Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn người-Nùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn người-Nùng. Hiển thị tất cả bài đăng

14/09/2022

06/02/2022

Tết trong trang phục nữ truyền thống của người Nùng An (ghi chép Tết Nhâm Dần 2022)

Tết là dịp phụ nữ Nùng An chúng tôi được mặc trang phục truyền thống.

Từ sau năm 2012, nhờ có điện thoại thông mình, thì mạng xã hội lan tỏa khắp nơi, chị em Nùng An chúng tôi cũng hòa nhịp vào hơi thở của Facebook rồi zalo (xem lại ở đây, tháng 3 năm 2016).

Chúng tôi tự cấu tứ nghệ thuật với nhau, tự chụp ảnh với nhau, và đưa lên mạng qua điện thoại thông minh. Mà là từ khắp các nơi, nào Cao Bằng, nào Tuyên Quang, nào Hà Giang, nào Đắc Lắc,...

15/09/2021

Dân tộc chí trên không gian mạng : người Nùng Lòi ở biên giới Cao Bằng - Quảng Tây (bài Bùi Xuân Đính)

Gần đây, trên không gian mạng Việt Nam, xuất hiện nhiều ghi chép dân tộc học (tức dân tộc chí) khá thú vị, của các nhà dân tộc học Việt Nam, ví dụ Bùi Xuân Đính, Nguyễn Văn Chính, Vương Xuân Tình,...

Tôi sẽ cập nhật đưa các dân tộc chí đó về Giao Blog. Mở đầu là một ghi chép vừa đưa lên hôm nay trên Fb của bác Bùi Xuân Đính.

Về những làng người Nùng ở biên giới Việt - Trung này, trên Giao Blog, cũng đã có những ghi chép nhanh của tôi, ví dụ đọc ở đây (tháng 9 năm 2013). Tôi đã trở đi trở lại vùng này nhiều lần.

21/08/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : ngày Rằm tháng Bảy trên quê hương biên viễn

Rằm tháng Bảy ở miền quê biên viễn vào các năm trước, thì trên Giao Blog, có thể xem lại ở đây (năm 2014) hay ở đây.

Năm nay, các nhà vẫn khấp khởi chuẩn bị, nhưng trong tâm trạng chung là cảnh giác cao với dịch covid-19.

13/08/2020

Trò chuyện với hồn của người đang sống : "vọng khoăn đíp" ở vùng Tày - Nùng

Không phải là với linh hồn của người đã khuất. Mà là, nói chuyện với hồn của người đang còn sống. Người đang sống ấy có thể có mặt ở buổi đối thoại (mà người trung gian là các ông bà mo - then - pựt của người Tày - Nùng). Có khi người sống sẽ bổ sung thêm thông tin, lại có khi cãi lại (do thông tin được đưa ra trong cuộc đối thoại không đúng với sự thực).

Hiện tượng này hiện vẫn được duy trì trong cộng đồng người Tày và người Nùng ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.

26/03/2020

Tảo mộ mùng 3 tháng 3 giữa đại dịch Cô Vy, trên quê hương biên viễn

Giữa đại dịch Cô Vy đang bùng phát toàn cầu, thì ngày Mùng Ba tháng Ba hôm nay (Thứ Năm, 26/3/2020), nhiều đền phủ vẫn tổ chức lễ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hệ thần Liễu Hạnh trong phạm vi rất hạn chế (ví dụ ở đây).

Các gia đình người Kinh vẫn theo tục lệ từ xưa, làm bánh trôi bánh chay từ sáng, rồi tầm trưa thì dâng cúng ông bà tổ tiên. Điện thoại từ sáng sớm đã báo lịch "Tết Hàn thực" trên màn hình.

Ở vùng người Tày Nùng các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn như thường niên, có hoạt động tảo mộ (pái mo), nhưng nhìn nhanh cũng thấy là bớt đi phần vô tư của những năm trước. Mọi người không giấu đi được nỗi âu lo về Cô Vy.

06/03/2020

Quá trình số hóa của Việt Nam : sẽ quăng bỏ điện thoại cục gạch, phổ cập điện thoại thông minh giá 500.000đ

Mấy năm trước, trên Giao Blog, tôi đã đánh dấu rằng, bùng phát của điện thoại thông minh ở Việt Nam là vào khoảng năm 2012. Từ năm đó, ở tận vùng sâu vùng xa, như các huyện miền đông Cao Bằng yêu quí của tôi, các thanh niên đã dùng smart phone và dần thành thạo ứng dựng Facebook trên đó.

Năm 2014, có một dịp kì lạ trong đời, là tôi được trao đổi thông tin và tư liệu một cách dễ dàng tuyệt vời với các thanh niên ở vùng sâu vùng xa. Nhà dân tộc học đã không cần về tới tận thôn bản, mà có thể ngồi ở đâu trên quả địa cầu này, có được internet, là có thể xem truyền hình trực tiếp qua điện thoại thông minh về một lễ cúng bản hay hoạt động cấy cày nào đó (xem thêm ở đây).

Đó là một kỉ niệm mang tính đánh dấu quan trọng. Vì trước đó, chúng tôi chưa bao giờ có thể có được sự tiện lợi nhường ấy. Một sự tiện lợi mà lúc đầu sử dụng, bản thân tôi còn giật mình, tự hỏi lại chính mình: thật sự thế à ? Dĩ nhiên, hồi 2006-2009, ở khu vực thành thị, thì chúng tôi đã có thể họp qua mạng bằng Skype. Một nhóm có thể đang ở rải rác Tokyo, Hà Nội, Luân Đôn,... có thể trò chuyện trực tuyến qua Skype.

18/02/2020

Bài mới trong sách mới vừa ra lò : về Lã Văn Lô với dân tộc học Nga - Xô

Thật ra bài đã có từ 2017 (đọc lại ở đây).

Bây giờ thì sách mới ra, sau một quá trình hoàn thiện bản thảo tới mấy năm.

Hiện sách đang còn trên đường phát nhanh đến chỗ mình. Đến tối ngày 18/2 mới nhận được biên lai bưu điện gửi tới từ chủ biên qua e-mail.

Bởi vậy, tạm thời sử dụng mấy tấm ảnh đi mượn về để sử dụng ở mục 2.

06/11/2019

Mùa cưới 2019 trên quê hương biên viễn

Mùa cưới đã bắt đầu khởi động rồi.

Hôm nay, Thứ Tư ngày 6/11/2019 là một ngày nắng đẹp khắp miền Bắc. Vùng quê biên viễn đẹp lạ thường dưới nắng nhè nhẹ.

Đẹp hơn nữa là những đoàn rước dâu. Mọi thứ đều là mới tinh khôi. Ô đấy. Tất chân đấy. Chiếu đấy. Chị đấy và em đấy. Hàng lối và thứ tự vẫn giữ được phép tắc từ xa xưa. Có thể xem ảnh cưới của vùng này mấy năm trước, ở đây.

05/10/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : 520 năm đất Cao Bằng và môn độc "lày cỏ"

Cuối tuần này, Cao Bằng đang trong dịp các lễ lạt và hoạt động vui chơi kỉ niệm 520 năm thành lập tỉnh/trấn (1499-2019) và 50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019).

Mình thì chú ý đến môn thi "lày cỏ" - một môn thi đấu xuất phát từ trò chơi dân gian mang tính đặc trưng của Cao Bằng, mà phổ biến nhất là ở vùng người Tày Nùng.

Những ngày đầu tháng 10, rút cục thì do lịch cơ bản bị đổi bất ngờ, nên giờ này, mình không có mặt ở Cao Bằng được. Đành chỉ nhìn từ xa với sông Bằng cầu Hiến núi Vài.

17/08/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : Ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà với ngày toàn số Bảy (nhằm Thứ Bảy ngày 17 tháng 7 âm lịch)

Hôm nay là ngày Bảy. Lịch dương là 17/8/2019, còn lịch âm thì chậm đúng một tháng nên là 17 tháng 7. Lâu lâu mới có sự trùng hợp vậy.

Thêm nữa, hôm nay còn là Thứ Bảy.

Nên đầy đủ là Thứ Bảy ngày 17 tháng 7 âm lịch, tức 17 tháng 8 năm 2019. Toàn là số Bảy, nên là một ngày tiệc vô cùng nhân duyên của Ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà (Lào Cai). Trên đó, hôm nay, có tiệc Ông Hoàng Bảy.

Về Ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà, trên Giao Blog đã có những bài ngắn, như ở đây  (tháng 1 năm 2014) hay ở đây (tháng 11 năm 2017).

09/08/2019

Nông Viết Toại (1926 - ) nhà văn người Tày ở Bắc Cạn

Ngày hôm nay, có hội thảo về Nông Viết Toại. Một nhà văn độc đáo của núi rừng Việt Bắc. Mình đang còn đọc dở mấy cuốn sách cũ của ông.

Ông là bạn của cụ Ô Phúc Bình (có thể đọc về cụ Bình ở đây). Những người đã quá 90 nhưng cực kì minh mẫn, vẫn tham gia mạng xã hội như ai.

31/07/2019

Cúng cho "người đang sống", đúng hơn phải là cúng cho "hồn người đang sống"

Quan niệm của Tày Nùng hiện nay khác với Kinh. Cũng có thể là Kinh đã mất phong tục tiếp xúc với hồn người đang sống. Phong tục ấy chỉ còn thấy được ở người Tày Nùng.

Nên giới báo chí người Kinh thì thấy làm lạ.

Cũng bởi vậy mà chưa gọi đúng tên. Không phải "cúng cho người đang sống", mà thực ra phải là "cúng cho hồn người đang sống". Hồn, thì có hồn sốnghồn chết (ma quỉ). Mọi vật đều có hồn.

28/05/2019

Dấu vết vương triều Mạc ở khu vực Thác Bản Giốc (bài Nông Đình Đâu)

Chúng tôi đã du lãng, khi thì lướt nhanh trong một vài ngày, rồi thì khi ở lại nhiều ngày, tại khu vực Thác Bản Giốc. 

Từng năm đi qua. Mùa hè có, mùa đông có. Khi thì cố thủ trong làng bản, khi thì ra mướn nhà trọ ở vùng biên tiện cho đi đi lại lại. Khi thì theo quang gánh mà sang chợ bên kia, khi thì theo các thầy các bà đi cúng đi lễ các nơi bên này. Khi thì lên tận đỉnh cao núi thẳm, khi thì ngụp dưới suối. Khi lang bang trong những túp lều nhỏ, khi la cà ở các nhà giữa đồng không mông quạnh. 

Ví dụ đã kể nhanh ở đây hay ở đây.

Đó là vùng Thác Bản Giốc, vùng xã Đàm Thủy, vùng huyện Trùng Khánh.

06/04/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : lễ hội Thanh Minh "hai trong một" trên quê hương biên viễn

Năm nay, mình không có được điều kiện để về tham dự lễ hội Thanh Minh. Chỉ có thể ngắm nhìn từ xa vùng quê biên viễn.

Cách đây một năm, lần Thanh Minh trước, lúc mình về, thì trời mưa sướt mướt. Đang nhớ lại buổi cùng đi kiểm tra việc quét dọn đường làng ngõ xóm ở vài điểm cùng một nữ phó chủ tịch huyện và nam chủ tịch xã. Lúc ấy trời hơi tạnh một chút.

Năm nay, Thanh Minh gói gọn trong cái gọi "hai trong một". Một ngày hội mà thực hiện hai phần việc. Đại khái là như sau.

15/02/2019

Nhìn lên Ba Bể : nơi giao tranh Lê - Mạc ngày xưa và Lồng Tồng ngày nay

Bài của cụ Ô Phúc Bình ở Bắc Cạn - một tác giả đã 92 tuổi, hàng ngày vẫn viết bằng cả bút cả máy tính, vẫn chơi điện thoại thông minh, vẫn thường xuyên cập nhật Fb, vẫn tham gia cả công việc ruộng vườn ở thôn quê. Giao Blog đã giới thiệu về cụ ở đây.

Bài của cụ đăng trên tạp chí Văn nghệ Ba Bể số 1&2 năm 2019.

14/02/2019

Nghề rèn của người Nùng An vừa được đưa vào Danh mục DSVHPVTQG

Đợt mới này, có 17 di sản trên toàn quốc được công nhận - tức là được Bộ Văn hóa (nói tắt) đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia. Một trong số đó là Nghề rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng.

Đến hiện tại, tỉnh Cao Bằng có hai di sản quốc gia trọng yếu, là chuông Đà Quận (chùa Viên Minh) và nghè rèn Nùng An (xã Phúc Sen), thì với tôi, đều là gắn bó thiết thân.

03/02/2019

Tết 25 năm trước qua ảnh, ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc (ống kính Bruno Barbey)

Nhiều năm trước, đã chiêm ngưỡng những ảnh do nhiếp ảnh gia Bruno Barbey bấm máy ở vùng Đông Bắc vào đầu năm 1994 (xem lại ở đây). Nhờ bộ ảnh đó, vào các năm 2014-2017, chúng tôi đã thực hiện một số khảo sát nho nhỏ và thú vị (sẽ công bố vào một dịp nào đó).

Bây giờ là xem các ảnh chụp vào Tết năm đó, năm 1994, ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc của Bruno Barbey.

15/12/2018

Văn nghệ Thứ Bảy : em May người Nùng gốc Nhật đi giúp nông dân Việt hơn 20 năm qua

Về cô bạn Mayu, mà hình như quen được gọi là "em May" hay "chị May", thì đã có một ít bài báo đưa về Giao Blog từ trước, ví dụ xem ở đây (tháng 4 năm 2016).

Tên quen dùng là May. Còn tên thật là Mayu. Gọi theo lối Nhật Bản (gọi bằng họ) thì là Ino. Tức tên đầy đủ theo lối viết chính thức là Ino Mayu.

Ino là học sinh sau đại học của Khoa Xã hội học - Đại học Hitosubashi (Nhật Bản). Em đã đi điền dã dài hạn ở làng xã người Nùng An thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, đã học và nghe nói được tiếng Nùng An. Luận văn thạc sĩ của em là về việc trồng rừng của người Nùng An từ góc nhìn dân tộc học - xã hội học. Đã trình bày khoảng năm 2002.

Từ sau đó, thì em dồn toàn bộ sự tâm sức vào nông nghiệp hữu cơ. Ở Việt Nam, đi khắp ba miền, trong rất nhiều chương trình giúp nông dân Việt, từ đó đến giờ.