Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/09/2014

Các kì "Đêm trước Đổi Mới" trên Tuổi Trẻ (2005), đăng lại ba kì

Loạt bài gồm nhiều kì. Lúc báo đưa lên, chắc là được nhiều người đón đọc. Tôi lúc đó mới chỉ lướt lướt, và có lưu xuống word.

Sau này, những kì này được tập hợp thành sách, ấn hành bởi Nxb Trẻ, năm 2007.

Bây giờ, thì Tuổi trẻ đã bỏ bản trên mạng, chỉ còn lưu đường link nhưng không truy cập được nữa. Tuy nhiên, tìm thì vẫn thấy đâu đó trên mạng.


Dưới đây là 10 kì (chép tổng quan này từ chính Tuổi trẻ). Và đăng lại 3 kì (kì đầu tiên, kì cuối cùng, và kì 7).

---



Chờ đợi mua chất đốt ở phường 17, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp tháng 10-1984) 
Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ



TTO - Dưới đây là các bài báo trong loạt hồ sơ "Đêm trước đổi mới" đã đăng trên báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2005:


http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/phong-su-ho-so/20051130/cac-ky-dem-truoc-doi-moi-da-dang-tren-bao-tuoi-tre/164916.html


2. Kì 1


"Đêm trước" đổi mới: Ký ức thời "sổ gạo"


30/11/2005 04:02 GMT+7

TT - Hòa bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam - Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa.

Chờ đợi mua chất đốt ở phường 17, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp tháng 10-1984) Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ
Sài Gòn những năm 1980
Sống giữa Sài Gòn thời ấy, ông giáo Nguyễn Văn Hàng thèm bát cơm trắng và đủ thứ: cây viết trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa vá, chiếc xích chưa lộn... Hơn 20 năm rồi ông Hàng vẫn còn nhớ cái hôm chiếc xe đạp cà tàng bị banh niền.
Ông mượn cây kim to và sợi cước dài vật lộn với chiếc lốp suốt đêm. Sáng hôm sau, ông đến lớp mà không cầm nổi viên phấn nhưng không biết phải giải thích thế nào với học sinh. Mấy ngón tay nứt toét, sưng lên. Thế mà ông vẫn ngày hai buổi đến lớp.
Năm ấy, vợ ông sinh con đầu lòng. Tiêu chuẩn gạo hằng tháng được 13kg/khẩu, nhưng thường chỉ lĩnh được 3kg, còn lại qui đổi lúc bo bo, lúc bột mì, lúc mì sợi vụn, lúc khoai lang...
Cả tiêu chuẩn gạo của ông giáo Hàng cũng ưu tiên dành cho vợ, mấy tháng trời ông quên mất trên đời còn có món cơm trắng. Còn thịt chỉ là thứ mơ ước. Một hôm hội đồng giáo viên bỗng nảy ý định biến mơ ước thành hiện thực: nuôi một con heo.
Nhưng bằng cách nào? Cả tập thể nhảy vào bàn bạc và quyết định tập thể cùng nuôi. Con heo được nhốt vào khoảng trống giữa hai dãy phòng học. Ai có thức ăn thừa mang đến, nhưng khổ nỗi người không đủ ăn thì làm gì có thừa cho heo.
Nhưng rồi vẫn có: nước vo gạo, ruột cá, gốc rau... Nhưng nước vo gạo thì trong veo, gốc rau thì cụt ngủn. Con heo con thèm cám như trẻ con thèm sữa.
Một học kỳ trôi qua, con heo chẳng lớn được bao nhiêu. Nhưng đến ngày đến tháng hội đồng giáo viên cũng đành xẻ thịt liên hoan. Thế mà buổi liên hoan vẫn linh đình vì có được mấy miếng thịt.
Thầy Hàng bảo nửa năm rồi ông chưa ngửi được mùi thịt. Nuôi heo cực quá, trường thầy Hàng chuyển hướng “đầu tư” nuôi chó. Ông hiệu trưởng “lý luận”: không có gì cho chó ăn thì nó vẫn có thể tự kiếm lấy cái ăn.
Tưởng nói đùa hóa ra ông hiệu trưởng đi xin chó con thật rồi gửi nuôi ở nhà bà cụ trong trường. Thầy cô giáo có canh thừa, cá cặn lại gom góp mang đến cho con chó của tập thể.
Cuộc sống cứ thế trôi. Cây vẫn đơm hoa kết trái. Thầy cô cưới nhau trong cảnh mượn của người này chiếc áo trắng, của người kia chiếc cà vạt. Chén, đũa, ly, đĩa... tập hợp của nhau lại bày cho đủ mâm.
Nói thế cho sang chứ khẩu phần mỗi người ăn cỗ cưới chỉ có một miếng chả giò, một miếng dưa hấu và một quả chôm chôm. Thầy Hàng ra sân trường chặt một cành sứ vào trang trí, quét dọn sơ sơ để biến thành căn phòng... hạnh phúc.
Nhưng chiếc giường quá ọp ẹp, chân gãy tự bao giờ. Một ông thầy bạn thân thầy Hàng vốn khéo tay được tín nhiệm giao chăm chút lại “tổ ấm” cho đôi uyên ương. Chiếc giường đến giờ chót đủ bốn chân. Chú rể cười: xem như xong cái căn bản nhất...
Không chỉ giới công chức, nhà giáo mà giới kinh doanh cũng khốn khó. Khi cuộc cải tạo công thương bắt đầu thì cuộc sống của ông Trần Văn Thành (nay trú tại 26C, ấp 4, xã Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM), từng là chủ xe ca chạy tuyến miền Trung, nhà cửa đàng hoàng, thường ăn cơm tiệm, cuối tuần hay đi mua sắm... cũng bắt đầu đổi khác.
Sau bữa cơm đạm bạc, cha con đưa đẩy nhường nhau bát cơm độn, ông Thành xách túi ra xe kéo theo cái nhìn lo âu và tiếng thở dài của người thân. Bởi cái xe của ông quá cũ nát không an toàn khi bắt buộc phải chở quá tải trên những đoạn đường trường, bởi chắc chắn ông sẽ phải cố tìm một vài mặt hàng lậu để bù vào tiền xăng, dầu, bơm vá…
Tiền lương của ông mỗi tháng không đủ chi tiêu cho một tuần sinh hoạt gia đình. Vì sao vậy? Ông kể: nối nghiệp gia đình theo nghề lái xe, đến năm 1973 ông Thành sắm được một chiếc xe ca trị giá 3,5 triệu đồng, tương đương hơn 100 lượng vàng thời đó.
Đây là một tài sản lớn, nghề khác không dễ có được. Ông Thành được xem là nhà tư sản “nhỏ” và ông đã có thể mơ đến chuyện thành lập một hãng xe. Lúc ấy dân tài xế nói riêng, những nhà buôn, dịch vụ nói chung làm ăn khấm khá.
Bến xe miền Tây khi đó có một số hãng xe lớn sở hữu hàng chục phương tiện đắt tiền như Hiệp Thành, Phi Long, Á Đông... không ngừng phát triển.
Nhưng sự phát triển đã dừng lại bởi “sáng kiến” công ty công tư hợp doanh. Tất cả mọi chiếc xe lớn nhỏ dù của ai cũng đều phải đem góp vào công ty. Giá xe do Nhà nước định mà trên thực tế thì nó chỉ tương đương với
1% giá thật. Đã vậy, công ty chỉ mua chịu trả dần, mỗi lần một ít. Có người đến khi không còn ở công ty, hoặc đã chết vẫn chưa được trả hết. Mà dù có được trả hết thì khoản tiền đó cũng không đủ mua chiếc xích lô.
Bán xe xong, ai biết lái xe thì được nhận làm công nhân của công ty. Lái theo chuyến, ăn lương theo qui định. Ai không biết lái xe thì coi như mất xe.
Có những ông chủ hãng xe 30- 40 chiếc, cai quản hàng trăm lái, phụ xe nay muốn quá giang 30-40km nếu không mua được vé thì vẫn bị đẩy xuống bến xe ngơ ngác trong bụi khói. Nhiều ông chủ xe xin mãi mới được làm phụ xe, còn bị anh lái xe mình thuê ngày xưa mắng mỏ mỗi khi trái ý.
Phóng to
Các bà nội trợ chờ mua gạo tại cửa hàng lương thực phường 10, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp ngày 15-10-1983) - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ
Hà Nội sau niềm hân hoan
Bà Đinh Thị Vận - 63 tuổi, phường Tương Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội), là công nhân Nhà máy Dệt 8-3 - vẫn còn nhớ: sau giải phóng miền Nam, gia đình, cơ quan, khu phố của bà cũng như nơi nơi đều ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Nhưng sau đấy một vài năm thì giá cả tăng vùn vụt, cơ quan của bà không việc làm. Nồi cơm của gia đình bà nấu gạo “mậu dịch” (gạo từ kho các cửa hàng lương thực của Nhà nước) hôi đủ các thứ mùi: gián, mốc và có khi là xăng dầu..., có khi lẫn những hạt sạn to như hạt ngô.
Sau đó gạo mậu dịch cũng thiếu và ngày một lẫn đầy những sắn, ngô, khoai... Hường, con gái bà, từng nói lên mơ ước trong bài văn nộp cô giáo: “Ngày tết em mong sao có một nồi cơm trắng và một bát thịt kho...”. Một ước mơ không có trong tâm thức những người trẻ bây giờ, nhưng không phải hiếm thời đó.
Mỗi tháng, theo chỉ tiêu, cả nhà bà Vận được nhận 2kg thịt. Gọi là thịt nhưng toàn mỡ vụn, bạc nhạc và lại chia làm hai lần. Lần nào cơ quan bà cũng chỉ đủ thịt chia cho 2/3 công nhân.
Mỗi tổ phải tự bắt thăm. Ai trúng thì lĩnh trước, không trúng thì chờ đợt sau. Các chị tiếp phẩm (bộ phận chia thực phẩm) cân hụt mất một lạng, có biết cũng phải cố mà cười. Ngày lĩnh thực phẩm cả nhà cứ phấp phỏng, rình mò và hít khói bếp.
Rán cho cùng kiệt mỡ, cẩn thận đổ vào liễn rồi bà mới cho “cả làng” muối, mắm mặn chát vào kho với mấy miếng thịt để ăn dè. Cả khu tập thể công nhân nhà máy vui như hội. Khu phố lên đèn, ở những gia đình không được lĩnh, có tiếng chì chiết của ông chồng nào đó vì vợ không bốc trúng thăm...
Rất nhiều nhu yếu phẩm khác như xà phòng, mì chính, chất đốt... của tất cả cán bộ công nhân viên chức khác cũng như vậy. Có năm ba tháng liền bà chỉ được lĩnh vải mà không xà phòng.
Có người như cô Hoa chồng chết, nhà có bốn người toàn phụ nữ (mẹ chồng, Hoa và hai con gái) nhưng khi lĩnh tiêu chuẩn quần áo lót thì toàn quần đùi, áo may ô và... dao cạo râu. Cô Hoa khóc cả tuần liền...
Công ty của em bà sản xuất sứ tích điện. Không có tiền, công ty trả lương cho công nhân bằng tích điện. Đơn vị có cao su trả bằng cao su, xí nghiệp có mũ cứng thì trả lương công nhân bằng mũ cứng... Những lúc như vậy lĩnh lương xong cũng không biết đem về đâu, để làm gì?
Chuyên gia kinh tế Lê Văn Viện bảo rằng đó là bối cảnh chung của đời sống người dân trước năm 1986. Hầu như những mặt hàng thiết yếu đều đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối bằng hiện vật, tem phiếu và định lượng bằng chỉ tiêu.
-------------------
Kỳ sau: “Vòng kim cô” của sản xuất
Tất cả đều chạy theo chỉ tiêu. Và có những chỉ tiêu gần như hủy diệt mọi sự sáng tạo, năng động của doanh nghiệp.

HÀNG CHỨC NGUYÊN - XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN

3. Kì 7


"Đêm trước"đổi mới: Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá


07/12/2005 05:12 GMT+7


TT - Từ năm 1978, sau chiến dịch cải tạo,lập tức TP.HCM thiếu gạo - điều chưa từng có trong lịch sử miền Nam. “Hòn ngọc Viễn Đông” phải ăn độn bo bo là điều không thể tưởng tượng nổi.
Phóng to
Khắp các chợ lúa gạo ở miền Nam sau cú "xé rào" bán theo giá thị trường lập tức đông đúc, nhộn nhịp - Ảnh tư liệu TTXVN
TT - Từ năm 1978, sau chiến dịch cải tạo,lập tức TP.HCM thiếu gạo - điều chưa từng có trong lịch sử miền Nam. “Hòn ngọc Viễn Đông” phải ăn độn bo bo là điều không thể tưởng tượng nổi.
Ý tưởng “xé rào”
Những người chịu trách nhiệm ở TP.HCM lúc đó đứng trước một bài toán nan giải: phải chấp hành chủ trương của Trung ương là tiến hành cải tạo, xóa bỏ thị trường tự do, nắm trọn khâu bán buôn. Nhưng lương thực không có vì không huy động được.
Chuyện thu mua lương thực của các tỉnh đồng bằng là chuyện của trung ương, không phải việc của TP. Thành phố không được phép trực tiếp mua gạo ở các tỉnh. Mà nếu có được mua thì với giá “mua như giựt” cũng không thể nào mua được.
Chưa bao giờ người dân thành phố không có gạo để ăn. Bây giờ sau giải phóng lại không đủ gạo ăn, thay vào đó là khoai mì, khoai lang thậm chí hạt bo bo.
Từng đổ xương máu cho cuộc kháng chiến và sau đó lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt có lẽ là người nhức nhối nhất, vì cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân TP.
Ông đã tuyên bố trước lãnh đạo các ban ngành TP: “Không thể để một người dân nào của TP chết đói”. Nhưng làm thế nào để dân không đói? Gạo không được cung cấp. Tiền thì không có. Nếu có cũng không được phép đi mua. Mua được thì phải bán theo giá cung cấp do Nhà nước qui định. Thế thì càng chết. Nếu dân không chết thì ngân sách chết vì thiếu hụt. Người đi thu mua cũng chết vì vi phạm qui chế. Biết làm sao đây?
Cả tập thể thành ủy và những bộ phận có liên quan, trước hết là cơ quan lương thực, cùng trăn trở. Bà Ba Thi, giám đốc Công ty Lương thực TP, vốn là người năng nổ, xông xáo và có gan tìm ra những giải pháp đột phá, như một bản năng của bà từ thời hoạt động chống Mỹ. Từng lăn lộn khắp đồng bằng sông Cửu Long, bà biết rất rõ thị trường gạo ở đây.
Vấn đề không phải là thiếu, mà là không mua được. Vậy phải tìm cách nào để mua? Bà đề xuất với Bí thư Thành ủy: “Đi về đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo trên thị trường, đem về phục vụ đồng bào TP”. Ý kiến này cũng đã xuất hiện trong đầu của nhiều cán bộ có trách nhiệm lúc đó. Ý hợp tâm đầu, từ những ý tưởng đột phá cá nhân đã hình thành ý kiến của tập thể.

Anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi
Ông Lữ Minh Châu, lúc đó là giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM, còn nhớ một bữa ăn sáng được mời rất bất ngờ. Ông Châu kể: anh Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt, bí thư thành ủy) gọi điện rủ tới nhà ăn sáng.
Tôi hỏi có chuyện chi để tôi chuẩn bị. Anh nói “lên đây sẽ biết”. Tới nơi tôi mới biết anh cũng đã gọi một số người khác. Trong đó có anh Năm Ẩn - giám đốc Sở Tài chính, anh Năm Nam - chánh văn phòng Thành ủy và chị Ba Thi.
Ăn sáng xong, anh Sáu Dân nói: “Hiện nay, dự trữ gạo của TP chỉ còn có vài ngày. Mình không thể để cho dân thiếu gạo được. Nhưng việc này với cơ chế hiện nay, không phải dễ giải quyết. Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho TP nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời.
Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thỏa thuận. Dân đồng bằng sông Cửu Long có gạo nhưng không chịu bán nghĩa vụ cho Nhà nước vì họ bị thiệt.
Trong khi đó dân TP có tiền và sẵn sàng mua với giá thỏa thuận thì lại không được xuống mua và đưa ra khỏi tỉnh. Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời các anh chị đến để hiến kế giải quyết”.
Ông Châu trầm ngâm nhớ lại: “Đúng là rất khó khăn. Ngoài các vướng mắc mà anh Sáu Dân nêu ra, cơ chế của từng ngành cũng có đủ thứ bó buộc. Chị Ba Thi phải lấy danh nghĩa “cá nhân” chứ không thể lấy danh nghĩa Sở Lương thực để mua gạo theo giá thỏa thuận. Nhưng cá nhân thì tài chính không thể ứng vốn, ngân hàng cũng không thể cho vay hoặc chi tiền mặt. Việc xin mua ở tỉnh và việc vận chuyển về TP cũng không phải dễ dàng.
Bàn tới bàn lui rồi cũng có lối ra, chúng tôi nghĩ: vướng do cơ chế thì chỉ còn cách “xé rào”. “Xé rào” không phải khó. Nếu anh Sáu đồng tình với việc làm tuy gọi là “xé rào” nhưng có lợi và hợp tình, hợp lý thì chúng tôi làm được ngay: tài chính xuất tiền vốn chi cho chị Ba Thi mua gạo, ngân hàng xuất tiền mặt theo lệnh chi của tài chính và cho giấy đi tỉnh.
Chị Ba Thi liên hệ với địa phương để mua gạo và xin phép chở về TP tổ chức bán thu tiền về và quay vòng tiếp theo. Để đảm bảo an toàn cho việc “xé rào” thì tài chính phải cử cán bộ đi cùng làm kế toán, ngân hàng cử cán bộ giữ và chi tiền mặt, còn chị Ba Thi phụ trách chung, gọi là tổ trưởng “Tổ thu mua lúa gạo” (có người gọi đùa là tổ buôn lậu gạo).
Ông Sáu Dân đồng tình với phương án này và chịu trách nhiệm về chủ trương để các ngành làm. Bà Ba Thi nói “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông Sáu Dân vừa nói vừa cười: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Một câu tuyên bố như một lời thề mà nhiều người đến nay vẫn thường hay nhắc lại.
Phóng to
Ông Võ Văn Kiệt, bí thư Thành ủy TP.HCM, trên Nông trường Phạm Văn Hai - Ảnh trích từ sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long & NXB Trẻ phát hành năm 2002
Phá cơ chế giá lỗi thời
Chuyện mua lúa giá thị trường tưởng đơn giản nhưng là việc tày đình. Giám đốc Công ty Lương thực TP dám đánh cả đoàn xe xuống ĐBSCL mua lúa giá 2,5 đồng/kg (tương đương 5 đồng/kg gạo). Gạo chở về Sài Gòn bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận tải + thặng số thương nghiệp).
Trong khi giá lúa do Ủy ban Vật giá qui định, Bộ Chính trị duyệt và Thủ tướng ký là 0,52 đồng/kg. Bà Ba Thi mua cao hơn năm lần quả là chuyện động trời. Nhưng lý do của bà khó ai có thể kết tội: phải lo cho cái bao tử của 3 triệu người dân TP. Đúng là bà dám vượt đèn đỏ, nhưng là ngồi trên xe cứu thương và cứu hỏa vượt công khai, chính đáng.
Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng Nam bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo 0,52 đồng/kg bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức phá giá đó lan ra cả nước. Không lùi được nữa.
Sự đột phá của Công ty Lương thực TP không chỉ cứu cái bao tử người dân TP mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư lỗi thời.
HUỲNH SƠN PHƯỚC (Trích từ sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và NXB Trẻ xuất bản năm 2002)


4. Kì 10


"Đêm trước" đổi mới: Chuyển đổi vô hình


10/12/2005 17:21 GMT+7

TT - Thực tiễn có thể xé rào hay bùng nổ hơn nữa, cay đắng hơn nữa nếu không có sự chuyển đổi tư duy. Những người gánh vác trọng trách rồi cũng bước ra khỏi sách vở giáo điều để đi đến những quyết định kịp thời.
Phóng to
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với chuyên gia Liên Xô sang VN giảng bài về NEP (chính sách kinh tế mới) năm 1979 - Ảnh tư liệu của GS Lê Văn Viện
TT - Thực tiễn có thể xé rào hay bùng nổ hơn nữa, cay đắng hơn nữa nếu không có sự chuyển đổi tư duy. Những người gánh vác trọng trách rồi cũng bước ra khỏi sách vở giáo điều để đi đến những quyết định kịp thời.
Đột phá tư duy
Lục tìm những tập ảnh kỷ niệm, GS Lê Văn Viện (nguyên giảng viên Trường đại học Kinh tài - nay là Đại học Kinh tế quốc dân) đưa ra một tấm hình đen trắng đã ố màu. Ông nói đây là tấm ảnh được chụp năm 1979 khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm lớp học về NEP (chính sách kinh tế mới) của Lênin do các giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ kinh tế hàng đầu của Liên Xô giảng dạy cho các cán bộ trung, cao cấp VN.
Các khóa học này như là tìm chỗ dựa về lý luận để đúc kết những cuộc phá rào đang diễn ra trong thực tiễn. Bởi chỉ với thực tiễn thì khó mà thay đổi nhận thức những vị làm chính sách quan liêu, giáo điều.
Giáo sư Trần Nhâm ghi lại trong cuốn Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy (NXB Chính Trị Quốc Gia - 2005): “Sau khi nhận thấy yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như hình hài con đường đổi mới của VN, đồng chí Trường Chinh cho rằng tình thế lúc này không thể kéo dài được nữa nhưng để thay thế cái cũ phải nắm vững lý luận, hiểu rõ thực tế và nhìn thẳng vào sự thật.
Do vậy ông quyết định làm gấp hai việc: Một là tập hợp một nhóm tư vấn gồm những người có tư duy đổi mới để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn làm căn cứ và tìm ra phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới. Hai là tổ chức những chuyến đi thực tế các địa phương, tìm rõ cái hay cái dở, thành công và thất bại để có những đánh giá chính xác...”.
Cuối tháng 12-1982, nhóm nghiên cứu ra đời gồm: Lê Xuân Tùng, Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp, Hà Nghiệp, Trần Nhâm... Ông Đào Xuân Sâm nói: nhóm có khoảng chục người “khai sinh” từ lệnh miệng, hoàn toàn không có quyết định thành lập. Vị trí của đồng chí Trường Chinh lúc ấy không điều hành, xử lý công việc cụ thể, có độ lùi để nhìn toàn cục, có thời gian để nắm bắt, lắng nghe tình hình.
Một số vấn đề mà nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ là nhận thức lại những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới của Lênin và việc vận dụng vào VN; nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH ở VN; phân kỳ thời kỳ quá độ; phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội… Nhóm đã chuẩn bị các phát biểu mang tư tưởng mới cho các đồng chí lãnh đạo tại nhiều cuộc họp Bộ Chính trị và hội nghị trung ương.
Ở TP.HCM cũng có một nhóm chuyên gia kinh tế như vậy thường được nhắc đến với cái tên nhóm “Thứ Sáu” (họ thường tụ tập vào thứ sáu hằng tuần). Thành phần chủ yếu là các chuyên gia có hạng của miền Nam trước 1975. Người từ trại cải tạo về, người không thuộc diện cải tạo thì sống trong cảnh nửa thất nghiệp bên lề xã hội.
Thế mà họ (Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng…) đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí lúc ấy trọng dụng như những “quân sư kinh tế”. Nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Phong cho rằng đây là hiện tượng khá đặc biệt, không chỉ đối với VN mà còn là điều hiếm thấy ở những nước XHCN khác.
Nhóm “Thứ Sáu” nghiên cứu cả chuyện lớn, chuyện nhỏ miễn là góp sức gỡ thế bí, đặc biệt tìm những mũi đột phá cơ chế từ ách tắc thực tiễn. Dấu ấn của họ để lại trong những chuyện xây dựng vùng lúa năng suất cao ở Tiền Giang, nghiên cứu thành lập thí điểm ngân hàng cổ phần, đề xuất lập khu chế xuất… cho đến đột phá về cải cách giá - lương - tiền. Đây là mũi đột phá tư duy đi ngược lại phần lớn ý kiến đương thời. Nền kinh tế lúc ấy đang đứng trước nghịch lý: giá hàng tăng, sản xuất đình trệ, tiền khan hiếm…
TP.HCM có lẽ là nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất của cơ cấu khủng hoảng này. Trong tình hình rối bời, nhóm “Thứ Sáu” được giao giải bài toán “chống lạm phát”. Họ lao vào tìm số liệu, phân tích thống kê, so sánh tỉ giá tiền đồng với đôla… để rồi hoàn tất một công trình mang tên “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế”. Họ chẩn bệnh: tình trạng tăng giá mà xã hội đang chứng kiến chỉ là tăng ảo.
Nó không mang lại sự kích thích sản xuất hay giải quyết việc làm như tác động thường thấy của lạm phát trong một nền kinh tế đang tăng trưởng. Mỗi người nhìn giá cả theo góc độ của mình: người tiêu dùng thấy giá hàng tăng nhưng nhà sản xuất lại thấy giá hàng không bù đắp nổi chi phí. Trong khi đó người nước ngoài tiêu xài đôla tại VN thấy giá cả hàng hóa ngày càng rẻ vì so với vàng và đôla thì mọi loại hàng đều giảm.
Nhóm “quân sư” này cho rằng chính sách tiền tệ của các nước kế hoạch hóa tập trung, trong đó có VN, là chống lạm phát bằng cách hạn chế đưa tiền ra lưu thông chỉ tạo ra suy thoái kinh tế và kiệt quệ các lực lượng sản xuất. Thời ấy mà nói thế là “to gan” lắm nếu không có những “cái ô” trên đầu.
Họ chỉ ra bản chất của vấn đề là nền kinh tế tụt dưới mức nhu cầu xã hội nên tình trạng “tăng giá suy thoái” xảy ra triền miên và không thể khắc phục được nếu tiếp tục hạn chế khối lượng tiền tệ. Điều đó dễ dẫn đến nguy cơ phi tiền tệ hóa nền kinh tế. Người dân sẽ dùng vàng và đôla làm phương tiện thanh toán.
Nhóm “Thứ Sáu” không những khẳng định những biện pháp cải cách tiền lương thời đó không phù hợp mà còn cho rằng tình trạng ngăn sông cấm chợ đã làm lệch lạc hệ thống giá cả. Họ kiến nghị chấm dứt tức khắc tình trạng ngăn sông cấm chợ mà trước tiên là bãi bỏ các trạm kiểm soát trên các trục lộ giao thông.
Áp dụng chính sách tiền tệ tích cực nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển. Cải tổ hệ thống ngân hàng để tạo sự tín nhiệm cho người dân gửi tiền. Và điều quan trọng là công bố cho dân biết Chính phủ không bao giờ đổi tiền nữa. Kết quả chống lạm phát thành công và sau này nhiều người trong nhóm được mời vào tổ tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phóng to
Năm 1976-1986, giá nông sản tăng từ 0% lên gần 2.000%
* TTXH - thị trường xã hội: được hiểu là thị trường chung của hàng hóa nhà nước, tập thể, tư nhân (hợp pháp và bất hợp pháp).
* TTTC - thị trường tổ chức: được hiểu là thị trường quốc doanh.
* TTTD - thị trường tự do: được hiểu theo giá chợ.
* GIA NS: Giá nông sản.
(Nguồn : Niên giám thống kê 1986)
Thật ra sau giải phóng, theo ông Kiệt, đã từng có ý kiến ở cấp cao muốn duy trì một nền kinh tế nhiều thành phần, sử dụng thị trường. Nhưng sau đó không lâu, xu hướng “tả khuynh” duy ý chí đã thắng thế dẫn tới cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, đưa dân đi kinh tế mới cưỡng bức.
Đó là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở thời điểm trước đổi mới. Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đi đến cùng cực thì những quan điểm giáo điều, “tả khuynh” mới bộc lộ rõ tính bất lực của nó.
Đến lúc đó, những tư duy khách quan, tỉnh táo hơn đã cứu vớt từng mảng nền kinh tế. Những cuộc phá rào lúc âm ỉ, lúc bùng phát ở cơ sở tiến đến phá rào trong cả đường lối, chính sách ở trung ương.
Phao bảo hiểm
Hoàn cảnh VN (đặc biệt là miền Nam) khác nhiều nước XHCN khác ở chỗ kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường chưa bao giờ bị xóa sổ triệt để. Những ai đã sống ở “đêm trước” đổi mới chắc hẳn chưa quên cảnh hàng quán lô nhô từ khắp vỉa hè thành phố cho đến ngõ xóm làng quê. Nó như những chiếc phao bảo hiểm khi khu vực quốc doanh không cung ứng đủ hàng cho sản xuất và đời sống.
Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong ví nó như cục bướu con lạc đà lấy chất dinh dưỡng dự trữ sẵn cho chuyến hành trình qua sa mạc khô cằn. Sự khác nhau này góp phần giải thích tại sao khi mô hình kinh tế cổ điển khủng hoảng thì các nước Đông Âu rơi ngay vào thảm cảnh sụp đổ, trong khi mức độ khủng hoảng ở VN nhẹ nhàng hơn.
Hơn nữa, tại các thành phố và gần như toàn bộ nông thôn miền Nam, kinh tế thị trường hay kinh tế tư nhân nói riêng không những kế thừa thời trước 1975 mà còn được hà hơi tiếp sức bởi những quan hệ với Việt kiều và nước ngoài. Hằng năm, Việt kiều khắp nơi gửi tiền, hàng về cho thân nhân trong nước. Tiền tạo thêm vốn kinh doanh hoặc làm tăng sức mua của xã hội. Hàng hóa từ ngoài vào như một nguồn tiếp sức cho thị trường tự do.
Một nguồn lực khác tiếp thêm sức cho thị trường tự do là lực lượng lao động xuất khẩu ở các nước XHCN và thủy thủ tàu viễn dương. Theo ông Đặng Phong, lực lượng này chỉ bằng 1/10 Việt kiều (200.000 so với 2 triệu) nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường nội địa. Họ khai thác nhiều mặt hàng trong nước mang đi như quần áo, đồ mỹ nghệ... và gửi về tất cả những gì trong nước thiếu, từ xe đạp, xe máy, tủ lạnh, tivi... cho đến kim chỉ, bút bi, cúc áo.
Nhờ vậy, dù khu vực kinh tế chính thống rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhưng dân tình không đến nỗi khốn khó như ở Cuba, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc trước thời Đặng Tiểu Bình. Điều này góp phần giải thích vì sao chuyển đổi ở VN thuận lợi, êm thắm hơn. Kinh tế thị trường ở VN là cái đã sẵn có, khi được hợp pháp hóa nó bung ra phát triển ngay lập tức.
XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN



---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Các kì "Đêm trước Đổi Mới" trên Tuổi Trẻ (2005): đăng lại 3 kì


Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.