Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/10/2013

Tối hậu thư viết chung của anh Văn và Thomas gửi đại diện quân đội Nhật ở Thái Nguyên (hạ tuần tháng 8/1945)

việt minh
Truyền đơn của Việt Minh rải trong rừng Việt Bắc thời 1940s (có thấy cả  ở đây ! )

Người Nhật đã chuẩn bị chu đáo cho việc đổ bộ vào Đông Dương. Một trong những việc ở khâu chuẩn bị, là đào tạo đội ngũ phiên dịch chiến trường. Người ta chọn tiếng Pháp làm chủ lực. Một công đôi việc: vừa làm việc được với người Pháp đang làm chủ Đông Dương, lại vừa nói chuyện được với người dân bản xứ.

Còn người Mĩ, trong OSS, cũng chuẩn bị không kém phần chu đáo cho việc vào Việt Nam. Bởi vậy, đã có một vài phiên dịch tiếng Việt của OSS khi họ tới núi rừng Việt Bắc giao thiệp với Việt Minh. Họ đã học cấp tốc tiếng Việt đầu những năm 1940, tại Mĩ, trước khi được tung vào chiến trường.

OSS tỏ thái độ thán phục Việt Minh ở các điểm sau: 1. Quyết tâm đánh Nhật; 2. Rất thân thiện; 3. Một đội ngũ rộng khắp, đâu đâu ở núi rừng Việt Bắc cũng đã sẵn có mạng lưới của Việt Minh; 4. Một đội ngũ lãnh đạo đáng tin cậy, lịch thiệp, giỏi ngoại ngữ.


Khi tiến xuống Thái Nguyên hạ tuần tháng 8 năm 1945 , bộ đội Việt - Mĩ chia làm 2 toán đi cách nhau.
Ở một toán, anh Văn và Thomas đi cùng nhau. Hai người trở nên thân thiết.

1. Khi đối mặt với lực lượng Nhật Bản (bao gồm cả lính bản xứ của chính quyền Trần Trọng Kim) tại Thái Nguyên, đúng như chủ trương của Việt Minh, đầu tiên bộ đội Việt - Mĩ kêu gọi họ hạ súng, không chiến đấu, giao nộp vũ khí. Anh Văn và Thomas đã gửi cho lực lượng Nhật Bản một bức thư truyền thông điệp trên. Bản của anh Văn thì là tiếng Pháp, còn bản của Thomas thì là tiếng Anh. Chắc là hai người cùng kí tên vào cả hai văn bản ấy.

Lực lượng Nhật rõ ràng đọc thông cả văn bản của anh Văn và văn bản của Thomas.


2. Đại khái, nội dung của tối hậu thư như sau:
" Hỡi các sĩ quan và bính lính Nhật. 
Chính phủ Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Quân đội Nhật đang dần dần bí tước vũ khí ở tất cả các mặt trận. Trước khi quân Đồng Minh tiến đến Đông Dương, hãy giao nộp vũ khí cho Việt Minh và Quân đội Giải phóng Việt Nam. Bằng việc làm đó, các bạn sẽ không chí bảo vệ được mạng sống của mình mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam. Thời khắc cuối cùng quyết định số phận của các bạn đã đến! Không nên do dự. "


3. Lúc đó, sĩ quan Nhật ở Thái Nguyên đọc tối hậu thư thì một mực không tin Thomas là người Mĩ. Họ khẳng định Thomas là người Pháp. Cũng tức là, sĩ quan Nhật lúc đầu còn chưa tin là Đồng Minh đã đến Việt Nam và đang hợp tác với Việt Minh.

4. Để chứng minh mình là người Mĩ chính thực, Thomas đã gửi vào bên trong một vài tín vật: hộ chiếu, cờ Mĩ, và đặc biệt là cả một viên đạn.

5. Rút cục, người Nhật không đầu hàng (anh em binh sĩ người An Nam thì ra hàng). Phải giải quyết bằng đấu súng.

Trần Dân Tiên sau này gọi đó là trận đánh kịch liệt kéo dài hai ngày. 

Chỉ cần ghi nhớ điểm sau: trận đánh đó Thomas tham gia một cách tự nguyện. Cá nhân anh đã tựa như chống lệnh cấp trên để giúp Việt Minh. Cấp trên của anh không tán thành việc xuống Thái Nguyên hay từ Việt Bắc về Hà Nội, cũng tức là không hề cấp phép để anh đánh Nhật cùng với Việt Minh.


---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.