Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/07/2014

Đường sắt trên cao: đến quý II năm 2015, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ khai trương ?

"Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông xây dựng 13,05km đường sắt trên cao với 12 nhà ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian tàu chạy từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h, tương đương với 1.020.000 người/ngày".



Tin đã lên mặt báo hồi năm 2012: "Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, tổng mức đầu tư là 8.770 tỷ đồng, tương đương 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam".

Tháng 2 năm 2014

Đến tháng 5 năm 2014, thì đã điều chỉnh: 

"Sau hơn 4 năm triển khai, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành mặt bằng 10 km trong tổng chiều dài 13 km và khu depot 23 ha, đường nhánh vào depot. Các nhà thầu đã hoàn thành xây lắp 286 trong tổng số 421 trụ (đạt 75%), thi công 7 trong 12 nhà ga... tổng giá trị khoảng 2.701 tỷ đồng (chiếm 31% giá trị dự án).

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông, dự án sẽ được khai thác vào tháng 12/2015, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu."


---



LƯU TƯ LIỆU

1. Năm 2012, tin trên Tiền Phong:

09:19 ngày 18 tháng 07 năm 2012

Qúy 2-2015, người Hà Nội được đi đường sắt trên cao

Nếu mọi điều kiện về vốn và giải phóng mặt bằng, quy hoạch… được đảm bảo thì trong quý 2-2015, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác, với lưu lượng vận chuyển dự kiến là 1.020.000/người/ngày.

Tuyến đường sắt 1 ray ở Singapore
Tuyến đường sắt 1 ray ở Singapore.


Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được chính thức khởi công hôm 10-10-2011. Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng Ban dự án, Cục đường sắt Việt Nam, dự án đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng 23ha khu Depot vào hồi tháng 1 năm nay và hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng 6,8ha đường dẫn vào khu Depot.

Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, dự án cũng đã hoàn thành được 5km trên tổng số 13,5km chính tuyến, bao gồm các đoạn tuyến Hào Nam - Hoàng Cầu; Cầu Mới - Vành đai 3; khu vực nút giao vành đai 3; khu vực cầu sông Nhuệ và đoạn tuyến La Khê - Ba La.
Về khảo sát, thiết kế, theo ông Lực, hiện đã hoàn thành toàn bộ công tác khảo sát địa hình và 90% công tác khảo sát địa chất. Hiện đang hoàn thiện để Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chính thức phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ chính tuyến, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga, trừ ga Cát Linh đang tính toán để kết nối với Trung tâm thương mại.
Về công tác thi công, ông Lục cho biết, đến nay đã hoàn thành 42 trụ cầu và đang tiếp tục thi công 31 trụ khác trên các đoạn tuyến Hào Nam - Hoàng Cầu, La Khê - Ba La và khu vực nút giao Vành Đai III. Dự án cũng bắt đầu thi công Cầu Sông Nhuệ và 29 trụ cầu đoạn Cầu Mới - Vành đai 3; hoàn thành san lấp mặt bằng bước 1 và chuẩn bị triển khai thi công xử lý nền đất yếu trong khu vực Depot.
Thi công dự án với giá rẻ nhất
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, tổng mức đầu tư là 8.770 tỷ đồng, tương đương 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Hiện nay, ước tính giá trị thực hiện là 682 tỷ đồng Việt Nam, bằng 8% giá trị Dự án. Tổng số tiền giải ngân đạt 1248 tỷ đồng, bằng 15% giá trị dự án.
Nói về mức giá đầu tư, ông Trần Văn Lục, Trưởng ban quản lý dự án đường sắt - Cục đường sắt Việt Nam cho rằng, so với các dự án khác thì đây là mức giá đầu tư thấp nhất (khoảng 600 tỷ/1km). “Thực tế, tuyến số 3 có mức giá đầu tư lên đến 2000 tỷ/km. Nếu mức giá của tuyến Cát Linh - Hà Đông giữ được như dự tính là 600tỷ/km thì đây sẽ là mức giá rẻ nhất trong việc đầu tư đường sắt trên cao” - ông Lục nói.
Để đạt được tiến độ dự kiến, ngoài các điều kiện về vốn, Cục đường sắt Việt Nam đề nghị UBND quận Hà Đông khẩn trương hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong tháng 8-2012. Đặc biệt, việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội, một vấn đề tồn tại khá phức tạp, cần được hoàn thành trong tháng 11-2012.
Ban quản lý dự án cũng đề nghị UBND quận Đống Đa và Thanh Xuân chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư; Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án Xây dựng nhà Tái định cư đảm bảo tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội chiều 17-7, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ thực hiện dự án, ông Lục cho biết, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng phía Tổng thầu Trung Quốc cho biết tối đa cũng chỉ hoàn thành sớm được khoảng 3 tháng so với dự kiến. Theo đó, khoảng đầu tháng 4-2015 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường sắt này nếu các điều kiện về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thoả thuận quy hoạch tổng mặt bằng và cấp phép thi công được đảm bảo theo yêu cầu.
Theo ông Lục, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông xây dựng 13,05km đường sắt trên cao với 12 nhà ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian tàu chạy từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h, tương đương với 1.020.000 người/ngày.
Theo VnMedia

2. Tháng 2 năm 2014:

Thứ Ba, 11/2/2014 07:00

5 năm thi công, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mắc "cạn"


Hiệu quả đầu tư tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 70%.
Đến thời điểm này, việc “nới đai” tổng mức đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ diễn ra, nếu Bộ Giao thông - Vận tải muốn hoàn thành công trình sử dụng vốn ODA Trung Quốc này vào quý I/2015.
Theo đơn vị chủ đầu tư - Cục Đường sắt Việt Nam, sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư Dự án sẽ không thể dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, để hoàn thành 13,05 km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được 100.000 lượt khách/ngày đêm sẽ cần thêm 339 triệu USD.
Trong số các khoản phát sinh tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, “nặng” nhất là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (25 triệu USD)…
Điều đáng nói là, chỉ riêng Gói thầu số 1 - gói thầu chính của Dự án bao gồm các phần việc: thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp được trao cho Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) thực hiện - đã phát sinh thêm khoảng 250,8 triệu USD.
Trên thực tế, nếu chủ đầu tư không quyết liệt “ép” tổng thầu, chi phí Dự án sẽ không dừng ở đây, bởi trước đó, trong Văn bản 1340/2013/CRGS/NHHĐ, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đề nghị bổ sung cho hợp đồng EPC thêm 258,4 triệu USD, chưa bao gồm chi phí dự phòng 25,8 triệu USD.
Như vậy, nếu được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận, tổng mức đầu tư Dự án sẽ vào khoảng 891 triệu USD, đẩy chi phí bình quân đầu tư 1 km đường sắt đô thị của tuyến Cát Linh - Hà Đông lên 68,5 triệu USD.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, có 3 nhóm nguyên nhân đẩy chi phí Dự án tăng cao, gồm điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở (thay đổi phương án nhà ga, thay vật liệu vỏ tàu…); biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách; giải phóng mặt bằng kéo dài…
 “Việc để tổng mức đầu tư trượt lên gần 70% sẽ khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi giải trình với các cơ quan quản lý dự án”, một chuyên gia nhận xét.
Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, sau khi tổng dự toán, tổng mức đầu tư điều chỉnh được Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) thẩm tra, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ xem xét các vấn đề tồn tại trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Dự án, làm cơ sở đàm phán vay vốn bổ sung.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông  Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, nhằm chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định quản lý đầu tư; xử lý kịp thời những vướng mắc và ngăn chặn những sai sót trọng yếu tại Dự án có thể gây thiệt hại cho Nhà nước.
Phải nói thêm rằng, mặc dù công trình chính thức được động thổ vào tháng 10/2011, nhưng Hợp đồng EPC đã được Cục Đường sắt Việt Nam trao cho Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (Trung Quốc) từ tháng 5/2009, với tổng giá trị 350,6 triệu USD. Theo điều 8, Hợp đồng EPC, thời gian thực hiện không được vượt quá 48 tháng trừ trường hợp chậm trễ không do lỗi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dù đã có hơn 4 năm triển khai trên thực địa, tiến độ mà tổng thầu Trung Quốc đạt được hiện rất đáng quan ngại và nếu không quyết liệt triển khai, thì nguy cơ không thể đạt mốc tiến độ đã qua nhiều lần “căn chỉnh” (tháng 6/2015) rất nan giải.
Anh Minh (baodautu.vn)

3. Tháng 5 năm 2014:



Thứ bảy, 24/5/2014 | 12:07 GMT+7



Bổ sung 400 tỷ đồng cho đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông




Dự kiến trong tuần tới số tiền này sẽ được chuyển về Hà Nội để chi trả cho việc đền bù giải phóng mặt bằng.


Bộ Giao thông và Hà Nội vừa thống nhất về việc thực hiện các dự án, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hay sự phối hợp của các chủ đầu tư trong các dự án hai bên đang thực hiện, trong đó có dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
400 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tuần tới để trả tiền giải phóng mặt bằng.Ảnh: Bá Đô
400 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tuần tới để trả tiền giải phóng mặt bằng. Ảnh: Bá Đô.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hà Nội, hiện nay dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông đang bị chậm, trừ quận Thanh Xuân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, còn lại các quận khác đều đang vướng mắc. Để có thể kết thúc công việc này và hoàn thành đúng tiến độ, Bộ Giao thông cần phải chi trả phần kinh phí còn thiếu của dự án khoảng 356 tỷ đồng để các quận trả tiền đền bù cho dân.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho rằng Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng bổ sung cho dự án đường sắt trên cao 400 tỷ đồng và đã được chấp thuận. Dự kiến trong tuần tới, khoản tiền này sẽ được chuyển toàn bộ cho thành phố Hà Nội để chi trả cho dân.
Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) tổ chức thi công ngay đối với các phần diện tích đã bàn giao và phối hợp tốt hơn nữa với các quận liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trước đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông, thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng đánh giá việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Cát Linh - Hà Đông thêm hơn 300 triệu USD do lỗi chủ quan của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và tổng thầu. 
Cũng liên quan đến dự án này đội vốn hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng bị tạm đình chỉ vì phát ngôn thiếu trách nhiệm. Ông Thắng cho rằng "đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu".
Sau hơn 4 năm triển khai, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành mặt bằng 10 km trong tổng chiều dài 13 km và khu depot 23 ha, đường nhánh vào depot. Các nhà thầu đã hoàn thành xây lắp 286 trong tổng số 421 trụ (đạt 75%), thi công 7 trong 12 nhà ga... tổng giá trị khoảng 2.701 tỷ đồng (chiếm 31% giá trị dự án).
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông, dự án sẽ được khai thác vào tháng 12/2015, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng, tương đương hơn 552 triệu USD (thời giá năm 2008), trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD, thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013.
Xuân Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.