Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/06/2015

Tại sao nhà văn lại không viết về Trường Sa, Hoàng Sa (ý kiến Trần Ngọc Vương)

Theo một ghi chép, thì nguyên văn ý kiến đó như sau:

"GS. Trần Ngọc Vương đã đặt lại câu chuyện mối quan hệ của văn hóa và chính trị. Bất kỳ nền chính trị nào cũng cần văn học phục vụ cho nó. Thể chế nào cũng có văn nô của nó. Nhưng, thể chế nào cũng có văn học của nó. Chính trị không phải chỉ là những sự đối lập… Cách chúng ta thông diễn về mối quan hệ chính trị và văn học... Chính trị có đám văn nô của nó, nhưng cần phải ứng xử như thế nào với Hội Nhà văn. Hãy để cho văn nô làm việc của văn nô, và những nhà văn khác làm công việc của họ một cách bình đẳng. Phần lớn những tác giả văn học cách mạng viết về yêu nước rất dở, ngay cả Tố Hữu, vì tâm hồn họ không toàn diện, họ không dám yêu nước bằng tất cả con người họ, họ chỉ yêu nước bằng đường lối, bằng chủ trương. Về một vấn đề rất nóng hiện nay: vấn đề chủ quyền trên biển và sự xâm lăng của sức mạnh mềm, GS. Trần Ngọc Vương đã nêu lên những suy nghĩ rất sâu sắc về cuốn sách của Trung Quốc vừa mới được dịch và xuất bản ở Việt Nam: Đạo mộ bút ký. Về sử liệu, Trung Quốc không có chủ quyền ở 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trước 1909. Nhưng Đạo mộ bút ký lại dựng nên một lịch sử hoạt động của nhân vật từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh... Điều đau khổ là họ viết hay quá, nên nhiều người thích thành ra đó là một cuộc xâm lăng của sức mạnh mềm mà chúng ta không cảnh giác hoặc chưa có biện pháp ngăn chặn. Cũng tại diễn đàn này, Trần Ngọc Vương đặt ra câu hỏi: Tại sao viết về Con Hồng Cháu Lạc thì được mà nhà văn lại không viết về Trường Sa, Hoàng Sa hay chống lại luận điệu và âm mưu của Trung Quốc?".

Ảnh ngó Fb

Ở dưới là toàn văn. Lấy về từ Văn học Quê nhà.

---





Ngày 28/5/2015 tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, số 01 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia: Sáng tác văn học thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng. Đến dự hội thảo có Lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung Ương, Viện Hàn Lâm KHXHVN, Viện Văn học, các nhà văn, nhà thơ, các nhà khoa học trong nước và các cơ quan thông tấn báo chí…
Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp- Viện trưởng Viện Văn học trình bày đề dẫn: Sáng tác vì sự phồn vinh của nền văn học mới. Trong bản đề dẫn này, một số vấn đề của văn học đổi mới đã được nêu lên như: Bối cảnh đổi mới, nhu cầu và điều kiện của sáng tác văn học đổi mới/ Đổi mới và Hội nhập là hai điều kiện trọng đại nhất của thời đại hôm nay/ Văn học cần phải thích ứng với điều kiện đổi mới và hội nhập/ Đổi mới là lẽ sống còn của văn chương nghệ thuật/ Lắng nghe nhà văn để hiểu được hành trình sáng tạo của họ/ Bản đề dẫn đã nêu lên những vấn đề căn bản cần trao đổi trong chương trình hội thảo...
GS. Hà Minh Đức (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học): Một vài suy nghĩ về đổi mới trong văn nghệ. Trong bài phát biểu của mình, GS. Hà Minh Đức đã nêu lên một số vấn đề như: Bảo thủ là tự hại mình/ Hai cuộc đổi mới trong thế kỷ XX: Cách mạng tháng Tám (1945), Thời kỳ đổi mới (1986)/ Thời gian đổi mới/ Công chúng tiếp nhận cái mới/ Theo Hegel: Con người luôn có tâm lý chiếm lĩnh cái mới/ Apolaine: Cái đẹp ở chân trời - phải kiếm tìm/ Từ những trường hợp như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh nghĩ về nền văn học Việt Nam hiện nay/ Mới được ở giai đoạn nào cũng đều quý và đổi mới được đã là quý/ Đổi mới phải được nhìn bằng con mắt biện chứng/ Thế hệ vàng của Thơ mới, Thế hệ vàng trong thơ chống Mỹ/ Cần phải có thêm những nghiên cứu về văn học đổi mới...
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Đổi mới và thơ Đổi mới. Trong bài phát biểu của mình, Nguyễn Trọng Tạo nhấn mạnh vào các vấn đề: Ấn tượng về sự đổi mới: về kinh tế: chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường.../ Văn học: Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc (Nói thì dễ nhưng làm rất khó). Tuy nhiên, có thể thấy, đổi mới đã đem đến không khí tự do trên tất cả các phương diện. Thế kỷ XXI: kỷ nguyên của tri thức, đột phá. Thơ như người lính tiên phong của văn học, nên vì thế nó chịu nhiều gian lao. Nguyễn Trọng Tạo cũng nhắc lại tập thơ Cửa mở của Việt Phương xuất bản trước 1975, vừa mới cất lên đã bị nhắc nhở. Tác giả khái quát: trước 1975: Thơ miền Bắc mạnh về cái ta, thơ miền Nam mạnh về cái tôi cá thể. Từ đó, ông đưa ra nhận định: Cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học mang một khuôn mặt chung: đó là cái mặt nạ của thần chết. Cũng trong diễn đàn của hội thảo, Nguyễn Trọng Tạo nhận mình là nhà thơ cách tân theo lối phương Đông. Đồng thời, khi nghĩ về thế hệ trẻ, Nguyễn Trọng Tạo cho rằng: các tác giả trẻ táo bạo, mới mẻ: Trương Quế Chi, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lãng Thanh... Nhiều nhà thơ không có được sự táo bạo, cách tân, bị xác chữ đè nặng. Tuy vậy, sáng tạo cần sự bảo hiểm của nhà nước, bảo vệ sự đổi mới và ngăn chặn những ý đồ xấu thủ tiêu cái mới.
PGS.TS. Trần Hữu Tá: Văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI - một vài ghi nhận. Bài tham luận của PGS.Trần Hữu Tá tập trung vào một số vấn đề như: Những sáng tạo mới trong những cây bút quen thuộc: Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết lịch sử/ Tổ chức cuộc thi văn học tuổi 20/ Văn học hải ngoại là bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam/ Những cây bút ở nước ngoài gửi tác phẩm về xuất bản trong nước ngày càng nhiều cho thấy tinh thần hòa hợp và hàn gắn dân tộc.
Trong Hội thảo, cử tọa cũng đã được nghe ý kiến chia sẻ của nhà thơ Vũ Quần Phương: Văn học đổi mới đã làm được nhiều việc: phục hưng các giá trị của quá khứ, thay đổi những quan niệm về văn chương... Có nhiều thứ rác trong văn chương. Cần phải có sự quản lý một cách chặt chẽ.
Đáng chú ý trong chương trình hội thảo là phần phát biểu của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi viết truyện “Tướng về hưu”. Trong tham luận này ông chia sẻ: Mẹ mất năm 1987, sau tang mẹ, Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu, in ngày 20/6/1987.Tướng về hưu làm được việc quan trọng: kịp thời, đổi mới trong văn học. Tướng về hưu đưa vấn đề Đạo vào tác phẩm văn học. Biểu hiện là tình yêu thương, nụ cười... Văn học trước 1975: văn học minh họa, văn học tâm lý chiến. Nguyễn Huy Thiệp cũng chân thành bày tỏ: “Tôi chỉ viết về những điều bình thường”. Cũng tại đây, khi nghĩ về ý thức phản đối chiến tranh như một hành vi chống bạo lực, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: Bất kỳ nhà văn nào cũng phải đứng về phía nhân văn, vì thế phản đối chiến tranh là điều đương nhiên. Chiến tranh nói chung chứ không phải chỉ nói là chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện đổi mới vừa là câu chuyện đương đại vừa là câu chuyện của tương lai, lịch sử. Bởi vậy, đổi mới rất cần thời gian, thiên thu luận.
Trong tiến trình của Hội thảo, GS. Phong Lê đã trình bày những suy nghĩ về Cảm hứng đổi mới. Theo ông, cảm hứng đổi mới chỉ có ở đầu đổi mới, còn bây giờ là cảm hứng khác. Trước 75 đến 85: cảm hứng thống trị tuyệt đối là cái ta. Sau 1985: Thời thì là Thời xa vắng, Tướng thì là Tướng về hưuNỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất thì lắm người nhiều ma... Thế hệ tiếp theo, trẻ không biết sợ (Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư...), mang nhiều nét riêng. Cái riêng là cái gì? Đi tìm cái riêng, cái khác chứ không phải đi tìm cái hơn, cái chung. Thời này, đồng chí không có, đồng nghiệp rất ít, thầy trò không có, bạn bè rất ít, con người rất cô đơn, không có gì thiêng liêng cả. Thế hệ 20, 30 tuổi mới là thế hệ làm nên sự riêng biệt, khác lạ: Từ 1932-1945 đến 1954-1975 và bây giờ cũng vậy. Chỉ có tuổi trẻ mới làm nên cái mới, riêng, khác.
Tiếp tục chương trình Hội thảo, GS. Trần Đình Sử trình bày tham luận: Hướng tới một môi trường dân chủ và đối thoại trong đời sống văn nghệ. Trong tham luận này, Trần Đình Sử đã nhấn mạnh đến: Thành tựu của văn học từ thời đổi mới đến nay, chưa có tác phẩm vĩ đại, nhưng có tác phẩm xuất sắc, hay, hoặc có những tác phẩm được đánh giá cao. Cũng có những tác phẩm hay nhưng chưa được đánh giá đúng và ngược lại... Hệ giá trị của nền văn học rất phong phú, đa dạng. Động thái của nền văn học là chuyển sang nền văn học bình thường. Để đánh giá nền văn học đương đại, GS. Trần ĐÌnh Sử nêu lên câu hỏi: Đánh giá bằng tiêu chí gì? Đó là Tiêu chí Chính trị và Tiêu chí văn nghệ. Bàn về định hướng trong văn nghệ, Trần ĐÌnh Sử cho rằng: Theo tôi văn học cần phải có định hướng. Nhưng cách hiểu về định hướng của chúng ta quá hẹp. Chúng ta đang tiếng hành cải cách tư pháp để có những hành lang rộng hơn cho sáng tạo. Trong quản lý và đinh hướng, không nên đồng nhất những định hướng chính trị với đinh hướng văn hóa. Vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, các tính đảng, tính nhân dân cần phải được đánh giá một cách đúng mức. Kết thúc tham luận, GS. Trần Đình Sử cũng nêu lên một ý kiến rất đáng suy nghĩ: Có nhiều tác phẩm có ý tưởng sâu sắc nhưng hiện nay chưa thể nói lên được.
Tại buổi làm việc của Hội thảo, cử tọa cũng được nghe bài phát biểu của TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: Có đổi mới, nhưng còn ít, có 3 lý do: - Hiện thực cuộc sống mới có như thế/ Kinh tế chưa đi đến cùng/ Chính trị cơ bản chưa đổi mới. - Nền tảng triết học chưa bám sát nền tảng văn hóa, chúng ta chưa có nhà triết học, nhà tư tưởng lớn, các bộ phận nghiên cứu vẫn chưa đi vào liên ngành để mở rộng nghiên cứu. - Giới chính trị. Thời chiến tranh các nhà chính trị nghiên cứu văn hóa, kể cả các vị tướng quân sự. Sau chiến tranh, các nhà chính trị ít nghiên cứu văn hóa. Giải quyết nhiều việc không trên nền tảng của tư duy văn hóa. Văn học phải mở đường và chỉ đường. Vì là mở đường nên thường gặp nguy hiểm. Những vấn đề nhạy cảm là nơi đặt ra vấn đề. Về đội ngũ, trách nhiệm mở đường lúc đầu đặt lên vai thiểu số. Những người là tư tưởng, tuyên giáo đang làm cho nhân dân, đất nước thụ động. Nhiệm vụ bây giờ chính là phải chống tha hóa quyền lực. Đó là trách nhiệm chính trị quan trọng.
Cũng trong hội thảo này, ý kiến của GS. Trần Ngọc Vương cũng được nhiều người quan tâm và chia sẻ. GS. Trần Ngọc Vương đã đặt lại câu chuyện mối quan hệ của văn hóa và chính trị. Bất kỳ nền chính trị nào cũng cần văn học phục vụ cho nó. Thể chế nào cũng có văn nô của nó. Nhưng, thể chế nào cũng có văn học của nó. Chính trị không phải chỉ là những sự đối lập… Cách chúng ta thông diễn về mối quan hệ chính trị và văn học... Chính trị có đám văn nô của nó, nhưng cần phải ứng xử như thế nào với Hội Nhà văn. Hãy để cho văn nô làm việc của văn nô, và những nhà văn khác làm công việc của họ một cách bình đẳng. Phần lớn những tác giả văn học cách mạng viết về yêu nước rất dở, ngay cả Tố Hữu, vì tâm hồn họ không toàn diện, họ không dám yêu nước bằng tất cả con người họ, họ chỉ yêu nước bằng đường lối, bằng chủ trương. Về một vấn đề rất nóng hiện nay: vấn đề chủ quyền trên biển và sự xâm lăng của sức mạnh mềm, GS. Trần Ngọc Vương đã nêu lên những suy nghĩ rất sâu sắc về cuốn sách của Trung Quốc vừa mới được dịch và xuất bản ở Việt Nam: Đạo mộ bút ký. Về sử liệu, Trung Quốc không có chủ quyền ở 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trước 1909. Nhưng Đạo mộ bút ký lại dựng nên một lịch sử hoạt động của nhân vật từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh... Điều đau khổ là họ viết hay quá, nên nhiều người thích thành ra đó là một cuộc xâm lăng của sức mạnh mềm mà chúng ta không cảnh giác hoặc chưa có biện pháp ngăn chặn. Cũng tại diễn đàn này, Trần Ngọc Vương đặt ra câu hỏi: Tại sao viết về Con Hồng Cháu Lạc thì được mà nhà văn lại không viết về Trường Sa, Hoàng Sa hay chống lại luận điệu và âm mưu của Trung Quốc?
Tiếp theo chương trình hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn trình bày tham luận: Các nhà văn viết phê bình thời Đổi mới. Trong tham luận này, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: Không có nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình xuất hiện và cùng tồn tại với sáng tác. Số lượng các tác phẩm, số trang viết phê bình của các nhà văn rất lớn, lớn hơn cả những người được xem là ăn lương làm phê bình. Lý giải thực trạng này, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: do nhu cầu nội tại của việc bày tỏ bản thân và văn hữu trong đời sống văn học.
Trong diễn biến tiếp theo của Hội thảo, Nhà nghiên cứu Lê Thành Nghị đã có bài phát biểu khá cô đọng. Theo ông: để văn học phát triển, ngay từ năm 1986, đã có những nhà nghiên cứu nói đến công thức 3 chữ T: Tiền - Tự do - Tài năng. Về tự do: chúng ta đã có tự do. Tiền: Không phải là yếu tố quá khó vì có thể lo được. Tài năng: đây mới là vấn đề trọng yếu nhất, quyết định mọi cái trong sáng tạo văn học. Sáng tạo là làm nên cái mới. Văn học phải mới, nhưng mới chưa phải là cao nhất, phải hay. Hay mới là vấn đề chủ yếu của sáng tạo văn học. Lê Thành Nghị cũng nhận định: Quan sát nền văn học của chúng ta có nhiều cái khác lạ rất đáng để ý. Khác nhưng đừng làm suy suyển đến đường lối văn hóa mà Đảng mong muốn, định hướng. Cái đó mới khó. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo, phát minh. Nhưng nhà văn phải có tài, có bản lĩnh...
Vấn đề Văn học thị trường thực sự đã làm nóng hội thảo với tham luận của PGS.TS. Võ Văn Nhơn: Văn học thị trường ở TP Hồ Chí Minh. Trong báo cáo này, Võ Văn Nhơn đã trình bày sự phát triển của văn học thị trường/ Nguyên nhân do sự phát triển của đời sống xã hội, công nghệ, dẫn đến loại sách này xuất bản nhiều.../ Sự e dè của nhiều người về sự xâm lấn của văn học thị trường và lo ngại sự xuống cấp của văn hóa đọc/ Lịch sử phát triển văn học thị trường từ Nam Bộ ngay từ đầu thế kỷ XX (Tác phẩm của Lê Hoằng Mưu in trên Nông cổ mín đàm năm 1912)/ Trước 1975, văn học tiêu thụ đã phát triển ở miền Nam. Nhưng các tác phẩm này thấp cấp, người đọc dễ dãi, đọc xong quên ngay và bán ve chai/ Văn học thị trường ở TPHCM dành cho người trẻ/ Nội dung sáo mòn, kỹ thuật đơn giản, đề tài chủ yếu là tình yêu, thỏa mãn nhu cầu của người trẻ, ảnh hưởng của tiểu thuyết ngôn tình Trung Hoa/ Thể loại chủ yếu là tản văn, tự truyện/ Có sự hỗ trợ lớn của các yếu tố ngoài văn học như Internet, PR.../ Hình tượng lãng mạn khiến giới trẻ say đắm/ Môi trường văn hóa đại chúng đã giúp cho văn học thị trường phát triển: Văn học thị trường, nhạc thị trường, phim thị trường/ Thái độ đối với văn học thị trường... Tham luận này đã nhận được sự phản hồi rất sôi nổi từ PGS.TS. Đoàn Lê Giang, Ths. Quách Thu Hiền, TS. Nguyễn Thanh Tâm...
Chương trình hội thảo tiếp tục với các ý kiến tham luận của nhà thơ Y Phương (Đi tìm thể tản văn), nhà thơ Vi Thùy Linh... Lâu rồi Vi Thùy Linh lại mới xuất hiện trong ý thức về một thi sĩ. Tại đây, Vi Thùy Linh chia sẻ: tôi không viết bằng tâm thế nữ mà bằng tâm thế của một người nghệ sĩ. Vi Thùy Linh luôn tìm kiếm thị trường nhưng không viết thị trường. Vi Thùy Linh luôn nỗ lực đưa thơ đến công chúng. Âm thầm tức là đánh mất độc giả của mình. Vi Thùy Linh tìm kiếm thị trường độc giả tinh hoa. Vi Thùy Linh cũng nêu lên tình trạng lười đọc nhau, tình trạng thơ, văn học phải cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật khác. Để có một nền văn học bớt hèn nhát hơn, các nhà văn, nhà thơ cần mạnh dạn lên tiếng và bày tỏ trách nhiệm, khát vọng của mình.
Hội thảo tiếp tục nghe nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trình bày báo cáo: Văn học đổi mới hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn. Các nội dung chính trong bài phát biểu của Lại Nguyên Ân: Đội ngũ nhà văn đổi mới có thời gian sáng tác trước đổi mới cả ở Miền Bắc và Miền Nam, họ phải gột bỏ nhiều yếu tố trong sáng tác của họ ở giai đoạn trước. Nhờ văn nghệ sĩ sáng tác mà sự nghiệp đổi mới mới phát triển như thế. Cũng tại đây, Lại Nguyên Ân cũng đặt ra vấn đề: Nhiều vấn đề của văn học đổi mới đã được đặt lên bàn hội nghị. Ngay cả việc ngừng chức tổng BT của Nguyên Ngọc, ngừng hoạt động của ban Văn hóa tư tưởng cũng nằm trong kế hoạch chỉnh hướng đổi mới. Năm 1991, Liên Xô và hệ thống CNXH tan rã, đổi mới trong chính trị vẫn tiếp tục, nhưng văn hóa văn nghệ tiến theo hướng khác. Nhà văn phải ý thức được vị trí của mình trong hệ thống xã hội. Sau đổi mới diễn ra quá trình khác biệt và ly khai. Chỉ có một bộ phận nhà văn tiến bộ và theo kịp đời sống xã hội. Cuối đổi mới sự ly khai của các nhà văn khỏi bộ phận đổi mới ban đầu là một sự thực.
Sau ý kiến của Lại Nguyên Ân, Hội thảo tiếp tục nghe và thảo luận về báo cáo của TS. Trần Ngọc Hiếu: Xu hướng trò chơi hóa đời sống và kiểu tác giả - người chơi trong thơ Việt Nam đương đại. Trong bản báo cáo này, Trần Ngọc Hiếu nêu lên các vấn đề: Thế nào là xu hướng trò chơi hóa đời sống? Sự xuất hiện của hệ từ vựng của trò chơi, ngay cả chiến tranh cũng là một trò chơi? Trò chơi là một ẩn dụ về những điều trọng đại nhất. Mục đích mà tham luận của Trần Ngọc Hiếu nên lên đó là: Nhận thức lại về bản chất trò chơi trong văn chương. Tuy nhiên, khi nói văn chương chỉ là trò chơi dường như nó đem lại cảm giác văn chương đang bị thất thế. Nhưng cũng có thể xem khi văn chương là trò chơi hàm nghĩa là một sự giải phóng. Trong tham luận của mình, Trần Ngọc Hiếu nêu lên một số kiểu nhà thơ - người chơi: Nhà thơ tài tử (sự trở lại của mẫu hình nhà nho - nhà thơ tài tử trong văn chương trung đại) - gắn với các motip khẳng định văn hóa cá nhân của mình, là ý thức về bản chất của cuộc đời - trò chơi: Thơ Dương Tường/ Hình tượng nhà thơ trẻ thơ: người chơi - sự chơi của trẻ nhỏ hiện hình trong trò chơi của nghệ sĩ. Nhà thơ mượn cách giao tiếp của trẻ thơ để giao tiếp với thế giới, nhạt dần chất duy lý, khai thác tính huyền thoại, ngọn nguồn của thơ ca bắt đầu từ cái tôi không biết. Thơ đương đại cũng xuất hiện nhà thơ luyện chữ - lao động chữ nghĩa. Sáng tạo của họ chính là chơi chữ nghĩa: “Luyện chữ”. Trong này còn có một dạng nữa là “Nghịch chữ”... Trò chơi đã kéo thơ về với đại chúng, nhất là thế giới của người trẻ. Chúng ta cần phải có những mô tả, lý giải văn hóa trẻ đã ảnh hưởng đến văn học như thế nào?
Tiếp tục diễn biến của hội thảo, Nhà văn Văn Chinh cho rằng: Tinh thần nửa vời của đổi mới trên tất cả các lĩnh vực khiến cho mọi thứ của chúng ta luôn trung bình, chủ nghĩa bình quân. Ông cũng nhấn mạnh: Tinh thần đổi mới luôn thường trực trong các nhà văn. PGS.TS. Đào Duy Quát cũng có bài phát biểu tại hội thảo với các nội dung chủ yếu trên các lĩnh vực: Quản lý đội ngũ sáng tác/ Quảng bá văn học/ Tiếp nhận văn học. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ một vài suy nghĩ tại hội thảo: Đổi mới là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Thơ Việt Nam đương đại có ba nhóm nhà thơ: Nhà thơ không hiểu văn hóa dân tộc mặc dù rất yêu dân tộc - họ xem Văn hóa dân tộc là bất biến, không thay đổi dẫn đến làm chết đi nền văn hóa/ Nhà thơ không cần truyền thống văn hóa/ Nhà thơ hiểu văn hóa dân tộc và lấy văn hóa dân tộc làm yếu tố đồng hành trong sáng tác.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, với lượng tham luận và ý kiến trình bày, thảo luận, tranh biện rất sôi nổi, trách nhiệm và đầy tinh thần học thuật, hội thảo Sáng tác văn học thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng đã kết thúc. Hơn 70 tham luận và hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ trong cả nước đã đặt ra nhiều vấn đề cho sáng tác và nghiên cứu văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hội thảo khép lại, nhưng những người tham gia hội thảo và rộng hơn là giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam lại thấy mở ra những suy nghĩ mới gắn với sứ mệnh và trách nhiệm của mình trên con đường đổi mới văn học Việt Nam.
Nguyễn Thanh Tâm


http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/ghi-chep-tu-hoi-thao-sang-tac-van-hoc-thoi-ky-doi-moi-thuc-trang-va-trien-vong/134308.html


1 nhận xét:

  1. GS. Trần Ngọc Vương nói chỉ phải "Hãy để cho văn nô làm việc của văn nô, và những nhà văn khác làm công việc của họ một cách bình đẳng"
    Chỉ cần biết HS, TS của VN là đủ, văn chương lộng gió quan tâm đến mấy bãi chim ỉa sinh ra rách việc, ê hèm còn cướp nghề của Cạo em.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.