Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/10/2014

Hồng Kông: năm 2010, đoàn nghiên cứu Việt Nam đi tìm dấu chân đồng chí Vương ở Cửu Long

Kết quả như sau.

"Từ những ý kiến phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng: Nguyễn Ái Quốc bị bắt tại số nhà 186 phố Tam Kung - Cửu Long - Hồng Kông (năm 1969 đoạn đường này được quy hoạch thành Đại lộ Olympic), chứ không phải là số nhà 186 phố Tam Lung - Cửu Long - Hồng Kông như trước đây đó công bố. Nơi đây, là khu vực sát sân bay, giáp biển và gần một đồi quý có viên đá lớn ghi dấu ấn của Nhà vua Tống; có thể chính nơi đây cũng là nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam - nơi đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) triệu tập Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930."

Nhưng kể ra, đoàn nên đi tìm cả cái nhà in này nữa thì thêm phần thú vị (khi nào tiện, tôi sẽ đưa ảnh cũ đúng năm 1949 của cái nhà in này):
Xem chú giải thêm ở đây


Từ đây trở xuống là chép nguyên xi từ website của Bảo tàng Hồ Chí Minh.



---


Số lượt đọc:5713  - Cập nhật lần cuối: 26/01/2010 09:06:26

Được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đi Hồng Kông nghiên cứu sưu tầm tài liệu và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông- Ma Cao. Đoàn đã sưu tầm được một số tài liệu và xác minh được một số địa điểm liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông những năm 1930, trong đó có các địa danh liên quan đến Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, năm 1931-1933. Chúng tôi xin được bước đầu công bố như sau:


1. Địa điểm Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6/6/1931:



  Cho đến nay, địa điểm Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6/6/1931 ở Hồng Kông, các tài liệu nói chưa thống nhất. Về số nhà 186, các tài liệu ở Việt Nam đều nói giống nhau, nhưng tên đường phố thì nói rất khác nhau:



   - Đường Tam Kaw - Cửu Long: Theo Thư của đồng chí Seger Lefranc, thanh tra người Pháp của Quốc tế Cộng sản, gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc.



   - Đường Tam Kung: Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tiếng Anh, ngày 17/8/1931 và ngày 9/8/1932. Trong đó, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 17/8/1931, tường thuật phiên toà thứ ba diễn ra ngày 15/8/1931, Nguyễn Ái Quốc trả lời:“ Tôi thừa nhận tôi đã thuê căn hộ số 186 đường Tam Kung”.

   - Đường Tam Tung: Vẫn theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngày 3/9/1931 khi tường thuật Vụ án lại viết là đường Tam Tung. Trong bản thảo viết tay tác phẩm“Vừa đi đường vừa kể chuyện” bút danh T.Lan, năm 1961, Bác viết: “Bác bị bắt tại số nhà 186 phố Tam Tung, Cửu Long".

   - Đường Tam Lung: Theo bản thảo đánh máy tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” bút danh T.Lan công bố năm 1961, Bác lại viết: "Bác bị bắt tại số nhà 186 phố Tam Lung, Cửu Long". Cho đến nay, ở Việt Nam thường gọi theo tên phố này.

   - Bài: "Một số tên phố ở Hồng Kông có liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc” đăng trong Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 11/1998, tác giả đưa ra giả thiết rằng: phố Tam Lung chính là phố Tang Lung. Tức nơi Bác bị bắt là số nhà 186 phố Tang Lung.

   Hồng Kụng có 4 vùng đất: Vùng bán đảo Cửu Long, vùng đảo Hồng Kông, vùng Đất mới và vùng Lan Tẩu. Tra trên bản đồ Hồng Kông và trên mạng internet, thấy rằng: Hồng Kông không có các phố Tam Kaw, Tam Tung, Tam Lung. Chỉ có phố Tang Lung nằm ở đảo Hồng Kông; có đường Tam Kung nằm ở bán đảo Cửu Long, nhưng đường Tam Kung chỉ có đến số nhà 148.

   Vậy cụ thể như thế nào?

   Trước hết, chúng tôi xin loại trừ phố Tang Lung, vì phố Tang Lung thuộc đảo Hồng Kông, trong khi tất cả các tài liệu đều nói Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Cửu Long. Hồi ký của bà Lý Phương Thuận (tức Lý Sâm), người cùng bị bắt với Bác ngày 6/6/1931 cũng kể rằng: "Trước khi bị thực dân Anh bắt, Bác Hồ, Hồ Tùng Mậu và Lý Phương Thuận vẫn ở Cửu Long". Hơn nữa, khi đoàn chúng tôi tới phố Tang Lung, thì bên số chẵn của phố này chỉ vẻn vẹn có 52 số nhà.

   Còn phố Tam Kung thuộc bán đảo Cửu Long, hiện nay số nhà chỉ đến 148. Cuối đường Tam Kung có biển ghi: “TAM KUNG Road 116 ® 148 ”, cắt đường Tam Kung là đường Sung Wong Toi, nhìn sang bên kia là vườn hoa. Các cụ già sống ở đây trên 50 năm đều cho biết: Từ khi đến đây ở đến nay, tên đường phố và số nhà vẫn không thay đổi, bên kia đường vẫn là vườn hoa. Sau đó, đoàn phải đến các cơ quan lưu trữ quốc gia của Hồng Kông tra tìm tài liệu, bản đồ để xác minh. Kết quả, đó tìm ra chính xác ở Cửu Long có đường Tam Kung và số nhà không dừng lại như hiện tại:

   - Bản đồ năm 1926, đường Tam Kung còn vượt qua đường Sung Wong Toi, chạy dài đến đường Chung Lung; và ở phía bên phải đoạn đường Tam Kung này có một khu đồi: “HILL OF THE KING OF THE SUNG” (Đồi của nhà Vua Tống). Năm 1925, chính phủ Anh đã xây sân bay ở đây, nhưng đoạn đường Tam Kung nơi tiếp giáp sân bay vẫn còn và còn có ký hiệu một số nhà. Năm 1941 → 1945, Nhật Bản vào Hồng Kông, đã mở rộng sân bay Kai Tak.

   - Bản đồ năm 1967, có sân bay và vẫn còn đường Tam Kung .

   - Bản đồ năm 1970, không thấy đoạn đường Tam Kung, mà xuất hiện Đại lộ Olympic (Olympic Avenue). Vì, năm 1969 chính phủ quy hoạch lại, mở rộng đoạn đường Tam Kung giáp đường Sung Wong Toi đến đường Chung Lung, thành Đại lộ Olympic để đón thế vận hội Olympic diễn ra ở Hồng Kông vào năm 1970. Đến nay Đại lộ Olympic vẫn còn. Sân bay Kai Tak đã đóng cửa cách đây 2 năm.

   Như vậy, trong thời gian Bác ở Cửu Long (những năm 1930-1931), có đường Tam Kung và có số nhà 186. Số nhà 186 Tam Kung nằm ở vị trí thuộc giới hạn từ đường Sung Wong Toi đến đường Chung Lung. Đoạn đường này cho tới năm 1969, trước khi mở Đại lộ Olympic, vẫn là đường Tam Kung.

   Ngày nay, phía trái Đại lộ Olympic có công viên Sung Wong Toi. Trong công viên có một hòn đá lớn ghi 3 chữ Trung Quốc: “Tống Vương Đài" (phiên âm tiếng Anh là Sung Wong Toi) và Bia đá khắc tiếng Trung, tiếng Anh ghi lại toàn bộ lịch sử Tống Vương Đài. Nội dung: Phía Tây biển Cửu Long có một đồi rất quý, trên có một viên đá rất lớn. Thời nhà Nguyên ghi 3 chữ"Tống Vương Đài". Năm 1941 Nhật Bản vào Hồng Kông mở sân bay Kai Tak, đã dùng thuốc nổ phá đồi, hòn đá bị vỡ làm 3, nhưng phần có 3 chữ "Sung Wong Toi" không bị vỡ. Sau giải phóng Hồng Kông năm 1945, chính phủ Hồng Kông xây công viên, đã chuyển hòn đá còn nguyên chữ "Sung Wong Toi" về đặt trong công viên, cách vị trí cũ gần 100 mét về phía Tây nam. Tức là, viên đá có chữ “Tống Vương Đài” hiện đặt trong công viên phía tay trái Đại lộ Olympic, chính là viên đá ở trên đồi nằm phía tay phải của đường Tam Kung, có từ năm 1941 trở về trước.

   Theo Hồi ký của Nhiêu Vệ Hoa, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 được tiến hành ở khu vực Tống Vương Đài. Còn theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Nghĩa, một trong những đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, cuộc họp được bố trí tại một căn nhà nhỏ hẹp ở xóm thợ thuyền gần Cửu Long thành. Trên thực tế, khu vực Tống Vương Đài và Cửu Long Thành cách nhau không xa. Chúng tôi thấy rằng khu vực Tống Vương Đài hội tụ đủ các yếu tố như trong các Hồi ký đó kể về thành lập Đảng: Có sân bay, có bờ biển, có nhà của những người công nhân nghèo. Địa điểm nơi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6/6/1931 lại ở cạnh khu vực Tống Vương Đài.

   Từ những ý kiến phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng: Nguyễn Ái Quốc bị bắt tại số nhà 186 phố Tam Kung - Cửu Long - Hồng Kông (năm 1969 đoạn đường này được quy hoạch thành Đại lộ Olympic), chứ không phải là số nhà 186 phố Tam Lung - Cửu Long - Hồng Kông như trước đây đó công bố. Nơi đây, là khu vực sát sân bay, giáp biển và gần một đồi quý có viên đá lớn ghi dấu ấn của Nhà vua Tống; có thể chính nơi đây cũng là nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam - nơi đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) triệu tập Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930.

2. Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc:

   Theo tài liệu lưu giữ được thì Nguyễn Ái Quốc bị giam trong ngục Victoria từ ngày 12/6/1931 đến ngày 28/12/1932 (trong đó có thời gian Bác được chuyển sang nhà thương của Nhà tù).

   Nhà tù Victoria nằm ở 16 phố Old Bailey – Central - Hong Kong. Khu vực nhà tù Victoria có 6 nhà giam: A, B, C, D, E, F. Các nhà này đều được xây từ năm 1914, riêng nhà D xây từ năm 1860. Trong tác phẩm:“ Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Hồ Chí Minh viết: "Nhà giam Bác có 3 tầng, mỗi tầng 2 dãy xà lim. Cách xây dựng xà lim không xứng kích thước phổ thông chút nào. Bề cao 3 thước tây, mà bề ngang chỉ hơn 1 thước, bề rộng chỉ vừa 1 người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một cái cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng lờ mờ, bị song sắt và lưới sắt bưng bít. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ 1 gang tay và bọc sắt; ở chỗ cao ngang đầu người có một lỗ tròn phía trong rộng phía ngoài hẹp, như 1 cái loa. Chốc chốc tên lính gác ngục ghé mắt vào lỗ xem xét tình hình người tù trong xà lim". Đối chiếu với lời kể trên của Hồ Chí Minh, chúng tôi xác định nhà Bác bị giam là nhà D (vì chỉ nhà D là có 3 tầng). Có 2 nhà D: nhà D đông và nhà D tây. Riêng nhà D đông có thêm tầng hầm. Có lẽ Bác bị giam ở tầng I. Tầng I có 2 dãy, mỗi dãy có hơn 10 phòng. Phòng giam cao khoảng 3 mét, rộng gần 3 mét, dài gần 2 mét. Phía trên tường có cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng, bị 4 lớp song sắt và lưới sắt bưng bít. Cửa ra vào, trước bằng gỗ, nay thay bằng cửa sắt.

   Tầng III (tầng trên cùng của nhà D tây) là bệnh xá của nhà tù. Cấu trúc của tầng III cũng như tầng I. Tầng III còn giữ lại được 2 cửa gỗ, ở chỗ cao ngang đầu người có 1 cái lỗ tròn, trong rộng ngoài hẹp như cái loa (giống lời kể trên đây của Bác).

   Các tù nhân trước khi đến nhà tù đều phải đến bệnh xá của nhà tù để kiểm tra sức khoẻ. Bác kể:"Mấy tháng về sau, vì sức yếu và nhờ có ông Loseby vận động, Bác được đưa vào nhà thương, điều kiện ăn ở có dễ chịu hơn”. Có thể nơi Bác được đưa vào nhà thương, chính là nhà thương ở tầng III của nhà tù.

   Nhà tù Victoria đó không giam giữ tù nhân từ năm 2006. Toàn bộ số hiện vật của nhà tù đó được chuyển về lưu giữ ở Bảo tàng Nhà tù của Sở cảnh sát Hồng Kông. Hiện nay, ở Hồng Kông có 2 ý kiến về việc xử lý nhà tù Victoria: Một ý kiến muốn phá bỏ nhà tù để làm kinh tế, một ý kiến muốn giữ lại làm di tích. (Nhà tù Victoria, Nhà giam của Sở cảnh sát Hồng Kông (nơi giam giữ Bác từ ngày 6/6/1931 → 12/6/1931), Toà án Hồng Kông nằm sát gần nhau, trong cùng một khu vực).

  Chúng tôi cho rằng: Ngục Victoria, nơi Bác bị giam là tầng I nhà D; nơi Bác được chuyển sang nhà thương có thể là tầng III nhà D tây.

3. Ký túc xá của thanh niên cơ đốc giáo Trung hoa, nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở trước khi rời khỏi Hồng Kông:

   Sau khi ra khỏi nhà tù Victoria, Bác bí mật đi Singapore nhưng bị bắt quay trở lại Hồng Kông, Bác đã vào ở tại ký túc xá Thanh niên Cơ đốc giáo Trung Hoa (Chinese Young Men Chirstian Association, viết tắt là Chinese YMCA).

   Trước đây, Hồng Kông có hai ký túc xá YMCA: Một nằm ở đảo Hồng Kông, một nằm ở bán đảo Cửu Long.

   Theo lời kể của ông Lawrence K.L.Yich, Tổng thư ký Hội Thanh niên Cơ đốc giáo Trung hoa, ngày 25/9/2007: Lịch sử của YMCA có từ năm 1901 nằm ở Hồng Kông, lúc đầu người Anh và người Hoa ở cùng, nhưng sau do bất đồng ngôn ngữ và văn hoá nên người Anh về YMCA tại 41 Salibury - Cửu Long ở. Còn người Hoa vẫn ở Ký túc xá cũ ở Hồng Kông, nay ký túc xá này trở thành trường học. Ngôi nhà Chinese YMCA ở 23 đường Waterloo - Cửu Long - HồngKông dành cho người châu Á ở, nhà được xây dựng từ năm 1929, gồm 4 tầng, mỗi tầng 6 phòng, lợp mái. Năm 1934 xây nối tiếp. Phía trước ngôi nhà có một sân bóng. Đến năm 1970, ngôi nhà được phá đi toàn bộ, xây lại ngôi nhà mới trên nền sân bóng, mang Logo hình dọc; năm 1990 lại xây nối tiếp. Hiện nay ngôi nhà xây năm 1970 vẫn còn, nhưng Logo của ngôi nhà thì thay đổi (Chinese YMCA xây năm 1970 Logo viết hình dọc, nay Logo viết hình ngang).

   Như vậy, nhiều khả năng Nguyễn Ái Quốc đã ở ngôi nhà Chinese YMCA ở 23 đường Waterloo - Cửu Long - Hồng Kông, bởi vì ngôi nhà này giành riêng cho người châu Á. Ngôi nhà được xây vào năm 1929, gồm 4 tầng, mỗi tầng 6 phòng, lợp mái (*).

   Hồi ký của ông Lý Trí Thông (một trong tám thiếu niên được Bác đưa từ Xiêm sang Quảng Châu học tập, năm 1926), kể lại rằng: Lý Trí Thông đã từ Quảng Châu sang Cửu Long ở Chinese YMCA, được Bác thường đến giao nhiệm vụ. Khi Bác bị bắt, Lý Trí Thông vẫn đang ở đây, chỉ vội chạy sau khi đọc báo biết nhà cầm quyền Anh bắt giam Tống Văn Sơ.

   Chúng tôi cho rằng: Ngôi nhà YMCA, nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở trước khi rời khỏi Hồng Kông, là ngôi nhà Chinese YMCA (Ký túc xá của Hội Thanh niên Cơ đốc giáo Trung Hoa) nằm ở 23 đường Waterloo - Cửu Long - Hồng Kông. Và có thể trước đó, Người cũng đã từng đến đây nhiều lần để gặp gỡ các đồng chí hoạt động cách mạng.

(*) Cuốn sách "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" xuất bản năm 2004, tiếng Việt, trang 224 in đúng ảnh YMCA ở 23 Waterloo - Cửu Long, nhưng đó là YMCA đó được xây dựng lại vào năm 1970. Còn cuốn "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" xuất bản năm 2006, tiếng Anh, trang 229 in ảnh YMCA, nhưng đó là YMCA của thời kỳ đầu, ở đảo Hồng Kông, cho người Anh và người Hoa ở, xây vào năm 1901.

http://www.baotanghochiminh.vn/Chitiet/Chitiettintuc/tabid/487/mid/1141/ArticleID/71/PreTabId/479/dnnprintmode/true/Default.aspx?SkinSrc=%5BG%5DSkins%2F_default%2FNo+Skin&ContainerSrc=%5BG%5DContainers%2F_default%2FNo+Container

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.