Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/09/2014

Chỉ thị khoán 100 năm 1981 và vai trò của Võ Chí Công

Thuần túy lưu tư liệu. 


LƯU TƯ LIỆU


1. Trang của huyện Núi Thành (Quảng Nam)


Đồng chí Võ Chí Công với "Khoán 100"

Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 13/01/2011 .Lượt xem: 4185 lượt.
TLS: Cách đây tròn 30 năm, vào ngày 13.1.1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp” (khoán 100). Đây là bước đi có tính đột phá để 7 năm sau Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (khoán 10), đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 1989.
Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Huỳnh Đảm dẫn đầu, thăm và trao tặng Huân chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” cho đồng chí Võ Chí Công vào ngày 19.12.2010.


Trong bài “Con người có mặt đúng lúc lịch sử có nhu cầu”, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương ca ngợi: “Đồng chí Võ Chí Công là người “đến đúng lúc và đúng nơi cần một người giàu kinh nghiệm, sát cuộc sống quần chúng, ghét lý thuyết viễn vông, có điều kiện đề xuất một giải pháp có tính đột phá để đưa đất nước qua cơn hiểm nghèo”. Võ Chí Công nghĩ và làm. Anh mở một đội công tác đi làm thử việc giao khoán cho xã viên một HTX ở Vĩnh Phúc... Biết tôi đang tìm lối thoát như anh, anh bàn riêng với tôi: “Chúng ta chung nhau. Tôi phụ trách nông nghiệp, anh phụ trách công tác tư tưởng. Hãy mở rộng việc khoán sản phẩm cho xã viên và giao ruộng cho họ định rõ mức thuế và mức bán thóc, còn bao nhiêu họ hưởng hết, có thể bán theo giá thỏa thuận”. Anh cử Bộ trưởng Nông nghiệp cùng tôi làm việc này. Chúng tôi họp các Trưởng ban Nông nghiệp và Trưởng ban Tuyên huấn, các tỉnh đưa chủ trương này ra thảo luận. Số đông tán thành, một số người phản đối…

Để có được “Khoán 100” là cả một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt giữa cái cũ và cái mới. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương kể lại: “Tôi nhớ, tại một cuộc họp bàn về khoán trong nông nghiệp, có nhiều ý kiến không đồng tình. Có ý kiến cho rằng không có HTX kiểu cũ thì làm sao đánh thắng được giặc. Đồng chí Võ Chí Công đã tỏ rõ thái độ: “Nói như vậy thì đồng bào, chiến sĩ miền Nam không đồng tình được. Vì rằng suốt 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở miền Nam làm gì có HTX. Còn đánh giá vai trò to lớn của HTX nông nghiệp ở miền Bắc - hậu phương lớn của miền Nam thì không ai có thể phủ nhận được. Bây giờ hòa bình, phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách quản lý của mô hình HTX cũ không hiệu quả kinh tế thì phải giải quyết, sửa chữa, phải đổi mới nó đi”.

Đồng chí Đinh Văn Niệm, nguyên trợ lý đồng chí Võ Chí Công cho biết thêm, đồng chí Võ Chí Công đã kiên định với quan điểm của mình: “Thực tiễn là chân lý, và biểu thị rõ bản lĩnh trách nhiệm: trên lĩnh vực này, tôi phụ trách, nếu khoán mới mà không đem lại hiệu quả, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm với Đảng và nhân dân”.

Theo nhà báo, nhà văn Thái Duy (tức Trần Đình Vân), về các địa phương công tác, không phải tỉnh nào đồng chí Võ Chí Công cũng gặp thuận lợi, có tỉnh lãnh đạo dứt khoát chỉ duy trì khoán việc. Trong cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, đồng chí kể: “Tôi viết thư cho đồng chí Hoàng Quy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm thí điểm ở xã Thô Thụy, Vĩnh Lạc, Vĩnh Tường. Đồng chí Quy đồng ý. Bàn kỹ cách làm, tôi để lại hai cán bộ của tôi trực tiếp, tôi thỉnh thoảng đến xem và góp ý kiến. Có lần đến giữa vụ đông xuân, thấy kết quả ruộng khoán xanh tốt hơn nhiều, khác hẳn ruộng HTX chưa khoán nhưng chưa dám báo cáo với Chính phủ, Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Anh em nói đây là “làm chui”, tôi trả lời lĩnh vực này là trách nhiệm của tôi, tôi không làm sai đường lối, chủ trương của Đảng, hơn nữa đây mới là thí điểm”.

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh việc tổ chức khoán sản phẩm cho xã viên theo tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công là đúng đắn và có hiệu quả cao: Tình hình sản xuất và nông thôn thay đổi trông thấy, đặc biệt là không khí lao động; nông dân chủ động ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nghỉ trưa ở bờ ruộng; truyền thống “một nắng hai sương” trở lại với đồng ruộng thân yêu. Tuy nhiên, không thể làm thí điểm mãi mà phải có một chủ trương rõ ràng và dứt khoát của Trung ương. Bộ Chính trị giao cho Ban Bí thư, cụ thể là đồng chí Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Võ Chí Công, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khối nông - lâm - ngư nghiệp thảo Chỉ thị của Ban Bí thư đổi mới cách khoán trong các HTX nông nghiệp. Đồng chí Lê Thanh Nghị giao cho đồng chí Võ Chí Công dự thảo nội dung Chỉ thị.

Những hình ảnh của “Đêm trước khoán 10”.

Sau đó, Ban Bí thư quyết định triệu tập Hội nghị tại Hải Phòng - thành phố đã công khai chuyển toàn bộ nông thôn ngoại thành sang khoán sản phẩm, loại bỏ hoàn toàn khoán việc. Hội nghị tiến hành từ ngày 3 đến 7.1.1981 do đồng chí Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì. Đến ngày thứ 3, đồng chí Võ Chí Công mới phát biểu. Đồng chí nói đến tình hình đen tối sau Hiệp định Giơnevơ: “Do ta tôn trọng hiệp định, không dám kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị nên từ 1955 - 1958 phải chịu tổn thất xương máu nặng nề. Đáng lẽ có thể tránh hoặc hạn chế đến mức tối đa nếu lãnh đạo bám sát cơ sở, gần dân, chịu nghe dân”. Chuyển sang nói về khoán chui, khoán sản phẩm, đồng chí phê phán việc áp đặt khoán việc, bắt buộc HTX phải theo, dù nông dân không muốn làm và đặt vấn đề: “Tại sao sản xuất trong các HTX nông nghiệp lại trì trệ, tiêu cực? Đó là do giá trị ngày công quá thấp, thu nhập xã viên không đủ sống ở mức tối thiểu”. Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh đến từ “trời sập” để khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ khoán sản phẩm là đúng đắn, hợp lòng người: khoán sản phẩm mà làm tan rã HTX, nếu vậy thì trời sập; khoán sản phẩm không đưa nông thôn lên chủ nghĩa xã hội, nếu vậy thì trời sập...

Phát biểu của đồng chí Võ Chí Công đã có sức lay động lòng người và nhận được sự ủng hộ cao của đông đảo cử tọa. Chỉ mấy ngày sau hội nghị Hải Phòng, ngày 13.1.1981, Chỉ thị số 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp” ra đời chính thức công nhận khoán sản phẩm là hợp pháp.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân cho hay: "Ngày Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm, ở miền Bắc xuất hiện mấy câu thơ ca ngợi theo thể thơ Bút Tre:

“Hoan hô anh Võ Chí Công
Anh cho khoán hộ ruộng đồng tốt tươi”

Nói về vai trò của đồng chí Võ Chí Công đối với sự ra đời của “khoán 100”, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khẳng định: “Trong sự nghiệp đổi mới, không thể không nói đến sự đóng góp lớn về tư duy đổi mới và trong hoạt động thực tiễn của anh Năm Công. Anh là một trong những đồng chí lãnh đạo luôn ủng hộ và khuyến khích những cái mới và sáng tạo…, hình thành đề án Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, bước đột phá của sự nghiệp đổi mới trong nông nghiệp nói riêng và của sự nghiệp đổi mới nói chung. Từ thành công này của sản xuất nông nghiệp sau Chỉ thị 100, Bộ Chính trị giao anh Năm Công chủ trì một tiểu ban nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong nông nghiệp và hình thành Nghị quyết 10 nổi tiếng của Bộ Chính trị”.

----------------
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Đồng chí Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng).

Theo Báo Quảng Nam

2. Báo Thanh Niên năm 2011:


Bước ngoặt từ Chỉ thị 100


10/09/2011 23:15


Trong chiến tranh ác liệt ở Khu 5, ai cũng biết Bí thư Khu ủy Võ Chí Công là “Con người của lịch sử”, cách đánh mang tên Năm Công “hai chân, ba mũi”. Xuyên suốt trong cách đánh ấy là tư tưởng lấy dân làm gốc, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, thần tốc và bất ngờ” (Hoàng Minh Thắng). Tháng 3.1975, ông lại quyết định không dự họp theo triệu tập của Bộ Chính trị, quay về ra lệnh tiến công giải phóng Đà Nẵng vì thấy diễn biến tình hình thuận lợi...

Trong tất cả những gì ông đã đóng góp cho đất nước, có lẽ Chỉ thị 100 trong nông nghiệp là một thành tựu làm thay đổi cục diện hết sức quan trọng, mang yếu tố bước ngoặt và đồng thời cũng thể hiện sự sâu sát, thực tế và gần dân của một nhà lãnh đạo sau chiến tranh, mà sau này ông Hoàng Tùng kể rằng có người đã nói “ông nào đưa ra sáng kiến khoán sản phẩm nên thờ ông ấy làm Thành hoàng...”.
Trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, nguyên Chủ tịch Võ Chí Công kể với một giọng chân thành: ... “Sau một thời gian làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản, tôi được cử sang làm Bộ trưởng Nông nghiệp và phụ trách khối nông, lâm, hải sản. Đây là một lĩnh vực khá quan trọng vì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân nước ta lúc bấy giờ. Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực!
Trực tiếp đi kiểm tra nhiều nơi và cũng được các tỉnh báo cáo, tôi rất lo lắng. Nếu tình trạng tiêu cực này kéo dài chẳng những sẽ nguy hiểm về kinh tế - xã hội mà còn có thể dẫn đến tiêu cực về chính trị. Với cương vị phụ trách nông nghiệp trước tình trạng tiêu cực tôi thấy hơi ngan ngán, nhưng nghĩ lại trong thời kỳ hoạt động cách mạng, trong chiến tranh có nhiều lúc, có nhiều vấn đề còn khó gấp nhiều lần, thậm chí có những việc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rốt cuộc vẫn tìm ra giải pháp, vượt qua, vẫn giải quyết được, nên tôi vững tin hơn. Tôi nghĩ cần đi sâu vào thực tế tìm cho ra nguyên nhân. Khác với những lần kiểm tra trước, đến là hỏi dăm ba câu, anh em dưới trả lời hiện tượng chung chung theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, lần này tôi quyết tâm làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến. Do đó không xuống tỉnh, không xuống huyện mà tôi đi thẳng xuống một số hợp tác xã. Phần lớn thời gian tôi gặp các đội trưởng, đội phó đi vào một số gia đình xã viên hỏi thật kỹ, cụ thể cách làm của hợp tác xã và ruộng đất 5%..., đi với đồng bào ra ruộng, xem cách làm, gợi ý cho họ phát biểu...”.
Ông lấy cả kinh nghiệm của mình khi đi nhổ cỏ, khi làm đường xe lửa lúc bị bắt ở tù, và viết: “Người ta nghĩ việc làm công nhật và làm công điểm cho hợp tác xã có làm hơn nữa cũng không đem lại lợi ích cho mình, còn làm khoán cũng như làm ruộng 5% người lao động thấy có lợi nên rất hăng hái. Qua đó tôi thấy phải khoán ruộng đất cho xã viên mới tạo được động lực và xóa được tiêu cực...
...“Tôi trực tiếp chỉ đạo hai xã, còn gợi ý với tỉnh nếu có cán bộ, chỉ đạo chặt chẽ thì có thể mở rộng ra một số xã nữa. Đến vụ thu hoạch xong tôi đến huyện (ngày xưa gọi là phủ) Vĩnh Tường và cùng các đồng chí Thường vụ tỉnh, huyện họp nghe báo cáo. Kết quả rất tốt: làm khoán mới được nửa huyện, năng suất và sản lượng tăng trên 20% so với hợp tác xã chưa khoán; số lượng lao động, ngày công lao động tăng 20 - 25%, tinh thần nhân dân phấn khởi, sôi nổi, tiêu cực biến mất. Đánh giá thí điểm thành công tốt đẹp về nhiều mặt, tôi động viên, vụ mùa tới nên làm hết cả huyện, còn toàn tỉnh nếu có cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hội nghị tập huấn chỉ đạo chặt chẽ thì làm hết cũng được. Cuộc họp sơ kết khoán ở phủ Vĩnh Tường kết thúc, mọi người đều rất phấn khởi, hào hứng...”.
“Ở Hải Phòng, Nghệ Tĩnh cũng có làm khoán chui ở một số hợp tác xã, nhưng quá đơn sơ chưa thoát ra khỏi cơ chế cũ. Tôi đến Hải Phòng nghiên cứu thêm và tổ chức một cuộc hội nghị bàn về khoán để rút kinh nghiệm về chỉ đạo và tổ chức công tác khoán, bởi vì cách làm có bài bản mới mang lại hiệu quả.
Phong trào khoán bắt đầu nở rộ, tình hình đó giúp cho Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở để nghiên cứu xem xét. Sau khi tôi tập hợp thí điểm khoán ở Vĩnh Phú và Hải Phòng... Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở thảo luận nhiều, căn bản nhất trí khoán mới nhưng đi vào cụ thể thì các ý kiến còn khác nhau, cuối cùng các anh giao cho anh Nghị (Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị) và tôi trao đổi thêm, xây dựng dự thảo Chỉ thị 100. Anh Nghị bảo tôi dự thảo, anh sẽ góp ý kiến. Dự thảo xong, anh Nghị có một số ý kiến khác với dự thảo, như vấn đề khoán nhóm. Cuối cùng tôi thỏa hiệp để cho Chỉ thị 100 được ban hành. Tháng 1.1981, Chỉ thị 100 ban hành, các địa phương, các cấp và quần chúng nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới sôi nổi, phấn khởi đi vào thực tế, cuối cùng là khoán đến người lao động, những ý kiến khác trong Chỉ thị 100 cũng biến mất...”.
Và ông thừa nhận: “Chỉ thị 100 chưa phải đã có tư duy mới đầy đủ, cơ chế quản lý rõ ràng, nhưng cũng bắt đầu từ thực tế đó mà dần dần hình thành tư duy mới, cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp”.
Trương Điện Thắng




Bổ sung 1 (03/10/2014): Toàn văn chỉ thị 100 do ông Lê Thanh Nghị kí.

Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 30/12/2005. Cập nhật lúc 14h 46'

http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=279&leader_topic=&id=BT280553167

Do yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống và nâng cao hiệu quả kinh tế, gần đây, nhiều hợp tác xã (kể cả hợp tác xã tiên tiến và khá) đã dùng hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” đối với nhiều loại cây trồng (kể cả cây lúa), đối với chăn nuôi và đối với các ngành nghề khác. Hình thức khoán mới này đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Nhưng vì chưa có sự chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất, một số hợp tác xã có những sai sót, lệch lạc khi thực hiện.

Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12-1980) đã quyết định “mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Để thực hiện chủ trương đó và kịp thời phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục các nhược điểm, uốn nắn những sai sót, lệch lạc trong công tác khoán, Ban bí thư yêu cầu các cấp, các ngành thống nhất nhận thức và hành động, chấp hành tốt những quy định dưới đây :

I - NẮM VỮNG MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHOÁN :

a) Công tác khoán cũng như các mặt khác trong công tác quản lý của hợp tác xã nông nghiệp phải đạt được mục đích : bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên, tăng tích lũy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho Nhà nước.

b) Nhằm mục đích đó, phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây :

1- Hợp tác xã nông nghiệp phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất, sức kéo, phân bón, các công cụ và các cơ sở vật chất- kỹ thuật của tập thể.

2- Hợp tác xã phải tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động, phát huy tính hơn hẳn của sự hiệp tác có phân công, đồng thời kích thích được tính tích cực lao động của tập thể xã viên và của từng người lao động trên cơ sở làm cho mọi người quan tâm và gắn bó với kết quả cuối cùng của sản xuất.

3- Hợp tác xã phải có quy hoạch và kế hoạch phù hợp với quy vùng sản xuất và kế hoạch sản xuất của huyện, có quy trình sản xuất và có định mức kinh tế - kỹ thuật ngày càng tiến bộ; các đơn vị nhận khoán phải làm đúng những quy định ấy của hợp tác xã.

4- Hợp tác xã phải nắm được sản phẩm để bảo đảm việc phân phối sản phẩm kết hợp được đúng đắn và hài hoà ba lợi ích (lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của người lao động) và thực hiện tốt việc phân phối theo lao động cho xã viên.

5- Phát huy quyền tự chủ của hợp tác xã và quyền làm chủ tập thể của xã viên, khắc phục tệ mạnh lệnh, gò ép, trái với nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ”.

c) Để thực hiện mục đích, nguyên tắc nêu trên phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, phương hướng chủ yếu để cải tiến công tác khoán trong hợp tác xã nông nghiệp là : khuyến khích hơn nữa lợi ích chính đáng của người lao động và làm cho mọi người tham gia các khâu trong quá trình sản xuất và quản lý của hợp tác xã đều thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng, do đó mà đưa hết nhiệt tình và khả năng ra lao động sản xuất và xây dựng, củng cố hợp tác xã.

II- CẢI TIẾN CÁC HÌNH THỨC KHOÁN, MỞ RỘNG “KHOÁN SẢN PHẨM”.

Căn cứ vào mục đích, nguyên tắc và phương hướng nêu trên, cần hoàn chỉnh hơn nữa chế độ “ba khoán” có thưởng, phạt công minh của hợp tác xã đối với đội sản xuất (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản phẩm). Đồng thời, phải cải tiến mạnh mẽ các hình thức khoán của đội sản xuất đối với xã viên:

1- Đội sản xuất khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động (gọi tắt là khoán sản phẩm) là một hình thức quản lý sản xuất và trả công lao động có gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động với sản phẩm cuối cùng một cách trực tiếp. Nó phát huy được mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã viên, lôi cuốn mọi người tăng thêm công sức (kể cả lao động phụ ), chủ động tận dụng đất đai, phân bón, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận thu mùa màng, đưa đến tăng năng suất, sản lượng thu hoạch và nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên, tăng tích luỹ của hợp tác xã và làm cho hợp tác xã thực hiện tốt hơn nghĩa vụ nông sản đối với Nhà nước.

Việc thực hiện đúng đắn hình thức “khoán sản phẩm” còn có tác dụng tích cực củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, củng cố chế độ làm chủ tập thể, tinh giản bộ máy quản lý hợp tác xã, đồng thời thúc đẩy việc tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp.

Tuy nhiên, hình thức “khoán sản phẩm” này mới phát triển, kinh nghiệm chưa nhiều và chưa được tổng kết đầy đủ, nên còn có những điểm chưa hoàn thiện. Mặt khác, nếu không chỉ đạo chặt chẽ, thì cũng dễ phạm các khuyết điểm, như : “khoán trắng”, giao ruộng đất cho xã viên sử dụng một cách manh mún, tập thể buông lỏng quản lý lao động, sức kéo, phân bón và khó nắm chắc được sản phẩm, v.v…

Qua bước đầu tổng kết tình hình thực tế, cần mạnh dạn mở rộng việc thực hiện hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong các hợp tác xã nông nghiệp (kể cả hợp tác xã tiên tiến), đối với các cây trồng (kể cả cây lúa), chăn nuôi và ngành nghề khác của hợp tác xã, đồng thời phải chỉ đạo chặt chẽ để làm tốt và không ngừng hoàn thiện hình thức khoán này; chấm dứt các hiện tượng “cấp trên ngăn cấm, cấp dưới làm chui”, buông trôi lãnh đạo, ngăn ngừa tình trạng làm ồ ạt, thiếu chuẩn bị; kiên quyết xoá bỏ và ngăn chặn tình trạng “khoán trắng”.

Đối với các hợp tác xã ở miền núi, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở miền nam, Bộ Nông nghiệp cùng với các tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các hình thức khoán cho sát hợp; riêng về hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, thì cần làm thử, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng.

Để thực hiện đúng đắn việc khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động, trước hết cần tổ chức tốt sự hiệp tác và phân công lao động trong hợp tác xã và trong từng đội sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, quy trình sản xuất và các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xác định, hợp tác xã và đội phải trực tiếp tổ chức chu đáo lao động trong các đội, tổ chuyên khâu để làm những khâu công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với việc sử dụng các cơ sở vật chất – kỹ thuật chung mà nếu giao cho từng người lao động tự đảm nhiệm, thì hiệu quả thấp hơn hoặc gây thêm phức tạp cho công tác quản lý (như : làm đất, thủy nông, giống mạ, quản lý và phân phối phân bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng). Trong những khâu này, hợp tác xã và đội phải tổ chức khoán việc cho từng người lao động trong đội, tổ chuyên khâu để nâng cao trách nhiệm, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Đối với những khâu công việc dựa vào cách làm thủ công mà lao động của từng người có thể làm tốt (như cây trồng, chăm sóc, thu hoạch), thì đội giao cho nhóm lao động hoặc người lao động đảm nhiệm.

Cần hoàn chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý của hợp tác xã, của đội sản xuất và việc xác định mức khoán hợp lý. Để định mức khoán hợp lý của hợp tác xã cho đội và của đội cho nhóm lao động hay người lao động, phải căn cứ vào diện tích, độ phì nhiêu và năng suất bình quân của từng loại ruộng đất, điều kiện lao động và yêu cầu về chi phí sản xuất trên từng diện tích, đồng thời phải được xã viên thảo luận dân chủ. Mức khoán hợp lý phải vừa bảo đảm được lợi ích của hợp tác xã và của đội sản xuất, vừa đảm bảo được lợi ích của người lao động, nâng cao thu nhập của xã viên bằng cách tăng sản lượng và tăng giá trị ngày công là chủ yếu, đồng thời có thu nhập bổ sung bằng thưởng vượt mức khoán.

Đi đôi với việc cải tiến tổ chức lao động, cần cải tiến chế độ phân phối thu nhập, làm cho mọi người tham gia các khâu trong quá trình sản xuất và công tác quản lý gắn bó chặt chẽ với kết quả sản xuất cuối cùng. Muốn vậy, ngoài việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức khoán cho đúng, hợp tác xã và đội sản xuất phải dân chủ bàn bạc với xã viên để quyết định chế độ thưởng, phạt công bằng đối với mọi người, trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất.

Phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất của tập thể, không được phân tán ruộng đất, phân tán cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã và làm suy yếu kinh tế tập thể.

Phải kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho xã viên. Không được giao ruộng đất cho xã viên tự ý sử dụng; không giao cho từng cá nhân xã viên tự đảm nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.

Phải có kế hoạch sử dụng tốt cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã, không được vì “khoán sản phẩm” cho xã viên mà để lãng phí, hư hỏng.

Tổ chức tốt việc giao diện tích ruộng đất cho đội sản xuất, cho nhóm và cho người lao động sử dụng để thực hiện sản lượng khoán, tránh để đồng ruộng bị chia cắt manh mún, gây trở ngại cho việc sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Khi diện tích giao khoán cho người lao động được phân bố hợp lý, thì có thể ổn định trong vài ba năm để xã viên yên tâm thâm canh trên diện tích đó. Về mức sản lượng giao khoán, cần xem xét hàng năm cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.

Phải có biện pháp tổ chức thật tốt khâu thu hoạch để tập thể nắm chắc được sản phẩm, bảo đảm được yêu cầu phân phối theo đúng nguyên tác đã quy định.

Hợp tác xã phải xây dựng nội quy tiến hành “khoán sản phẩm cho nhóm lao động và người lao động”, định rõ trách nhiệm của tập thể đối với người lao động, trách nhiệm của người lao động đối với tập thể và có biện pháp tổ chức thực hiện tốt nội quy đó để bảo đảm việc áp dụng hình thức “khoán sản phẩm” theo đúng mục đích và nguyên tắc đã nêu.

2- Hình thức đội sản xuất khoán việc cho nhóm lao động và người lao động, (gọi tắt là khoán việc) ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của xã viên đối với từng việc được giao khoán và gián tiếp gắn với sản phẩm cuối cùng. Một số hợp tác xã đã xây dựng được nền nếp quản lý theo cách khoán này, không ngừng nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, ý thức tập thể của xã viên, và đã đạt được thành tích, tiến bộ trong việc phát triển sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở hợp tác xã nào, đối với quy trình sản xuất nào mà cán bộ và xã viên thực sự tán thành cách khoán này, thì cần tổ chức thực hiện cho tốt hơn, đúc kết kinh nghiệm, nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục các nhược điểm của nó, như : xã viên chưa thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình gắn bó trực tiếp với sản phẩm cuối cùng nên dễ chạy theo công điểm, ít quan tâm đến chất lượng công việc; việc kiểm tra, nghiệm thu công việc khó bảo đảm được yêu cầu về chất lượng; bộ máy quản lý nặng nề, v.v…

3- Phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc trong việc chỉ đạo công tác khoán và để cho hợp tác xã vận dụng linh hoạt các hình thức khoán. Tuỳ theo đặc điểm sản xuất của từng cây, con, ngành nghề và tuỳ theo điều kiện của từng nơi, các hợp tác xã có thể vận dụng hình thức này, hình thức khác hoặc vận dụng đồng thời cả hai hình thức khoán để bổ sung cho nhau. Các cấp bộ Đảng và chính quyền phải tôn trọng quyền tự chủ của hợp tác xã trong việc lựa chọn hình thức khoán trên cơ sở tổ chức thảo luận dân chủ trong xã viên và trong đại hội đại biểu xã viên.

III – TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

- Phổ biến sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân chủ trương của Trung ương Đảng đối với công tác khoán, để mọi cán bộ, đảng viên và nông dân xã viên hiểu thấu đáo và làm đúng. Đối với hình thức mới về “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, cấp trên phải tạo điều kiện và hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị cơ sở và quần chúng thực hiện tốt.

Căn cứ vào chỉ thị này, Bộ Nông nghiệp phải ban hành sớm văn bản hướng dẫn cụ thể. Phải đặc biệt chú trọng hướng dẫn chu đáo những biện pháp về bảo vệ và sự dụng tốt ruộng đất và cơ sở vật chất – kỹ thuật chung của hợp tác xã, về cách giao ruộng đất cho xã viên sử dụng để thực hiện sản lượng khoán, tránh tình trạng chia cắt manh mún đồng ruộng, v.v… Qua từng bước sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, cần kịp thời bổ sung, hướng dẫn các hình thức “khoán sản phẩm” ngày càng hoàn chỉnh thêm.

- Các cấp tỉnh, huyện phải chú trọng phát huy quyền làm chủ tập thể của các hợp tác xã và xã viên, mở rộng quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về quản lý của hợp tác xã, hướng dẫn hợp tác xã xây dựng những quy định cụ thể của hợp tác xã, của đội sản xuất trong công tác khoán; đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ để kịp thời phát huy các mặt tích cực, uốn nắn các lệch lạc, kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục mọi hiện tượng “khoán trắng” ở đơn vị cơ sở.

Đặc biệt quan tâm củng cố các hợp tác xã yếu kém, tạo những điều kiện cần thiết cho các hợp tác xã đó làm tốt việc cải tiến công tác khoán.

- Để củng cố hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng huyện nói chung, cũng như để cho cấp huyện chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện tốt công tác khoán nói riêng, tỉnh ủy, thành ủy phải đặc biệt chú trọng kiện toàn cấp huyện, nhất là các huyện thuộc các vùng trọng điểm sản xuất lương thực, sản xuất các nông sản hàng hoá; củng cố kịp thời bộ máy của các huyện yếu, kém. Các ngành ở tỉnh, ở Trung ương có liên quan tới việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp (như các ngành : nông nghiệp, thủy lợi, công nghiệp thực phẩm, điện, vật tư, thu mua, v.v…) phải cải tiến công tác của ngành mình để phục vụ tốt các hợp tác xã.

- Bộ Nông nghiệp phải nghiên cứu sửa đổi tổ chức, bộ máy quản lý hợp tác xã cho phù hợp với việc cải tiến công tác khoán, đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của cán bộ hợp tác xã. Cấp tỉnh và huyện phải kịp thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là đội trưởng, về cách quản lý, về các hình thức khoán, nhất là cách “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”.

- Phải thường xuyên chăm lo công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của cán bộ, đảng viên và nông dân xã viên; tổ chức phong trào thi đua với khí thế cách mạng sôi nổi, nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

- Các hoạt động tuyên truyền đối với công tác khoán, đặc biệt là hình thức “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, cần được tiến hành đúng mức; chú ý giới thiệu những kinh nghiệm cụ thể nhằm phát huy mặt tích cực, kịp thời khắc phục những thiếu sót và lệch lạc.

Từ nay, trong văn bản cũng như trong công tác tuyên truyền, cần thống nhất tên gọi các hình thức khoán như trong chỉ thị này.

*

* *

Chỉ thị này cần được thảo luận rộng rãi để quán triệt trong các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn và các hợp tác xã nông nghiệp. Các tỉnh ủy, thành ủy phải có kế hoạch phổ biến và chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị này cho sát với tình hình địa phương. Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Ban bí thư.
T/M BAN BÍ THƯ
Lê Thanh Nghị

1 nhận xét:

  1. Bổ sung 1 (03/10/2014): Toàn văn chỉ thị 100 do ông Lê Thanh Nghị kí.

    Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.