Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/08/2017

Văn nghệ Thứ Bảy : những trái sung chín dâng lên ban Phật

Những trái Ichi-jiku nho nhỏ xinh xinh gắn với những năm tháng làm điều tra điền dã dân tộc học dài hạn ở nông thôn Nhật Bản của tôi. Đó là những năm đầu thế kỉ 21. Chúng tôi tạm gọi Ichi-jiku là "sung Nhật Bản".

1. Những hộ trồng sung, cứ đến mùa, là chuẩn bị nhiều hộp sung nho nhỏ. Hộp thì dâng lên ban Phật ở tư gia, hộp thì mang dâng ban Phật trong chùa, hộp thì mang lên ngôi đền thờ thần làng, nhiều hộp thì để biếu hàng xóm xung quanh và anh em xa gần. Tất nhiên, đó là quà dâng và biếu, còn sau đó là xuất hàng cho phía người thu mua.

Cụ Nakaura (Naka-ura) luôn để phần một hộp cho tôi, vào mỗi mùa sung chín. 

Những năm tháng ấy, tôi hay vào vườn sung chơi và phụ giúp cụ. Đủ thứ chuyện trên đời, khi chúng tôi cùng tưới nước, tỉa lá, hay bắt sâu trong khu vườn sung ở dưới dốc lên đền của gia đình cụ. 

Hình ảnh những giàn sắt với những loạt sung xanh, rồi đến lúc sung chín, trong vườn nhà cụ Nakaura, đọng lại trong kí ức mãi xanh ở trong tôi.

Bây giờ, cụ Nakaura đã về bên kia thế giới. Cái vườn sung của cụ tựa như bị bỏ hoang. Người con trai cụ bảo với tôi vào mùa thu năm 2016: "Anh vẫn còn đi làm công ti, bao giờ về hưu rồi thì sẽ chăm cái vườn của ông cụ. Anh sẽ trồng sung. Em đến chơi nhé".

2. Mùa sung chín là vào dịp giữa tháng 8 dương lịch. 

Hôm nay, bất giác thấy một người ở vùng quê ấy vừa dâng một đĩa sung đúng mùa lên ban Phật ở trong nhà. Một ban Phật thường thấy ở các gia đình. Tổ tiên trong nhà đều trở thành Phật.

Dâng sung cho ban Phật là dâng lên cho ông bà tổ tiên, và cũng là cho những vị Phật. Ở đó, thấy một pho tượng nhỏ của ngài Nhật Liên - một nhà sư độc đáo, mở ra phái Nhật Liên trong Phật giáo Nhật Bản.

Ngày 19/8 năm 2017, dâng sung lên ban Phật


3. Lan man lại nhớ đến những trái sung trong vườn nhà của cụ Cường Để ở Tokyo, qua đọc hồi tưởng của lớp đàn anh. Cụ Cường Để đã mất năm 1951. Những cây sung trong vườn nhà vẫn được người vợ Nhật Bản của cụ, là cụ bà Ando, chăm sóc rất cẩn thận.

Năm 2001, anh Tôn Thất Phương kể lại chuyện bà Ando tặng anh một trái sung trong vườn nhà vào lần đầu anh tới gặp (trước năm 1975).

Tôn Thất Phương kể rằng (toàn văn đọc ở đây):

"
TRONG việc đi tìm tài liệu, tôi còn may mắn gặp được một người rất tử tế, đó là bà A.C.  Bà cụ là người "bạn đường" của cụ Cường Để (CĐ). Trên danh nghĩa, bà chỉ là một quản gia, nhưng thực tế không phải thế.  Bà gặp cụ lúc nào không rõ (vì bà không nói).  Dựa trên việc bà có đi Mãn Châu với cụ (và thủ tướng Inukai) vào năm 1930-31, có thể đoán được là bà đã gặp cụ nhiều năm trước đó.  Có lẽ việc bà đến với cụ cũng là do các chính trị gia Nhật sắp đặt.

Tại nhà bà, trước mặt tôi là một bà cụ tuy đã 80 nhưng vẫn còn ung dung phong độ, ăn mặc rất tề chỉnh.  Ngay từ phút đầu, tôi hiểu được xưa kia bà phải là một phụ nữ sắc bén và có khả năng. Bà có ra vườn hái cho tôi một trái ichijiku (fig), bảo rằng đọc là ichijiku nhưng viết là "vô hoa quả"…
"
Rồi, anh bâng khuâng nhớ lại chuyện ngày xưa, vào hồi năm 2001 (chỉ từ năm 2001 thôi, thì cách nay cũng đã hơn 15 năm rồi còn gì):

"
Có lẽ phần đối thoại nhiều nhất giữa bà cụ với tôi đã là phần im lặng. Cuộc đời chính trị của cụ CĐ quá tế nhị, cho nên có nhiều điều cả bà cụ lẫn tôi đều không nói ra được những nhận định của mình, chỉ biết im lặng mà hiểu.  Những suy nghĩ của cụ đơn thuần quá, nhưng cá nằm trong thớt, ai cho kén chọn vàng thau?  Thành ra kết quả là cụ phải chịu đi theo những điều người khác đưa đẩy tuy trong lòng không muốn, và gánh chịu những cái hậu quả tất nhiên phải tới.  Nhưng trên mặt tình mà nói, có thể bảo là thấy thương cụ hơn là giận mà phê phán.  Cho nên cả bà cụ lẫn tôi đều thấy không có gì hơn một sự im lặng để hiểu ngầm.

Tôi vẫn mong có dịp trở lại Tokyo để có thể đi thăm mộ bà cụ. Bao giờ tôi cũng vẫn nhớ trái ichijiku mà bà cụ đã cho, khi mới gặp lần đầu.  
"
Đúng vậy, đúng như lời cụ Ando đã nói với Tôn Thất Phương, trong tiếng Nhật, đọc thì là ichi-jiku, nhưng lại viết bằng ba chữ Hán là vô hoa quả. Không có hoa, và cũng không có cả quả. Mà cũng là thứ quả mà không có hoa ! Suy luận vui vậy. Đằng sau câu chuyện của Tôn Thất Phương, tôi mường tượng thấy một nụ cười của cụ bà Ando - một người phụ nữ chắc là rất sắc sảo và hóm hỉnh.

4. Bây giờ, thử lướt xem một ít ảnh về sung Nhật Bản.

Tất cả là ảnh của Fb.

Giàn sắt, và khi còn xanh:













Bắt đầu chín:





Thành phẩm:











2 nhận xét:

  1. Nhìn lá và quả, thì không thể gọi là sung, như quả sung VN. Tôi nghĩ cũng là họ sung, nhưng đúng ra nên gọi quả Vả. Hồi bé rừng còn nhiều, tụi tôi tìm được những quả vả to hơn nhiều và trong ruột có thứ nược đặc sánh, ngọt như mật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, quả này khác với "sung Việt Nam". Vị "sung Việt Nam" thiên về chát, còn quả này thiên về ngọt.

      Từ trước đến nay, Giao Blog vẫn tạm gọi là "sung Nhật Bản".

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.