Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/11/2014

Mức lương ở khối công lập Việt Nam năm 2014: tập sự 3.4 triệu, Bộ trưởng 14.4 triệu

Tình hình cụ thể như dưới đây.



Lương Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng mỗi tháng


Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học tháng tập sự khoảng 3,36 triệu đồng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng mỗi tháng.

Thứ ba, 18/11/2014 | 17:25 GMT+


Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đầu giờ chiều 18/11, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải trình về thực trạng tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, chế độ tiền lương thực hiện từ năm 2003 đến nay đã đạt được một số kết quả. Qua 9 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu chung (lương cơ sở) từ 210.000 đồng lên 1.150.000 đồng mỗi tháng, tăng 447,6%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố là 186,6%
BT-Nguyen-Thai-Binh-6596-1416304171.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình. 
Trong 10 năm qua, chế độ tiền lương hiện hành phát sinh một số bất hợp lý. Mức lương cơ sở thực hiện từ 1/7/2013 là 1.150.000 đồng tháng - đạt 50,5% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp dẫn đến các mức lương ngạch, bậc thấp hơn. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học tập sự khoảng 3,36 triệu đồng mỗi tháng, bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng.
"Do thu nhập thấp nên đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn khó khăn. Hệ thống thang bậc lương còn bình quân, đổi mới cơ chế với sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra", ông Bình nhận xét.
Nguyên nhân của thực trạng trên theo Bộ trưởng Nội vụ là do tốc độ tăng trưởng GDP thấp so với mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước tăng chậm trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển để đảm bảo phát triển kinh tế và tăng chi cho quốc phòng an ninh, an sinh xã hội cùng áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương.
Mặt khác, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng gắn với tiền lương từ ngân sách nhà nước khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp nên cơ quan thẩm quyền có mở rộng chế độ phụ cấp đặc thù, ngành nghề, từ đó phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.
Bộ Nội vụ đang có kế hoạch thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, lực lượng công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Bộ phối hợp với các bộ, cơ quan, thành viên ban chỉ đạo tiền lương nhà nước nghiên cứu, xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Trong đó, định hướng mức lương tối thiểu, khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với nhu cầu đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp khả năng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bình, do việc triển khai thực hiện giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới cơ chế sắp xếp, tổ chức bộ máy mới được hơn một năm nên chưa có nhiều kết quả, kinh tế còn nhiều khó khăn chưa thể tăng trưởng cao trong 1 - 2 năm tới nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương. Vì vậy, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương theo các kết luận của trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua khi có đủ điều kiện thực hiện.
"Trong thời gian trung ương chưa thông qua đề án, sẽ không bổ sung các phụ cấp theo ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù ngành nghề. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ tài chính căn cứ tình hình kinh tế, xã hội, khả năng ngân sách để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp", ông Bình cho hay.
Theo Tờ trình của Ban cán sự Đảng, Chính phủ về triển khai thực hiện kết luận 63 của hội nghị Trung ương 7 khóa 11 về một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, người có công và định hướng 2020, ban cán sự Đảng, Chính phủ đã dự kiến 3 phương án điều chỉnh tiền lương năm 2015.
Đó là điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công từ 1/1/2015 tăng thêm 12% (140.000 đồng/ tháng) thì tổng nhu cầu kinh phí quỹ lương tăng thêm là 48.000 tỷ đồng. Thứ hai là điều chỉnh tăng 10% (115.000 đồng/tháng), tổng nhu cầu kinh phí tăng 40.000 tỷ đồng. Và phương án ba là tăng 8% (90.000 đồng mỗi tháng) thì nhu cầu tăng 32.000 tỷ đồng.
Do khả năng ngân sách năm 2015 không bố trí đủ nguồn để thực hiện 1 trong 3 phương án nên Chính phủ trình Quốc hội, phương án tăng thêm 8% từ 1/1/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Dự kiến ngân sách nhà nước phải bố trí 11.000 tỷ đồng.
Để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, theo Bộ trưởng Nội vụ cần thúc đầy sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chống thất thu ngân sách, thực hành tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Một giải pháp nữa là thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện biện pháp tạo nguồn cơ cấu lại nguồn chi ngân sách, điều chỉnh lại chính sách, quan điểm ưu tiên, chi cải cách tiền lương, đầu tư phát triển, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhân lực, tài chính, đối với các đv sự nghiệp công lập, xã hội hóa một số loại hình sự nghiệp công.
"Đây là giải pháp đột phá cho việc cải cách tiền lương", ông Bình nhận định và lý giải, số lượng viên chức khoảng 2 triệu người, nếu thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp, tự trả lương thì sẽ giảm được quỹ tiền lương, từ đó giảm biên chế.
Về điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho rằng họ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đời sống còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, đặc thù riêng ở miền Nam, đó là những người có tham gia cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chịu nhiều khó khăn, vào sinh ra tử. Khi giải phóng, thời kỳ đầu chế độ đãi ngộ lại thấp. Ở miền Bắc, những người này cũng là hậu phương lớn của miền Nam, sau giải phóng cũng phải đối mặt với nhiều thiếu thốn.
"Đối tượng này đáng được giải quyết, điều chỉnh lương hưu đã bất hợp lý. Tuổi cao sức yếu lại có nhiều cống hiến, hi sinh, thời gian của họ không còn dài, nên tôi thiết tha đề nghị cần có quan tâm sớm. Đó là đạo lý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc", Bộ trưởng Nội vụ đề xuất.
Hoàng Thùy



Lương bộ trưởng 14 triệu đồng
18/11/2014 13:38 GMT+7
Lương công chức đang thấp, bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng, nên đời sống khó khăn, Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) băn khoăn tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu. "Bộ trưởng nhận định đây là do sự chưa gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, vậy Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ như thế nào?"
Thêm chuyện đạo đức công vụ xuống cấp, "không chỉ nhũng nhiễu, giờ lại thêm bệnh vô cảm", ông Cương nói.
Giải pháp cho tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước hưu do Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra lại liên quan nhiều đến công tác thi đua khen thưởng.
XEM CLIP: 
"Phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, giải trình của công chức, viên chức, phòng chống tiêu cực về thi đua khen thưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ công chức, người đứng đầu có trách nhiệm gương mẫu, thường xuyên kiểm tra đánh giá tại đơn vị, xử lý nghiêm minh về thi đua khen thưởng".
Ông Bình thừa nhận có hiện tượng vô cảm. "Cán bộ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đặt mình vào vị trí của người đi xin, bác sĩ phải đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân".
Nhưng theo ông, "trong thực tế rất khó bởi 'vô cảm' thuộc phạm trù đạo đức, văn bản pháp luật chỉ ở mức độ cấm cái này cái kia. Cơ bản cán bộ, công chức phải có ý thức, trách nhiệm cao...".
"Pháp luật có nghị định cấm cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân, thực hiện điều này chính là chống bệnh vô cảm. Đồng thời tăng cường giáo dục tư tưởng cho cán bộ, xây dựng phẩm chất hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân".
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì nhận định "pháp luật đã có nhưng cán bộ vẫn muốn tự 'đẻ' ra thủ tục để gây phiền hà", và muốn biết ý kiến của Bộ trưởng cũng như thông tin bộ ngành nào làm chưa tốt việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chỉ trả lời phần sau của câu hỏi bằng cách hứa sẽ cung cấp bộ tài liệu chỉ số cải cách hành chính PAR-Index mới nhất đến từng ĐB. Do câu trả lời này chưa trúng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại phần đầu câu hỏi.
Lần này thì ông Bình nói: Cải cách TTHC là quyết tâm rất cao của Chính phủ, đã ban hành 25 nghị quyết để đơn giản hóa các thủ tục. Còn những thủ tục chưa đơn giản được thì liên quan đến các luật và văn bản dưới luật, Chính phủ đang tiếp tục xử lý. Ngoài trung ương, từng bộ ngành, địa phương cũng phải rà soát những thủ tục ban hành không đúng.
Không nhận mình yếu kém
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) hỏi lại vấn đề đã bị khất kỳ họp trước: tỉ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chưa có số liệu đánh giá của năm 2014.
"Tổng hợp tương đối đầy đủ số liệu của năm 2013, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 58,08%, hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực 4,94%, không hoàn thành 0,46%. Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt 50,14%, hoàn thành 8,06%, không hoàn thành 0,24%".
23 bộ ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. 7 bộ ngành, địa phương báo cáo không có viên chức nào không hoàn thành...
Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận "các quy định rất cụ thể, đầy đủ nhưng thực tế sau khi có số liệu các bộ ngành, địa phương đưa lên, dư luận đã không đồng tình".
Theo ông, nguyên nhân là "chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều, bố trí phân công công tác chưa rõ ràng. Các cơ quan chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh và có cơ sở đánh giá phân loại. Tinh thần phê và tự phê bình của cán bộ chưa cao, còn tồn tại tư tưởng 'dĩ hòa vi quý', nể nang. Cũng có những người tự đánh giá nhận xét thiếu trung thực, không nghiêm túc, thường xuyên có tâm lý không nhận mình yếu kém. Những người đứng đầu cũng chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác này".
Rút kinh nghiệm trong Bộ Nội vụ có đơn vị làm lại 5 lần mới đạt, ông cho rằng giải pháp quan trọng nhất là "người đứng đầu phải làm gương, dám chỉ ra những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Chờ thời điểm thích hợp để tăng lương
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi về "chính sách tiền lương bất cập, thiếu công bằng, chưa minh bạch, không tạo được động lực cho người lao động tích cực có trình độ, năng lực làm việc".
Bộ trưởng Thái Bình cho hay: Từ 2003 với 9 lần tăng lương cơ sở, mức lương này hiện là 1.050.000 đồng, mức tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, nhưng vẫn chỉ bằng 50,5% lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
"Kể cả ngạch, bậc, phụ cấp vào vẫn thấp, người mới tốt nghiệp ĐH lương chỉ 3,36 triệu đồng/tháng, bộ trưởng 14,4 triệu đồng, đời sống khó khăn".
Kinh tế đang khó khăn nên phải chờ thời điểm thích hợp để điều chỉnh tiếp lương: Trước dự kiến 3 phương án tăng lương năm 2015 là 12% (tức tăng 140.000 đồng/tháng, lên 1.290.000 đồng, tổng kinh phí 48 nghìn tỷ đồng); 10% (tăng 115.000 đồng/tháng lên 1.165.000 đồng, tổng kinh phí 40 nghìn tỷ), và 8% (tức tăng 90.000 đồng/tháng lên 1.140.000 đồng/tháng, kinh phí 32 nghìn tỷ".
Nhưng do khả năng ngân sách không bố trí đủ nguồn cho cả 3 phương án nên Chính phủ trình QH từ ngày 1/1/2015 tăng 8% cho những người nhận lương hưu và người lương quá thấp, tổng kinh phí 11 nghìn tỷ đồng.
C.Hoàng - H.Nhì - M.Thăng - Đ.Yên - T.An - Nguồn clip: VTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.