời rất thật rằng: Cháu không thể biết bao giờ thì kết thúc thời kỳ quá độ.
- Tại sao các anh giới thiệu với tôi đồng chí là một chuyên gia giỏi. Vậy chuyên gia gì mà lại bảo “không biết” thế này? – Chính đồng chí Trường Chinh cũng tỏ ra rất ngạc nhiên.
- Thưa bác! Để bác hiểu được vì sao cháu lại trả lời “không biết”, cháu xin được kể một câu chuyện dân gian Nga được không ạ? – Ông Hiệp vẫn bình tĩnh thưa.
- Hay thật! Đang bàn chuyện văn kiện mà lại được nghe chuyện dân gian Nga cơ à! Thú vị thật, cậu kể đi! – đồng chí Trường Chinh vui vẻ nói.
Vốn là người đã nhiều năm học tập tại Nga và rất mê chuyện dân gian Nga, ông Hiệp liền kể câu chuyện người thợ săn bị lạc trong rừng khi trời đã xế chiều. Anh ta lo lắng dừng chân hỏi ông tiều phu đang đốn củi bên đường: “Thưa ông! Từ đây ra cửa rừng mất bao nhiêu thời gian?”. “Tôi không biết” – ông tiều phu trả lời. Anh ta thất vọng bước đi thì bất ngờ lão tiều phu gọi lại: “Này! Hai giờ nữa anh sẽ ra tới cửa rừng đấy”. “Cái gì ạ? Ban nãy lão vừa nói là không biết, sao giờ lại bảo biết?”. “Vì ban nãy anh đứng tại chỗ mà hỏi thì sao lão biết được. Lúc anh đi, nhìn chân anh đi, lão mới biết nhanh chậm thế nào mà trả lời chứ”.
Từ câu chuyện mang tính ngụ ngôn đó, Giáo sư Dương Phú Hiệp mạnh dạn trình bày với đồng chí Trường Chinh rằng, thời kỳ quá độ kết thúc lúc nào phải phụ thuộc vào “tốc độ” đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của chính chúng ta. Mà trong thời điểm bấy giờ, đất nước đang vô cùng khó khăn, khủng hoảng, khó mà biết được bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ, một thời kỳ mà theo những đặc trưng trong “Cương lĩnh Gô-ta” của Mác, sẽ còn phải trải qua rất nhiều gian nan. Cần phải nói thêm rằng lúc bấy giờ, trong quan niệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn tồn tại không ít người duy ý chí, giản đơn nghĩ rằng sẽ kết thúc nhanh thời kỳ quá độ. Là người được giao nghiên cứu chuyên sâu về thời kỳ quá độ, ông Hiệp đã trăn trở trước thực tiễn đầy thách thức của đất nước. Kiến nghị mạnh dạn đó của ông được đồng chí Trường Chinh đồng tình. Được khuyến khích tiếp tục đào sâu nghiên cứu, ông Hiệp và cộng sự đã có nhiều nghiên cứu, đề xuất góp phần giúp cho nghị quyết Đại hội VI, đặc biệt là các Đại hội VII, VIII, IX sau này “lấp lánh” thêm nhiều tư duy mới, nhận thức khách quan hơn về thời kỳ quá độ. Giờ đây, ngồi lật giở cho chúng tôi xem lại cuốn sách “Những vấn đề lý luận của CNXH ở Việt Nam” do NXB Sự thật ấn hành năm 1988 đã bạc màu thời gian, ông tâm sự: “Chính nhờ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” và nhờ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng luôn biết trân trọng, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chúng tôi đã tổng kết từ thực tiễn nhiều luận điểm phải nói là “cực mới, cực mạnh” lúc bấy giờ. Ông lật giở, chìa cho chúng tôi xem những tiêu đề mà đọc lên, 24 năm trôi qua, vẫn còn nguyên giá trị: “Có sáng tạo mới có thành công”, “Xóa bỏ nhận thức cũ về công nghiệp hóa”, “Sự phong phú về các hình thức sở hữu trong CNXH”, “Có thể có nhiều hình thức phân phối trong CNXH”, “Lợi ích là động lực mạnh nhất”, “Xây dựng một chế độ thực sự vì con người”, “Dân chủ nhiều hơn chính là CNXH nhiều hơn”…
Câu chuyện thứ hai đọng mãi trong ký ức “người chấp bút” Dương Phú Hiệp phải kể đến lần ông cùng cộng sự đón nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lúc đó đang đương chức, xuống nói chuyện ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Tổng bí thư đã nói một câu rất chân thành: “Các đồng chí ạ! Trong Văn kiện Đại hội VIII có nói một câu rằng: “Nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng rõ hơn, nhưng riêng tôi vẫn… chưa thấy rõ lắm”. Câu nói đó thể hiện sự thẳng thắn, cầu thị của Tổng bí thư, nó khích lệ chúng tôi cũng thẳng thắn, không nên giấu, ngại nêu chính kiến” – ông Hiệp kể.
Thực tiễn là thước đo chân lý
PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nay là Tổng biên tập Trang tin điện tử Đại hội Đảng lần thứ XI cũng là người có nhiều gắn bó với chuyện “bếp núc” chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng. Nhưng khi nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất, ông lại kể với chúng tôi câu chuyện mà ông đã được cha mình, ông Đào Duy Tùng, nguyên Ủy viên BCT, kể lại.
Bìa cuốn sách “Những vấn đề lý luận của CNXH ở Việt Nam” do NXB Sự thật ấn hành năm 1988 – một sản phẩm khoa học phục vụ cho việc xây dựng Cương lĩnh năm 1991.
Lúc đó vào năm 1985, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, Bộ Chính trị có nhận định rằng, đường lối Đại hội V là đúng nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt nên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội, sản xuất đình trệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, giá-lương-tiền biến động phức tạp… Tuy nhiên, khi đi vào thảo luận, khi tổ soạn thảo văn kiện hoàn thành, đưa xuống nhiều địa phương, đơn vị thấy “không ổn”, không đồng tình với những nhận định trên. Tổ trưởng Tổ biên tập văn kiện lúc đầu là đồng chí Hoàng Tùng, sau Bộ Chính trị bổ sung đồng chí Đào Duy Tùng làm tổ phó đã đi tới nhận định cần thiết phải “xem lại” dự thảo văn kiện. Cách “xem lại” tốt nhất là phải tiến hành một cuộc khảo sát thực tế. Ý tưởng này được trình lên Bộ Chính trị và rất may, Bộ Chính trị đã tiếp thu, cho phép tiến hành ngay một cuộc thăm dò dư luận xã hội ở quy mô khá lớn. Tổ biên tập văn kiện đã lấy ý kiến của 1000 chủ nhiệm hợp tác xã, 1000 giám đốc xí nghiệp và nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành… Cuộc trưng cầu được tổ chức rất dân chủ theo dạng đưa ra một bảng hỏi, người được hỏi chỉ cần đánh dấu “đúng hay sai”, không ghi tên người trả lời để tránh sự e ngại, không dám nói. Những câu hỏi rất cụ thể, ví dụ: Đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng theo đồng chí đúng hay sai? Đường lối phát triển hợp tác xã theo đồng chí đúng hay sai? Đường lối cải tạo xí nghiệp theo đồng chí đúng hay sai?... Thật bất ngờ, kết quả thu về đã cho thấy: Có tới 70-90% các câu trả lời đều cho rằng nội dung văn kiện là sai, chưa sát thực tiễn. Vì vậy, Tổ biên tập Văn kiện đã trình lên Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận, cuối cùng đi tới kết luận phải sửa đổi, bổ sung, viết lại nhiều nội dung. Một buổi sáng mùa thu cuối tháng 9-1986, toàn bộ Tổ biên tập văn kiện Đại hội VI và một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của Tổng bí thư bất ngờ nhận lệnh xuống Nhà nghỉ Vạn Hoa - Đồ Sơn (Hải Phòng) họp khẩn cấp với Tổng bí thư Trường Chinh. Tuyên bố của Tổng bí thư đã thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị: Viết lại văn kiện đại hội. Và một cột mốc của sự nghiệp đổi mới đã mở ra!”.
Giáo sư Dương Phú Hiệp kể rằng: Trước khi Đại hội X của Đảng (2006) mạnh dạn quyết định đảng viên có thể làm kinh tế tư nhân, Đảng ta đã từng phải trăn trở, đắn đo, cân nhắc vấn đề này rất nhiều trong suốt hơn 20 năm đổi mới. Từ năm 1988, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI) đã cho phép đảng viên có vốn góp cổ phần vào các đơn vị kinh tế tập thể và quốc doanh nhưng các Đại hội VII, VIII, IX đều không cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Mùa hè năm 2002, Bộ Chính trị giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, thảo luận vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đã có nhiều cuộc thảo luận nảy lửa trên diễn đàn của những “người chấp bút”. Có buổi “nóng” đến mức giáo sư Hiệp, lại bằng cá tính “hay kể chuyện dân gian” của mình đưa ra câu chuyện hài hước về hai trường phái triết học tranh luận bất phân thắng bại về một khúc gỗ đâu là ngọn, đâu là gốc. Cuối cùng phải đưa lên xin ý kiến của vua. Vua phán cứ đem khúc gỗ ngâm xuống nước xem nó nổi thế nào là biết gốc hay ngọn. Vấn đề này cũng tương tự, nên để thực tiễn trả lời. Một lần nữa, Hội đồng Lý luận Trung ương lại quyết định báo cáo Bộ Chính trị, cho phép khảo sát thực tế. Nhiều đợt khảo sát thực tế, nhiều vòng hội thảo đều cho thấy: 100% đảng viên làm kinh tế tư nhân được khảo sát đều tốt, đều được quần chúng đồng tình, ủng hộ. Quyết định của Đại hội X cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đã dựa trên đúc kết thực tiễn sau 18 năm trả lời bao câu hỏi thăng trầm và đến nay, trong Đảng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cho nên, cũng không thể nóng vội, theo PGS, TSKH Nguyễn Văn Đặng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, một trong những người trực tiếp chấp bút dự thảo bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 và Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI thì việc dự thảo Báo cáo Chính trị xác định thí điểm kết nạp đảng viên là giám đốc doanh nghiệp tư nhân vào Đảng có thể coi là chủ trương phù hợp. Bởi lẽ không phải không có người sẽ lợi dụng việc vào Đảng để tạo bình phong làm những việc không tốt. Khi khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm ở Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng bạn qua thực tiễn cũng có nhiều nơi chưa đồng tình với việc đảng viên làm kinh tế và cũng chỉ mới thí điểm kết nạp đảng viên là giám đốc doanh nghiệp tư nhân…
Như vậy, thực tiễn luôn là tiêu chuẩn, là thước đo của chân lý. Nhưng không phải thực tiễn nào cũng có thể biến ngay thành chủ trương của Đảng. Có những vấn đề phức tạp phải qua cả quá trình thực tiễn lâu dài kiểm nghiệm chứ không phải là một thứ thực tiễn cục bộ, rời rạc mà có thể khái quát thành lý luận.
 Bài 2: Cái nhìn chiến lược nâng tầm đổi mới
Ghi chép của NGUYỄN VĂN MINH
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/trong-nuoc/bai-1-thuc-tien-luon-la-thuoc-do-chan-ly/135432.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.