Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/08/2014

Cây Thanh Thảo (Qinghao, artemisisa annua) và công dụng trị bệnh

Hồi lâu lâu, trên blog này, có nhắc đến ông Trần Đại Sỹ (Việt kiều đang ở Pháp) với cây Hảo Liên/Hao Ling. Câu chuyện của ông Trần về Hảo Liên, theo tôi, một phần thực và chín phần đáng nghi vấn. Nhất là ông nói về cổ sử Việt Nam nữa, thì thôi, ta coi như đang đọc tiểu thuyết viễn tưởng. Thế đi, cho nó nhẹ nhàng.

Còn chặt chẽ, thì ông Bàn Tân Định đã trao đổi từ năm 2002 rồi. Một cách thẳng thắn và đàng hoàng, ông Bàn đã đi đến kết luận: ông Trần chưa từng nghiên cứu khoa học, hoặc chỉ là "ngụy khoa học".

Đáng nói là thuyết của Trần Đại Sỹ lại được không ít người tán thưởng ở Việt Nam, chẳng hạn thấy rõ trong bài của ông Nguyễn Văn Vịnh hay bà Trần Thị Băng Thanh.


Về cây thuốc chống béo phì mang tên "Hảo Liên" của ông Trần Đại Sỹ, thì để sau. Hôm nay, thử tìm hiểu về cậy Thanh Thảo với giới thiệu của tác giả Nguyễn Đức Hiệp. Cũng là một bài viết tay ngang.

---
http://vietsciences.free.fr/design/lltg_nguyenduchiep.htm
 
Sinh ngày 28/03/1956, Saigon (Tp Hồ Chí Minh)

Tốt nghiệp kỹ sư điện (B.E), Đại học Western Australia, năm 1978. Master of Engineering Science (M.E.Sc), 1979 – 1981, Đại học Sydney (University of Sydney). Tiến sĩ  (Ph.D), 1983-1988, Đại học Sydney. Làm việc cho các công ty tin học viết phần mềm và thiết lập hệ thống Ethernet LAN (Local Area Network). Thiết lập hệ thống quan trắc môi trường khí ở thành phố Sydney (1990-1997). Đã viết và công bố nhiều bài báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa hoc như Mathematical Biosciences, Atmospheric Environment ...

Hiện nay là nhà khoa học về ô nhiễm và khí quyển (Atmospheric Scientist). Trong các năm gần đây làm việc chung với Trung tâm Kỹ thuật Môi trường và Cục Quan Trắc Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi thông tin, cung cấp phần mềm, báo cáo khoa học. Là thành viên của Board of Advisor cho VietEcology, một tổ chức phi chính phủ về cải tiến và hỗ trợ môi trường ở Việt Nam. Viết bài về môi trường, khoa học, lịch sử liên quan đến Việt Nam cho các báo tạp chí trong và ngoài nước (Tia Sáng, Thời báo Kinh tế Saigon, Diễn Đàn, UNDP ESCAP...)

Nguyễn Đức Hiệp
Atmospheric Science
Department of Environment & Conservation, NSW
Dock 2, Weeroona Road
Lidcombe, NSW 2141, Australia
Điện thoại: 061-2-99955050 (cơ quan), 061-2-9649 8768 (fax, cơ quan),




Vietsciences-Nguyễn Đức Hiệp     04/06/2006



Dược thảo huyền diệu: Thanh thảo và bệnh sốt rét

http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/ykhoa/malaria-thanhthao.htm




Thiên nhiên với sự đa dạng sinh học là một biểu tượng của sức sống vạn năng trên trái đất mà con người là một trong muôn ngàn sinh vật. Con người đã biết tận dụng những tài nguyên thiên nhiên trong cuộc sống và phải tranh đấu sống còn với các sinh vật khác trong môi trường cạnh tranh tiến hóa. Từ ngàn xưa, bệnh tật là một hiểm nguy đáng sợ đe doa và cắt ngắn cuộc sống của con người. Ngoài sức đề kháng tự nhiên, con người cũng tìm nhiều cách để trị bệnh kể cả dùng những mê tín nghi lễ thần chú sơ khai để đuổi bệnh. Trong lịch sử các nền văn minh, y sĩ, thầy thuốc là những người được quý trọng trong xã hội. Hầu như mỗi dân tộc đều có y học truyền thống để lại qua nhiều thế hệ từ sách vở hay truyền khẩu. Mặc dầu hiện nay y học truyền thống thường không phổ biến và có nhiều hiệu quả so với y học hiện đại nhưng y học truyền thống đã có vài thành quả lớn ảnh hưởng ngay cả đến y học hiện đại. Châm cứu là một thí dụ điển hình cũng như thần dược thanh thảo trị bệnh sốt rét mà y học hiện đại cũng bó tay vì ký sinh trùng gây bệnh sốt rét đã nhờn các loại thuốc chống sốt rét dùng trước đây.

Thanh thảo (artemisisa annua, qinghao) bắt nguồn từ Á châu (Trung quốc, Việt Nam), hiện nay là một loại cây rất phổ thông có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, mọc tốt ở khí hậu ôn đới hay cao nguyên. Có thể tìm thấy ở các cánh đồng, nông trại, bờ rừng, dọc đường, trên bùn gần bờ sông, rạch... Ở nhiều nơi, chúng trở thành một loại “cỏ dại”. Theo truyền thuyết Trung quốc, trong những cây dược thảo ngoài các cây gạo, kê dùng trong canh nông, thì vua Thần Nông có cho biết là thanh thảo là một dược thảo trị bệnh sốt (fever) tốt. Trong một mộ cổ thời Hán (168 BC) khai quật được ở Mawandu, người ta tìm thấy một tập sách gọi là “Phương thức chữa trị 52 loại bệnh” trong đó có nói về cây thanh thảo. Tập sách y học nổi tiếng nhất là của Xue-Meng (1719-1805) cũng khẳng định cho là thanh thảo chữa dứt bệnh sốt nóng và lạnh (1).

Cây thanh thảo thuộc họ (genus) Artemisia gồm hơn 300 loài, trong số đó có Artemisia annua (thanh thảo), Artemisia absinthium (ngãi tây loại đắng). Artemisia absinthium, một loại cây ngãi tây đắng, được dùng làm thuốc xổ lãi trong ruột non và thuốc trừ côn trùng. Thanh thảo, như ta biết, có tác dụng chống sốt rét nhưng chưa được nhiều người biết cho đến khi gần đây.  

Năm 1967, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung quốc, thực hiện chính sách nghiên cứu chữa bệnh bằng y học truyền thống (đông y). Điều này đòi hỏi xem xét phân tích tất cả các thảo vật được dùng trong thuốc y học truyền thống. Như vậy là có khoảng từ 3,000 đến 5,000 loại thảo vật và các loại tập hợp khác nhau giữa những thảo vật này. Vì thế đây là một công trình rất lớn vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay.




  Hình của http://www.oup.com/
Ở Trung quốc, bệnh đáng quan tâm hàng đầu trong thập niên 1960 là bệnh sốt rét, thường xảy ra ở phía tây nam Trung quốc nhất là vào lúc mùa mưa.  Nghiên cứu lúc đầu cho thấy thanh thảo có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét. Nhưng hợp chất gì trong thanh thảo chủ yếu hiệu nghiệm chống bệnh sốt rét ?.Những nghiên cứu để tách ra hợp chất hữu hiệu chống sốt rét đã không thành công cho đến năm 1971 khi hợp chất này được tách ra thành công từ thanh thảo dùng diethyl ether. Hợp chất tách ra này chữa lành chuột khi chúng bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium berghei. Một năm sau, các nhà khoa học thành công tách ly biệt lập tinh chất kết tinh của hợp chất với cấu trúc hóa học gọi là artemisinine. Hợp chất artemisinine chống ký sinh trùng sốt rét này thuộc loại terpene, chứ không phải là loại alkaloid hay amine. Hiệu suất lấy artemisinin từ thanh thảo là từ 0.01 đến 0.5% trọng lượng cây. Theo các nhà nghiên cứu Trung quốc thì hiệu suất cao nhất là từ cây thanh thảo ở tỉnh Sichuan. Năm 1979, nhóm nghiên cứu sốt rét Trung quốc, đã có một cuộc thử nghiệm lâm sàng dùng artemisinin trên 2,099 bệnh nhân (1). Một kết quả không tưởng: tất cả đều trị hết bệnh sốt rét. Thêm nữa, artemisinin dùng trên 143 bệnh nhân sốt rét với ký sinh trùng đã nhờn thuốc chloroquine và 141 bệnh sốt rét màng óc với kết quả khả quan. Sau thử nghiệm lâm sàng này, nhiều thử nghiệm kế tiếp ở Trung quốc và Đông Nam Á cho những kết quả tương tự. Ở Việt Nam, trong một thử nghiệm lâm sàng năm 1993 (4), với 638 bệnh nhân, dùng thuốc uống artemisinin cho thấy trong vòng 24 tiếng, 98% ký sinh trùng sốt rét biến mất. Trong nhóm bệnh nhân dùng thuốc trong 5 ngày, chỉ có 10% là ký sinh trùng xuất hiện lại. Thuốc artemisinin hiệu nghiệm chống cả hai loại ký sinh trùng sốt rét falciparum và vivax. Trong một thử nghiệm khác vào năm 1999 (5), kết quả tốt nhất là dùng artemisin và sau đó quinine trong 3 hay 5 ngày sau.


Đầu thập niên 1980, Ngũ Giác Đài thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington nhận ra là Trung quốc đã có thuốc thanh thảo chống sốt rét và vì thế sẽ có lợi thế trong quân sự nếu chiến tranh xảy ra. Nhất là lúc ấy ký sinh trùng sốt rét plasmodia đã nhờn các loại thuốc quinine, chloroquinine. Bộ Tổng tham mưu Mỹ đã nhờ viện nghiên cứu Walter Reed Institute của quân đội tìm ra bí mật thuốc thanh thảo và nếu được thì có nơi nào ở Mỹ có cây thanh thảo. Câu trả lời là nằm ngay trước cửa Ngũ Giác Đài.  Trong những vùng dọc sông Potomac chảy qua tiểu bang Maryland vào Washington sau đó ra biển thì cây thanh thảo mọc nhiều nơi dọc hạ lưu sông và trong lòng chảo Potamac. Sự hốt hoảng của Ngũ Giác Đài biến mất nhanh chóng. Thật ra thanh thảo đã được các nhà thực vật Mỹ biết nhiều trước đây, sau khi cây này được du nhập từ Trung Đông và Á châu vào thế kỷ 19. Những người lập nghiệp ở Mỹ lúc đầu đã dùng thanh thảo làm mứt ướp và cho thêm gia vị. Sự gấp rút tìm thanh thảo của chính phủ Mỹ giống như sự hăm hở cố tâm tìm kiếm vỏ cây cincona (làm thuốc quinine) của các nước Anh, Pháp, Hoà Lan vào thế kỷ 18 và 19, để khỏi bị Tây Ban Nha chế ngự khi nước này nắm độc quyền có cây cincona ở Nam Mỹ. Lúc đó bệnh sốt rét là một thảm họa gây tổn thất về nhân mạng, kinh tế tài chính rất cao. Hoà Lan đã gởi lén người vào Nam Mỹ đánh cắp giống cây Cincona, các cây bị đánh cắp này được dùng để làm cây giống xây dựng đồn điền lớn ở Java trồng Cincona, phá đi sự độc quyền thương mại của Tây Ban Nha sản xuất thuốc quinine, lúc đó rất đắt và khan hiếm.

Trên các lục địa thì Phi châu là nơi mà nạn nhân bệnh sốt rét nhiều nhất. Theo thống kê cứ mỗi 30 giây là có một trẻ em chết vì bệnh sốt rét và mỗi năm có từ 300 đến 500 triệu người bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Artemisinin là thuốc mang hy vọng lớn nhất trị bệnh sốt rét hiện nay. Ở Tanzania hiện nay có những đồn điền trồng cây thanh thảo ở khắp nước này. Dọc biên giới Thái Lan-Miến Điện, bác sĩ Francois Nosten thuộc nhóm nghiên cứu sốt rét Shoklo đã dùng artemisinin (và mefloquine) trị bệnh sốt rét rất hiêu quả cho những người tị nạn từ năm 1991. Ký sinh trùng sốt rét Falciparum hầu như đã nhờn các thuốc tiêu chuẩn chống sốt rét ở vùng này. Lúc đó artemisinin chỉ mới bắt đầu được áp dụng sau những thử nghiệm lâm sàng ở Trung quốc. Tổ chức Wellcome Trust đã tài trợ cho bác sĩ Nosten và giáo sư Nick White ở Thái Lan từ những ngày đầu khi giáo sư Nick White trường đại học Mahidol biết được những thành quả ở Trung quốc vào năm 1979 khi tình cờ đọc một bài báo cáo khoa học đã cũ kỹ nhăn nheo viết bằng anh ngữ từ một tạp chí y khoa trung quốc. Giáo sư White đã liên lạc và đến Quảng Châu nơi nhóm nghiên cứu trung quốc phát hiện artemisinin để học hỏi và trao đổi. Ông đã được nhóm nghiên cứu Trung quốc tặng một lọ thuốc thanh hảo mang về Thái Lan. Tổ chức Wellcome Trust định phân tích và nghiên cứu thành phần cấu tạo thuốc trong lọ nhưng bị một số quan chức y khoa phương Tây ngăn cản vì họ muốn tự chế tạo ra thuốc bằng phuơng pháp của mình. Nhưng kết quả không đến đâu nên đến cuối thập niên 1980, giáo sư White bắt đầu nhập các viên thuốc uống và thuốc chích từ Trung quốc và hợp tác với bác sĩ Nosten để chữa trị sốt rét cho các người di tản ở biên giới Thái Lan-Miến Điện. Gần đâ được sự trợ giúp 4.7 US triệu đô của tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation, chương trình trị bệnh sốt rét bằng artemisinin của bác sĩ Nosten đã nới rộng cho toàn tỉnh Tak ở tây bắc Thái Lan. Những kết quả hữu hiệu từ bao năm ở đây bây giờ mới được thế giới chú ý đến và chính thức áp dụng mặc dầu sự kiện này được biết trong giới y khoa bệnh truyền nhiễm.

Tháng 5 2004, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Thế giới chống bệnh AIDS, lao phổi và sốt rét đã chính thức chấp thuận artemisinin là thuốc chống sốt rét hữu hiệu, đồng ý mua và phân phối 1 triệu liều artemisinin cũng như huỷ bỏ đơn đặt mua những thuốc chống sốt rét không còn hiệu nghiệm. Tuy nhiên mới đây vào cuối năm 2005, WHO cũng kêu gọi các công ty thuốc ngưng tiếp thị và bán thuốc chỉ một loại trong lúc trị sốt rét. Và dùng artemisinin cùng với thuốc chống sốt rét khác như mefloquine, chloroquinine cùng một lúc để phòng hờ sự xuất hiện sau này của ký sinh trùng sốt rét nhờn thuốc artemisinin.

Artemisin hiệu nghiệm chống ký sinh trùng sốt rét như sau: khi ký sinh trùng sốt rét xâm nhập tế bào máu hồng huyết cầu và tiêu thụ 25% chất hemoglobin trong hồng huyết cầu, tuy vậy chúng không phân hóa phân tử heme (chứa sắt) mà chứa phân tử sắt ở môt dạng polymer gọi là hemozoin. Khi artemisinin phản ứng với sắt ở hemozoin, chất sắt biến artemisinin thành một đốc tố, thả ra các chất hóa học gốc (radical) tự do phản ứng nhanh chóng giết chết ký sinh trùng. Mặc dầu artemisinin đã được dùng khá lâu ở Trung quốc và Đông Nam Á nhưng vẫn chưa thấy sự xuất hiện của ký sinh trùng nhờn thuốc artemisinin. Lý do có thể là sự phá huỷ rất nhanh chóng và triệt để ký sinh trùng sốt rét của artemisinin khi tiếp xúc với phân tử sắt (Fe) trong ký sinh trùng đã không cho nhiều cơ hội đột biến của ký sinh trùng.

Hiện nay so với chloroquine hay meflaquine thì thuốc artemisinin hơi đắt tiền (2.5US một liều artemisinin so với 0.1US của các thuốc trên). Lấy artemisinin từ cây thanh thảo rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Các nhà sản xuất đã không đáp ứng được nhu cầu rất cao của artemisinin cần để trị sốt rét với khoảng 300-500 triệu bệnh nhân mỗi năm. Nỗ lực tìm những phương pháp chế tạo thuốc artemisinin rẻ tới tay bệnh nhân đang được các nhà nghiên cứu, các công ty thuốc thực hiện. Mới đây trong một nghiên cứu của nhóm ở đại học California, Berkeley (2)(3) được công bố trong tạp chí khoa học Nature tháng 4 2006, cho thấy họ đã đưa vào thành công 2 gene của cây thanh thảo vào bộ gene của men rượu (saccharomyces cerevisiae) để sản xuất artemisinic acid. Artemisinic acid là chất dùng để sản xuất artemisinin qua một vài phản ứng của quá trình hóa học. Phương pháp này đang được thử nghiệm sản xuất trong kỷ nghệ công ty thuốc không vụ lợi Institute for OneWorld Health (Viện sức khoẻ cho một thế giới) hợp tác với công ty Amyris Biotechnologies với sự trợ giúp 42.6 triệu US của tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation. Hy vọng với sự sản xuất kỷ nghệ quy mô này, giá thành thuốc artemisinin chỉ còn 10% giá hiện nay và nhiều bệnh nhân ở các nước nghèo có thể có cơ hội được chữa trị dễ dàng. Ông Jay Keasling và đồng nghiệp của nhóm nghiên cứu này (2) dùng 3 giai đoạn để tạo men (yeast) mới sản xuất artemisinic acid như sau: giai đoạn đầu là thay đổi một số gien của men bằng đột biến để gia tăng sản xuất farnesyl pyrophosphate (FPP), giai đoạn hai là mang gene amorphadiene synthase (ADS) của cây thanh thảo vào men để tổng hợp FPP thành amorphadiene, và giai đoạn cuối là mang gene cytochrome P450 của cây thanh thảo vào men để oxid hóa qua 3 bậc chuyển amorphadiene thành artemisinic acid.

Phương pháp sản xuất artemisinin dùng men trong kỹ nghệ rất bảo đảm, rẻ và tiện lợi không tuỳ thuộc vào sản lượng thu hoạch cây thanh thảo hay thời tiết. Sự thành công sản xuất số lượng lớn thuốc chống sốt rét artemisinin cho thấy sự tiến bộ của khoa sinh học phân tử và di truyền áp dụng trong y học. Tuy nhiên sự tiến bộ này đã dựa vào thực vật có sẵn trong thiên nhiên. Điều này cho thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của sự đa dạng sinh học trong đời sống con người. bao nhiêu căn bệnh hiểm nghèo như ung thư có thể được chữa trị bằng những hợp chất hữu cơ có trong một loài thực vật hay động vật nào đó trong thiên nhiên. Con người vì thế cần phải tích cực bảo vệ sự đa dạng sinh học trong môi trường sống của mình, vì đây là tài nguyên vô giá trong sự sống tương lai.


Tham khảo

(1)   Lee, M. R., Plants against malaria part 2: Artemisia Annua (Quinghaosu or the sweet wormwood), J R Coll Physicians Edingburg 2002, 32:300-3005
(2)   Dae-Kyun Ro, et al., Production of the antimalarial drug precursor artemisinic acid in engineered yeast, Nature, Vol. 440, 13 April 2006, 940-943
(3)   Towie, Narelle, Malaria breakthrough raises spectre of drug resistance, Nature, Vol 440, 13 April 2006, 852-853.
(4)   Nguyen DS, Dao BH, Nguyen PD, Nguyen VH, Le NB, Mai VS, Meshnick SR, 1993. Treatment of malaria in Vietnam with oral artemisinin. Am J Trop Med Hyg 48: 398–402.
Peter J. de Vries, Nguyen Ngoc Bich, Huynh Van Thien, Le Ngoc Hung, Trinh Kim Anh, Piet A. Kager, and Siem H. Heisterkamp, Combinations of artemisinin and quinine for uncomplicated Falciparum Malaria: Efficacy and Pharmacodynamics, Antimicrobial Agents and Chemotherapy, May 2000, p. 1302-1308, Vol. 44, No. 5.

8 nhận xét:

  1. Cây Thanh Thảo trong đời sống tâm linh của người Tày ở Lào Cai

    Cây Thanh Thảo chính là CÂY THANH HAO HOA VÀNG, theo báo Dân Việt ngày 18/07/2014 thì nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang vỡ mộng thanh hao hoa vàng.

    Tìm trong đống tài liệu cũ thấy bài này về cây thanh hao hoa vàng, đăng trên báo SKĐS số 281

    THANH HAO HOA VÀNG
    DS. TRẦN XUÂN THUYẾT

    THANH HAO HOA VÀNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN
    Thanh hao hoa vàng còn được gọi là: Thanh cao hoa vàng, thanh hao, thanh cao, thảo cao, ngải si, ngải hôi, ngải đắng v.v...

    Tên khoa học: Artemisia annua L. Họ Cúc.

    Y học Trung Quốc đã biết dùng cây Thanh hao hoa vàng để trị sốt rét từ đời Hán. Trong tập đơn thuốc chữa 52 loại bệnh viết vào năm 168 trước Công nguyên đã ghi bài thuốc chữa sốt rét bằng Thanh hao (dùng một nắm to lá Thanh hao ngâm trong 1 bát nước rồi sắc lấy nước uống).

    - Năm 1972 các nhà khoa học Trung Quốc đã chiết được Artemisinin trong cây Thanh hao hoa vàng và thử nghiệm dùng Artemisinin để chữa sốt rét cho 2.353 người đạt kết quả tốt.

    Ở Việt Nam từ thế kỷ XIV Tuệ Tĩnh và thế kỷ XVIII Hải Thượng Lãn Ông đã dùng Thanh hao hoa vàng để chữa sốt rét.

    - Năm 1989 Đinh Huỳnh Kiệt và cộng sự công bố kết quả phân tích thành phần hóa học của Thanh hao hoa vàng mọc hoang và chiết suất Artemisinin để chữa sốt rét cho bộ đội.

    - Cũng từ năm 1989 một phong trào nghiên cứu trồng và chiết suất Artemisinin từ Thanh hao hoa vàng bùng phát:

    - Viện Dược liệu. Viện Khoa học Việt Nam. Viện Y học quân sự đều nghiên cứu phương pháp và máy móc chế tạo trong nước để chiết suất Artemisinin từ Thanh hao hoa vàng. Bán tổng hợp Artesunat Artemether...

    - Công ty Dược liệu TW I nghiên cứu nhân giống A. annua L và phát triển trồng đại trà cây Thanh hao hoa vàng ở nhiều tỉnh miền Bắc từ Cao Bằng đến Nghệ An và chiết suất Artemisinin ở quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc Artemisinin chống sốt rét cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT
      Cây thuộc thảo, gốc hóa gỗ, sống lâu năm. Mọc hoang thường cao từ 1,5-2m. Cây trồng được chăm bón tốt cao từ 3-4m. Toàn thân có mùi thơm nhẹ. Lá mọc cách, phiến lá xẻ lông chim 2 lần, thành những dải hẹp, có lông mềm bao phủ. Lá già vàng rồi chết khô, không rụng vì cuống lá rất dai. Cụm hoa hợp thành 1 chùy kép. Mỗi cành nhỏ có 3-7 cụm hoa. Mỗi cụm hoa có 25-35 hoa, trong đó có 20-25 hoa lưỡng tính ở giữa. Hoa cái có 5-8 hoa ở xung quanh. Kích thước hoa rất nhỏ, vỏ có rãnh dọc có các tuyến tinh dầu (1 gam hạt khô có 20-22.000 hạt).

      Trong 15 loài thuộc chi Artemisia ở Việt Nam, có 4 loài rất giống nhau về ngoại hình là: Artemisia apia ceae, A. capillaris, A. campetris và A. annua; trong đó chỉ có A. annua có Artemisinin.

      Thanh hao hoa vàng là cây ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn nhưng kém chịu úng ngập. Phát triển tốt trên đất từ cát pha đến đất thịt nhẹ. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.400 - 1.600mm. Nhiệt độ không khí thấp nhất không dưới 100C, cao nhất không quá 400C. Chu kỳ sinh trưởng từ khi nẩy mầm đến khi hạt chín từ 240-300 ngày (cây gieo hạt tháng giêng, hai ở miền Bắc và miền Trung).

      BỘ PHẬN DÙNG - MÙA THU HOẠCH
      Bộ phận dùng: lá Thanh hao. Thu hoạch vào thời kỳ bắt đầu có nụ là lúc hàm lượng Artemisinin cao nhất (1,6% trong lá khô). Trong khi nếu thu lá trên cây còn xanh hàm lượng Artemisinin chỉ có 0,6%. Cây đã nở hoa hàm lượng Artemisinin còn 1%.

      Sản lượng lá khô cao nhất là phương pháp thu hoạch lá nhiều lần. Bắt đầu từ lúc lá chuyển màu vàng là thu ngay lá vàng, đến khi ngọn chớm có nụ là cắt toàn bộ cây rồi tuốt lấy lá phơi, sấy khô.

      1972 Artermisinin được các nhà khoa học Trung quốc chiết xuất từ cây Qinghao

      Họ Cúc - cây ngải Qing Hao, ngải hoa vàng Trung Quốc

      Những “khoảng trống” kiến thức về vị thuốc chiết xuất từ cây Thanh hao hoa vàng

      Xóa
    2. Thông tin về các cán bộ sinh học tìm ra thanh hao hoa vàng:

      Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các cán bộ trẻ đã lên đường cùng bộ đội xác định các loài cây ăn được, cây làm thuốc. Đã xuất bản cuốn sách "Sổ tay rau rừng", là cẩm nang cho chiến sỹ ở chiến trường. Đặc biệt việc phát hiện cây thanh hao hoa vàng dùng để làm thuốc chữa bệnh sốt rét. http://sinhhocvietnam.com/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=521

      Trao giải Hồ Chí Minh cho công trình thuốc điều trị sốt rét


      Chiều 19/11/2005, Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho "công trình nghiên cứu chiết xuất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng Việt Nam và chuyển hoá thành các chất dẫn có hoạt tính mạnh hơn chữa sốt rét kháng thuốc".

      Đây là một trong bốn công trình khoa học y dược đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, do 16 tập thể thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp và Trung tâm khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia nghiên cứu kéo dài trong gần 10 năm.

      Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Thế Trọng cho biết: với các chương trình phòng chống sốt rét và đặc biệt là sự đóng góp của thuốc điều trị sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng, năm 2003 chỉ còn 50 người tử vong do sốt rét và 11 tháng đầu năm 2004, con số này hạ xuống còn 19 người.
      (Theo Tuổi Trẻ)

      Xóa
    3. Theo tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát triển một loại thuốc trị sốt rét nhái theo các phương pháp đông y của Trung Quốc.

      Việc tìm kiếm một loại thuốc chống sốt rét hữu hiệu và rẻ tiền đã kéo dài suốt bao nhiêu thập niên và nhờ vào sự hợp tác giữa các phòng thí nghiệm và các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới, một loại thuốc mới có thể đã được ra đời.

      Thuốc ACT chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng đang trở thành cứu tinh chống sốt rét của châu Phi. WHO đã xác nhận hiệu quả lớn của ACT năm 2001 khi loại thuốc này đạt hiệu quả chữa bệnh tới 90% ở châu Á trong suốt 20 năm qua mà không xảy ra hiện tượng kháng thuốc nào.

      Mặc dù các nước châu Phi đang chuyển sang sử dụng ACT để chống sốt rét nhưng họ không thể mua đủ cơ số thuốc để đáp ứng nhu cầu. Chi phí mua thuốc ACT chữa trị cho các bệnh nhân sốt rét ở châu Phi có thể lên tới 220 triệu USD hàng năm.

      Được gọi là O Z 2 7 7, loại thuốc này được tin là sẽ hoạt động như artemisinin, loại thuốc chống sốt rét tốt nhất hiện tại.

      Dựa theo đông y Trung Quốc, thuốc artemisinin - hoạt chất chiết ra từ cây Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L. ) đã được sử dụng trên một ngàn năm trăm năm và muỗi sốt rét vẫn chưa phát triển hệ thống kháng lại loại thuốc này. Nhưng việc chiết xuất thuốc này từ cây là không có hiệu quả và khá tốn kém, do đó thuốc khá đắt. Giới y khoa hy vọng là O Z 2 7 7 sẽ có tác dụng như artemisinin nhưng sẽ vừa túi tiền. Nó hoạt động khá tốt đối với động vật và bây giờ thì được thử nghiệm trên người tại Anh để bảo đảm là thuốc an toàn. Thuốc được các khoa học gia từ ngành y dược và khu vực công cộng phát triển và các liều lượng thuốc sử dụng trong các cuộc thử nghiệm là do công ty y dược Ranbaxy của Ấn Độ sản xuất. Nếu thành công, nghiên cứu này sẽ giúp hai tỉ người có nguy cơ bị sốt rét có được thuốc rẻ, dễ sử dụng và tiêu diệt được muỗi gây sốt rét.

      (TTXVN)

      Xóa
    4. Một bài báo trên TBKT VN về 1 công ty sản xuất thuốc sốt rét từ thanh hao hoa vàng

      Tỏa sáng “Thương hiệu mạnh”

      Công ty Mediplantex vững vàng bước vào hội nhập

      Đạt danh hiệu “Thương hiệu mạnh” 2004 do độc giả Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn, chứng nhận “Thương hiệu có uy tín” và gần đây là giải thưởng Sao vàng Đất Việt 2005 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, Công ty cổ phần dược TW 1 – Mediplantex còn sở hữu một gia tài ao ước: 20 triệu USD kim ngạch thương mại mỗi năm với bạn hàng từ 20 quốc gia.

      Thập niên 90, hẳn chẳng ai quên nỗi kinh hoàng từ căn bệnh sốt rét: mỗi năm có khoảng 10 nghìn người bị nhiễm bệnh và tử vong vì sốt rét! Nhưng sau gần 10 năm sử dụng rộng rãi nhóm thuốc artemisinin, artesunat... có nguồn gốc từ thanh hao hoa vàng, đến nay tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ trên dưới 50 người/năm.

      Niềm tự hào từ thanh hao hoa vàng

      Không chỉ có thế, vào tháng 4/2004, nhóm thuốc chống sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng của Việt Nam còn được Tổ chức y tế thế giới chính thức lựa chọn thay thế cho nhóm thuốc cũ để sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Điều đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới (cùng với Trung Quốc) chuyên sản xuất loại thuốc nói trên và DN tiên phong trong lĩnh vực này chính là Công ty cổ phần dược TW – Mediplantex.

      Khởi điểm, công ty đầu tư một xí nghiệp chuyên chiết xuất dược liệu và bán tổng hợp hóa dược để làm nguyên liệu. Sản phẩm chính mà Mediplantex chọn lựa, đó là nhóm thuốc sốt rét chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng. Để có chỗ đứng trên thị trường, công ty quyết định mở thêm xí nghiệp thứ 2, có chức năng bào chế thành phẩm nhưng theo hướng chuyên nghiệp của tiêu chuẩn GMP ASEAN. GMP chính là bộ tiêu chuẩn trong khu vực Đông Nam Á và xí nghiệp bào chế của Mediplantex là một trong rất ít đơn vị đầu tiên được Bộ y tế công nhận đạt GMP. Từ đây, Mediplantex đã cung ứng một lượng thuốc sốt rét đáng kể cho thị trường và góp công lớn trong việc dập tắt loại dịch bệnh nguy hiểm này trên cả nước. Đồng thời, rất nhiều lô hàng của công ty còn được xuất sang các nước châu Âu, Đông Á, châu Phi – là những nơi tập trung nhiều ổ dịch và được bạn rất tin dùng.

      Vụ vừa qua, công ty đã đầu tư hàng nghìn ha, tạo nguồn thu nhập đáng kể vì giá hiện nay tăng vọt do nhu cầu thế giới đang cao. Xu hướng chung hiện nay của thế giới là không sử dụng những loại thuốc sốt rét cổ điển như chloroquin, quinacrin uống vàng cả mắt, có nhiều độc tố mà chuyển sang nhóm thuốc đặc trị nguồn gốc từ thanh hao hoa vàng – Artemisinin. Nhóm thuốc này đã được kiểm chứng và cho kết quả hiệu lực điều trị rất mạnh cả với sốt rét thường và sốt rét ác tính. Chỉ 24 giờ sau khi uống, kiểm tra không còn ký sinh trùng sốt rét nhưng lại không hề có tác dụng phụ. Đã cả chục năm điều trị nhưng chưa ghi nhận một trường hợp nào có tác dụng phụ. Với sự đóng góp lớn lao vào cụm công trình nghiên cứu sản xuất Artemisinin và các dẫn chất để chữa sốt rét, công ty đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cùng với tập thể giáo sư, bác sĩ.

      Xóa
    5. Hướng về “Thương hiệu mạnh”

      Ngoài việc đầu tư sản xuất công nghiệp, Mediplantex còn là đơn vị gặt hái nhiều thành công trong thương mại xuất nhập khẩu. Riêng lĩnh vực xuất khẩu, doanh số có năm cao nhất đạt 8 triệu USD. Liên tục từ 1997 – 2002, công ty luôn giữ vị trí đứng đầu ngành y tế về xuất khẩu, năm 2004, công ty là 1 trong 10 DN thuộc nhóm ngành dược có doanh số XNK cao nhất.

      Ngoài nhóm sản phẩm chống sốt rét quen thuộc và uy tín, công ty còn xuất khẩu một số lượng lớn mảng sản phẩm tinh dầu và dược liệu đặc thù Việt Nam như bạc hà, hoa hòe ở Thái Bình, Nam Định, Nghệ An với diện tích cả nghìn ha và hàng nghìn ha rừng sả phủ xanh đất trống đồi trọc ở huyện Chiêm Hóa – Tuyên Quang, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, hình thành những vùng dược liệu ổn định, ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Một trong những thành công đó là di thực giống bạc hà Nhật Bản vào Việt Nam.

      Do bạc hà Việt Nam có hàm lượng Menthol thấp nên không hiệu quả trong chiết xuất tinh dầu. Bắt đầu từ 1997, công ty đã nhập giống mới từ Nhật Bản, còn gọi là SK33. Ban đầu chỉ có mấy thân cây, cho tới nay, công ty đã đầu tư tạo vùng được khoảng 6 – 7 trăm ha ở Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ tốt công tác xuất khẩu. Bạc hà SK33 có mùi hương đặc biệt, tỷ lệ Menthol đạt rất cao (trên 70%) phù hợp nhu cầu thị trường quốc tế.

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Quá hay, cảm ơn tư liệu của Khoằm ! Có thế mới là Khoằm chứ !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.