Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/10/2016

Thêm một lời bình từ Việt Nam cho bài "Blowin' in the Wind"

Đã điểm tin về bài hát này, và tác giả của nó, vào hôm qua, ở đây.

Bây giờ là thêm một lời bình. Của anh Đỗ Hải Phong - hiện là đương kim chủ nhiệm Khoa Văn của một trường đại học ở Hà Nội.

Tôi thường chỉ thấy anh Phong đọc sách tiếng Nga, nói chuyện du học ở Nga. Hôm nay anh nói về nước Mĩ.

Lấy nguyên về từ Fb ĐHP.



---

"

Đã đến lúc văn chương trở về với dạng thức tồn tại nguyên thủy của nó. Nó phải được ngân lên, được hát lên, cộng hưởng với người tiếp nhận, để khắc chế thế giới đang rã ra thành những mảnh vụn.


Giải Nobel văn học 2016 được trao cho huyền thoại âm nhạc của thế kỷ XX - XXI Bob Dylan (Robert Allen Zimmerman - sn 24.5.1941). 



"Bob Dylan vĩnh cửu" - người luôn đổi mới chính mình, cũng là luôn hướng về khởi nguồn, vừa hiện đại, vừa dân dã, vừa có sức lan tỏa với tính thời sự xã hội rộng lớn, lại vừa có thể thầm kín thiết tha riêng tư...



Từ đầu những năm 1960, trước khi nổi tiếng khắp thế giới, những chàng trai The Beatles từng học theo thiên tài Dylan mở đề tài sáng tác rộng ra những vấn đề xã hội. Ông hoàng rock and roll Elvis Presley, không giấu diếm sự ngưỡng mộ, từng hát lại một vài ca khúc của Bob Dylan. Trong khi, Dylan thực ra còn ít tuổi hơn cả John Lennon, cả Ringo Starr, và tất nhiên không thể coi là cùng trang lứa với Elvis Presley...



Giải Nobel mấy năm gần đây quan niệm văn học bao gồm tất cả những gì mang tính văn chương, có chất văn.



Chất văn của nhạc sĩ, ca sĩ, đồng thời là cả nhạc công Bob Dylan có lẽ không hẳn chỉ thể hiện ở sự sâu sắc và những kết hợp âm thanh đặc biệt của ca từ. 


Chất văn tồn tại chính trong âm nhạc và giọng hát không ngừng mới mẻ của người nhạc sĩ, ca sĩ vĩ đại này.

Với mỗi một đoạn đời, một album nhạc, Bob Dylan lại gây sốc cho người hâm mộ bởi nhạc sĩ, ca sĩ dường như không còn như trước đó, không trùng khít với chính mình, luôn đổi thay để làm mới chính mình. 35 album âm nhạc là 35 lần đổi thay, thành bại. 

Tháng 5 năm 2016 album Fallen Angels ra đời trước thềm giải Nobel vẫn tiếp tục bắt người ta phải ngỡ ngàng làm quen với một Bob Dylan mới... 

Nhắc đến Bob Dylan, tôi luôn nhớ đến ấn tượng của mình về bài hát "Blowin' In The Wind" từ album “The Freewheelin’ Bob Dylan” (1962). Bài hát được giải Grammy năm 1999, và được tạp chí "Rolling Stone" đưa vào vị trí thứ 14 trong 500 bài hát bất hủ của mọi thời đại. Bob Dylan kể rằng khi sáng tác bài hát này (chỉ trong nửa tiếng) ông đã tận dụng giai điệu bài ca dân gian cổ No More Auction Block (For Me) của những người da đen Canada mà ông nghe được qua trình diễn của The New World Singers trong tầng hầm Gerde’s Folk City. Mùa thu năm 1997, trước hơn hai ngàn giáo dân ở Bologna, giáo hoàng Joan Pavel II từng có một buổi giảng đạo dựa trên tinh thần chính của bài hát này. Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng bài hát mang trong nó motif Do thái giáo, motif Cựu ước có lẽ bắt nguồn từ gốc gác gia đình Bob Dylan. Chính Bob Dylan thì chỉ nhấn mạnh lại điệp khúc của bài hát: 
"Tôi chẳng có gì đặc biệt để nói về bài hát này, ngoài "câu trả lời trong cơn gió thoảng". Không phải trong sách, trong phim, trong show truyền hình hay nhóm lợi ích. Nó ở trong gió - trong cơn gió thoảng. Quá nhiều người hiểu biết mọi điều giảng giải cho tôi phải tìm lời đáp ở đâu, tôi không tin. Tôi vẫn cứ nói rằng nó ở trong cơn gió thoảng, và nó như những chiếc lá bất an, thế nào cũng có lúc đáp xuống mặt đất. Nhưng vấn đề duy nhất lại là ở chỗ không ai nhặt lời giải đáp ấy lên khi nó rơi xuống đất, vì thế mà chỉ rất ít người có khả năng trông thấy và thấu hiểu... và lời đáp lại bay đi..." 

Blowin' In The Wind

- Bob Dylan -

How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, how many times must the cannon balls fly
Before they're forever banned?
The answer my friend is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind.

Yes, how many years can a mountain exist
Before it's washed to the sea?
Yes, how many years can some people exist
Before they're allowed to be free?
Yes, how many times can a man turn his head
Pretending he just doesn't see?
The answer my friend is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind.

Yes, how many times must a man look up
Before he can see the sky?
Yes, how many ears must one man have
Before he can hear people cry?
Yes, how many deaths will it take till he knows
That too many people have died?
The answer my friend is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind.



Một người phải trải nghiệm bao nhiêu đường đất
để được gọi là người từng trải?
Phải rồi, con bồ câu trắng phải vượt qua bao nhiêu biển cả
để được thiếp đi trên dải cát mềm?
Phải có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân được phóng ra
trước khi vĩnh viễn bị người ta cấm chỉ?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, trong cơn gió thoảng,
Câu trả lời trong cơn gió thoảng. 

Ngọn núi có thể sừng sững bao nhiêu năm
trước khi chìm sâu đáy biển?
Phải rồi, một số người có thể phải bao nhiêu năm tồn tại
trước khi được tự do?
Bao nhiêu lần con người có thể phải ngoảnh mặt làm ngơ
vờ như không thấy điều ngang trái?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, trong cơn gió thoảng,
Câu trả lời trong cơn gió thoảng.

Bao nhiêu lần con người phải nhướng mãi lên cao,
để thấy được bầu trời?
Phải rồi, một người phải có bao nhiêu thính giác, 
để nghe thấu điều thiên hạ khóc than?
Bao nhiêu cái chết phải diễn ra, 
để người ta hiểu được quá nhiều người đã chết?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, trong cơn gió thoảng,
Câu trả lời trong cơn gió thoảng.

"
https://www.facebook.com/dhaiphong/videos/vb.1010222513/10208817421605430/?type=2&theater



















---

BỔ SUNG

1.


Ngẫu hứng cùng Bob Dylan
10/04/2011 22:05 GMT+7
TTO - Hơn 5000 khán giả đã hòa mình vào không khí hội hè theo đúng ý nguyện của hiện tượng văn hóa - âm nhạc Mỹ Bob Dylan trong đêm nhạc độc nhất vô nhị của ông vào tối 10-4 trong không gian thoáng mát của sân vận động ngoài trời của trường ĐH RMIT (Q.7, TP.HCM).

Ngẫu hứng cùng Bob Dylan Phóng to
Bob Dylan đang hát "solo" - Ảnh: T.T.D
Ngẫu hứng cùng Bob Dylan Phóng to
Toàn cảnh khán giả đang chăm chú xem Bob Dylan biểu diễn - Ảnh: T.T.D
Video clip "Ngẫu hứng cùng Bob Dylan" - Nguồn: TVO
Không khí vui vẻ và “nóng” ngay từ phần mở màn với nhạc Trịnh. Riêng Bob Dylan cùng 5 thành viên của ban nhạc đã chơi rất ngẫu hứng, không theo một danh sách ca khúc sẵn có nào.
Vậy nên khán giả nhiều quốc tịch khác nhau, trẻ nhất là… vài tháng tuổi đến hơn 70 tuổi, cũng rất ngẫu hứng với những cách thưởng thức của riêng mình. Họ lắc lư, nhảy, hát theo, vỗ tay, hò reo, đứng hay ngồi bệt dưới cỏ hay thậm chí nằm dài để, vừa ăn uống vừa trò chuyện vừa xem, nghe lại những ca khúc một thời.
Vốn kiệm lời, Bob gần như chẳng nói gì trong suốt phần trình diễn gần 2 giờ đồng hồ, chỉ say sưa trình diễn bằng giọng hát và khả năng chơi guitar, harmonica, keyboard… qua gần 20 ca khúc.
Đến gần 21g mà khán giả vẫn còn khán giả đến hòa mình vào phần trình diễn của Bob Dylan và ban nhạc.
Càng về sau chương trình giọng ca sắp bước qua tuổi 70 hát và diễn càng sung sức. Âm nhạc của Bob Dylan cùng phần chơi nhạc sống đầy phấn khích và điệu nghệ của ban nhạc, dàn âm thanh tiêu chuẩn, đồ ăn thức uống tràn đầy… làm hầu hết khán giả cảm thấy hài lòng.
Ngẫu hứng cùng Bob Dylan Phóng to
Bob Dylan hát và trình diễn harmonica - Ảnh: T.T.D
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/am-nhac/20110410/ngau-hung-cung-bob-dylan/432944.html





Tôi đã chỉ thấy ca sĩ Bob Dylan

12/04/2011 17:24 GMT+7
TTO - Nếu ai đó giả tưởng “hai ông Bob Dylan và Trịnh Công Sơn “sẽ gặp nhau” tối chủ nhật 10-4 tại TPHCM”, ắt sẽ phải không nhận ra một Bob Dylan - nhạc sĩ phản kháng mà chỉ gặp một Bob Dylan - ca sĩ rất tuyệt vời ở tuổi 70.

Tôi đã chỉ thấy ca sĩ Bob Dylan Phóng to
Bob Dylan đang hát "solo" - Ảnh tư liệu
Thật vậy, không còn nghe những ca khúc phản kháng (protest songs) tiêu biểu của một Bob Dylan ngày nào còn rất “nghiệp dư” quay lại hỏi “Cho tôi cái mediator” (khảy đàn) ở Newport Festival 1963 nữa. Những ai chờ đợi ca khúc “Blowin’ in the Wind” để đời, đã tiu nghỉu không nghe ca sĩ Bob Dylan hát lại những bai hát phản kháng “bất tử”, nhất là trong những ngày này khi mà ngày ngày cứ phải chứng kiến nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi cứ tuôn nước bị nhiễm xạ ra biển, cùng bao điều ô trọc khác! Bob Dylan 2011 không còn hát “Blowin’ in the wind” nữa:
Yes, how many years can a mountain existBefore it's washed to the sea? Yes, how many times can a man turn his head Pretending he just doesn't see?
(Một ngọn núi phải trơ cùng tuế nguyệt mất bao nhiêu năm Trước khi bị nước cuốn ra biển? Người ta phải ngoảnh mặt bao nhiêu lầnĐể ra vẻ như không nhìn thấy gì…)
Video clip "Ngẫu hứng cùng Bob Dylan" - Nguồn: TVO
Chiến tranh đã ở đằng sau lưng quá lâu rồi để ca sĩ Bob Dylan phải tìm về với con người phản kháng năm nào! Bob Dylan mà người ta đã nghe hát và biểu diễn tối 10-4 là một Bob Dylan rất tuyệt vời của thế giới show-biz, kinh doanh biểu diễn. Một ca sĩ giọng mũi (nasillard) vẫn còn hát rất “khỏe”.
Một Bob Dylan 50 năm trời vừa đàn, vừa hát, vừa thổi harmonica tối nay đã “giải thích” làm thế nào làm được điều đó: hát xong câu nhạc, tay đưa ngay cây khẩu cầm lên môi luyến láy. Một Bob Dylan 50 năm sau quá vững vàng ở vị trí organ không chỉ để “lèng èng” đệm gam, mà để réo rắt “phối ngẫu” tiếng đàn organ với tiếng hát của mình ở những đoạn mà tiết tấu cứ “đều đều”.
Những ai ở thành phố này, mấy năm gần đây mới làm quen với Leonard Cohen, một giọng “ồ ề” khác tương tự cùng lứa với Bob Dylan, nhất định sẽ thấy sao hai ông ày có cái kiểu ca hát giống nhau thế! Một Bob Dylan guitarist với kỹ thuật đàn guitar điện “công phu” hơn nhiều so với cách đây 46 năm khi buông cây đàn thùng của thưở ban đầu để cầm lấy cây guitar điện chơi bài “Like a rolling stone”.
Ban nhạc tối nay của Bob Dylan quả là một “hình mẫu” của đội hình (line-up) nhạc rock với đủ ba cây guitar chứ không loại bỏ cây rhythm guitar thay bằng cả một lô hai, ba cây keyboards như sau này, do không đủ “công lực” để từng cây guitar có được “tiếng nói” riêng! Ban “kích động nhạc” ấy đã chơi rất “giựt gân”, thôi thúc cử tọa thôi tọa dưới đất, mà đứng dậy lắc theo.
Và cũng để cảm nhận ra rằng đúng là Bob Dylan từ lâu đã thôi chơi theo phong cách nhạc folk nhẹ nhàng rồi như ông đã từng thừa nhận “Tôi không bao giờ xem tôi là một ca sĩ hát nhạc folk (“I never saw myself as a folksinger”)! Không còn là “người hát rong” (một troubadour của thời Trung cổ) với cây đàn thùng “mộc” nữa, mà là một tay rocker thứ thiệt của công nghiệp showbiz, đã lên sân khấu là phải ‘hái ra tiền”!
Thật vậy, làm thế nào mà một ông lão, tháng 5 tới tròn 70 tuổi, lại có thể đứng vững trên đôi chân của mình, nhịp chân, lắc người, đàn hát suốt từ đầu đến đuôi trong gần 2 giờ không nghỉ? Nói xin lỗi, không thể dục, thể thao, đố đứng nhịp chân suốt 2 giờ mà không bị vọp bẻ! Cơ bản là không “trác táng bê tha” và rèn luyện thân thể!
Bởi thế, sau năm phút vào hậu trường rồi quay ra chơi tiếp, một thủ thuật sân khấu gọi là để cho khán giả mời trở lại hát tiếp, Bob Dylan mới hát thêm hai bài “vô thưởng, vô phạt” ngày xưa, “Like a rolling stone” và nhất là “Forever young” (Trẻ mãi) như là thông điệp duy nhất: nhờ vậy mà tui trẻ mãi không già đó nhe!
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/am-nhac/20110412/toi-da-chi-thay-ca-si-bob-dylan/433202.html




2.


"



John C. Schafer rất có lý khi so sánh Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Cả hai đều làm thơ rất hay trên lời nhạc, nói như Văn Cao cả hai đều "hát thơ" rất tuyệt vời. Họ đều nổi tiếng thời chống Mỹ, đều là nhạc sĩ phản chiến. Trịnh Công Sơn ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo còn Bob Dylan ảnh hưởng sâu đậm Kito Giáo. Khác nhau duy nhất là Bob Dylan được giải Nobel còn Trịnh Công Sơn thì không.Ưu thế của tiếng Anh, yếm thế của tiếng Việt.

"
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1688442681471634&set=a.1387706811545224.1073741828.100009177554237&type=3&theater




3.


Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học
Sewell Chan - Ben SisarioThe New York Times ngày 13/10/2016
Hồng Anh dịch

Ca sĩ, nghệ sĩ sáng tác ca khúc Bob Dylan, một trong những nhạc sĩ nhạc rock có ảnh hưởng nhất thế giới, được trao tặng giải Nobel Văn học vào hôm thứ Năm vì “đã sáng tạo nên những biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”, trích lời Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Ông là người Mỹ đầu tiên thắng giải kể từ năm 1993, sau tiểu thuyết gia Toni Morrison. Thông báo từ Stockholm đã gây ngạc nhiên khi sáng tác của ông không nằm trong danh sách các thể loại văn học là tiểu thuyết, thơ ca và truyện ngắn theo ghi nhận truyền thống của giải thưởng, dù khả năng thắng giải của Dylan, 75 tuổi, cũng ít nhiều được nói đến.
“Tác phẩm của Dylan hoàn toàn thiếu vắng tính quy ước, ngón đạo đức và thứ nhạc pop là món ăn tinh thần thông thường với khán thính giả”, trích từ bài viết trên mục Ý kiến trái chiều của The New York Times năm 2013 của phóng viên Bill Wyman, cho rằng Dylan xứng đáng nhận giải thưởng. “Tính trữ tình trong sáng tác của ông thật tinh tế, mối bận tâm và những chủ đề ông đề cập đến là phi thời gian, và nhiều nhà thơ qua mỗi thời kì đều nhận thấy nhiều hơn tầm ảnh hưởng này trong sáng tác của mình”.
Sara Danius, nhà nghiên cứu văn học và là thư ký thường trực của 18 thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi trao tặng giải thưởng, đã gọi Dylan là “một thi sĩ vĩ đại trong truyền thống Anh ngữ” và so sánh ông với Homer và Sappho, tác giả của những sáng tác truyền miệng. Khi được hỏi về quyết định trao thưởng cho một nhạc sĩ như là tín hiệu của việc mở rộng biên độ khái niệm văn học, bà Danius đã đùa rằng: “Thời gian là đổi thay, có lẽ vậy”, từ lời một bài hát của Dylan.

Dylan nổi lên trong bối cảnh âm nhạc New York năm 1961 như một nghệ sĩ theo bước truyền thống âm nhạc của Woody Guthrie, hát những bài phản kháng và khảy guitar cổ điển trong các câu lạc bộ và hộp đêm ở Greenwich Village. Nhưng ngay từ đầu, Dylan đã phản đối những lời nhạc hoa mỹ và phong cách sáng tác bất quy phạm của ông đã làm mê hoặc giới nghệ sĩ và nhà phê bình. Năm 1963, nhóm nhạc dân ca Peter, Paul và Mary leo lên vị trí số 2 bảng xếp hạng Billboard thể loại pop với ca khúc “Blowin’ in the Wind” do Dylan sáng tác, với những đoạn điệp khúc mờ nghĩa làm gợi lên lời Thánh Kinh.
Trong nhiều năm, Dylan đã xáo trộn chính ý niệm nhạc dân gian (folk music) bằng những bài hát phức tạp hơn và chuyển sang hơi hướng rock ’n’ roll nhiều hơn. Năm 1965, ông chơi cùng một ban nhạc rock điện tử tại Newport Folk Festival, làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng chơi nhạc folk thuần túy, họ buộc tội ông đã phản bội lại dòng nhạc này.
Sau báo cáo về vụ tai nạn mô-tô năm 1966 gần nhà ông ở Woodstock, N.Y., Dylan rút lui khỏi đời sống cộng đồng nhưng vẫn tích cực hoạt động trong vai trò người sáng tác ca khúc. Sự nghiệp của ông tiếp tục khiến người hâm mộ và các nhà phê bình ngạc nhiên và trở thành một trong những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm được phân tích mổ xẻ nhiều nhất trong lịch sử nhạc pop.
Album “Blood on the Tracks” năm 1995 của ông được xem như là tác phẩm mãnh liệt nhất nói về một mối quan hệ tan vỡ, nhưng chỉ bốn năm sau, bối cảnh Thiên Chúa giáo trong “Slow Train Coming” đã gây tranh cãi trong giới phê bình. Hai album gần nhất của ông là hát lại những bản nhạc pop truyền thống của Frank Sinatra.
clip_image002
Từ năm 1988, Dylan thực hiện các chuyến lưu diễn mải miết, truyền cảm hứng để đặt thành tên gọi không chính thức cho hành trình âm nhạc của ông, “Hành trình bất tận” (the Never Ending Tour). Tuần trước, ông tổ chức hai buổi biểu diễn lần đầu tiên tại Desert Trip, một lễ hội ở Indio, Calif. với sự tham gia của ban nhạc The Rolling Stones, Paul McCartney và những ngôi sao khác của thập niên 1960.
Dylan sinh ngày 24 tháng Năm năm 1941 tại Duluth, Minn., và lớn lên tại Hibbing. Ông chơi trong những ban nhạc thanh thiếu niên, chịu ảnh hưởng từ nhạc sĩ dòng nhạc dân gian Woody Guthrie, các tác giả thuộc Thế hệ Beat (Beat Generation) và những nhà thơ hiện đại.
Dylan, tên thật là Robert Allen Zimmerman, theo Kitô giáo và đã phát hành một số album mang cảm hứng sáng tác từ tôn giáo, nhưng ông lại sinh ra trong một gia đình Do Thái.
Nhà phê bình Greil Marcus, một trong những học giả đầu tiên nghiên cứu sáng tác của Dylan, đã xem xét tầm ảnh hưởng từ tác phẩm “Hợp tuyển nhạc dân gian Mỹ” của Harry Smith, một công trình biên soạn năm 1952 đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phục hưng dòng nhạc dân gian Hoa Kỳ, đến âm nhạc của Dylan. Dylan nghe thấy tác phẩm này lần đầu tiên sau khi ông bỏ học ở Đại học Minnesota.
Năm 1962, Dylan ký hợp đồng với nhà sản xuất âm nhạc John Hammond cho album đầu tay “Bob Dylan”. Ông chỉ mới 22 tuổi khi trình diễn tại sự kiện Jobs and Freedom ở Washington vào tháng Ba, hát “When the Ship Comes In” với Joan Baez và “Only a Pawn in Their Game”, bài hát kể lại chuyện tên sát nhân đã giết chết nhà hoạt động nhân quyền Medgar Evers, trước lúc Cha Martin Luther King đọc diễn văn “Tôi có một ước mơ” (I Have a Dream).
Giles Harvey viết trên The New York Review of Books năm 2010, “Tiếp theo những năm 60, Dylan cảm thấy ngày càng bối rối với những lời hô hào sùng tín và phái tả khuynh giáo điều trong bầu không khí nhạc dân gian”. Ông “bắt đầu viết loại thơ vô nghĩa hư ảo, trong đó nước Mỹ xù xì, thô tục, hỗn loạn của dòng nhạc dân gian truyền thống va chạm với toàn thể đặc tính phi thực từ lịch sử, văn học, truyền thuyết, Kinh thánh, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa.
David Hajdu, một nhà phê bình âm nhạc của tờ The Nation từng viết những bài khái quát về Bob Dylan và những người cùng thời ông, nói rằng sự công nhận từ giải Nobel là quá chậm chạp và có thể có dụng ý nằm trong kế hoạch vinh danh hoạt động âm nhạc Mỹ trong bối cảnh rộng lớn hơn, trong đó Dylan là nổi bật.
“Phần nào đó thì đây là sự công nhận toàn bộ truyền thống mà Dylan đại diện, vậy là phần nào đó nó cũng là phần thưởng dành cho những người đi trước Robert Johnson và Hank Williams và Smokey Robinson và the Beatles”. Ông Hajdu phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm. “Người ta nên nghiêm túc nhìn đây như một hình thức nghệ thuật của một thời kì dài trước đó”.
Khi trao tặng giải Nobel Văn học đến Bob Dylan, ủy ban Nobel có thể đã nhận thấy rằng khoảng cách giữa các loại hình nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật thương mại đã thu hẹp.
“Là văn học, mà là âm nhạc, là trình diễn, nghệ thuật, mà cũng có tính thương mại cao”, ông Hajdu cho biết. “Những phạm trù cũ về nghệ thuật cao cấp và thấp kém đang sụp đổ theo thời gian, nhưng bây giờ thì nó trở nên chính thức”.
Nhiều album của Dylan đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển mô tả là có “tác động to lớn đến nền âm nhạc đại chúng”, gồm  “Bringing It All Back Home” và “Highway 61 Revisited” (1965), “Blonde On Blonde” (1966) và “Blood on the Tracks” (1975), “Oh Mercy” (1989), “Time Out Of Mind” (1997), “Love and Theft” (2001) và “Modern Times” (2006).
“Dylan đã thu âm một số lượng lớn album xoay quanh các đề tài như hoàn cảnh xã hội của con người, tôn giáo, chính trị và tình yêu”, Viện Hàn lâm Thụy Điển phát biểu trong bản tiểu sử kèm theo thông báo. “Lời nhạc liên tục được xuất bản trong những ấn bản mới, dưới tiêu đề “Lyrics”. Là một nghệ sĩ, ông rất uyên bác; ông hoạt động như một họa sĩ, diễn viên và nhà viết kịch bản”.
Viện Hàn lâm nói thêm: “Kể từ cuối thập niên 1980, Bob Dylan đã tổ chức các tour lưu diễn liên tục với tên gọi “Never-Ending Tour” (Hành trình bất tận). Dylan là một biểu tượng. Sức ảnh hưởng của ông đối với âm nhạc đương đại là rất sâu sắc, và ông là đối tượng trong một dòng chảy đều đặn của dòng văn học phái sinh.
Bên cạnh những album âm nhạc, Dylan còn tạo ra các tác phẩm thể nghiệm như “Tarantula”, một tuyển tập thơ văn xuôi năm 1971, “Văn chương và hội họa” (“Writings and Drawings”), một công trình biên soạn năm 1973. Ấn bản tự truyện đầu tiên của ông, “Biên niên ký” (“Chronicles”) xuất bản năm 2004, thuật lại những năm đầu khi ông chuyển đến New York vào năm 19 tuổi.
Dylan đã đạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm Grammy, Oscar và Quả Cầu Vàng; tên tuổi ông được đưa vào Đại sảnh Danh Vọng Rock and Roll năm 1988 và được trao Huân chương Tự do năm 2012. “Từ năm 23 tuổi, tiếng nói đầy sức nặng, nội lực, và độc nhất của Bob đã xác định lại không chỉ khái niệm âm nhạc mà còn là thông điệp nó truyền tải và cách thức con người cảm thụ”, lời phát biểu của Tổng thống Obama trong buổi lễ tại Nhà Trắng. “Hôm nay, tất cả mọi người từ Bruce Springsteen đến U2 đều nợ Bob lòng biết ơn. Không có ai phi thường hơn trong lịch sử âm nhạc Mỹ. Suốt những năm tháng sau này, ông vẫn sẽ theo đuổi âm thanh này, vẫn tìm kiếm từng chút một chân lí. Và tôi phải nói rằng tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt thật sự”.
Giải Nobel mang đến 8 triệu cuaron Thụy Điển, tức hơn 900.000 đô la Mỹ. Giải thưởng văn học được trao cho sáng tác trọn đời thay vì một tác phẩm đơn lẻ.
http://vandoanviet.blogspot.com/2016/10/bob-dylan-thang-giai-nobel-van-hoc.html








Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học, sự định nghĩa lại những đường biên văn học
Ben Sisario, Alexandra Alter và Sewell ChanThe New York Times ngày 13/10/2016
Hồng Anh dịch

Nửa thế kỷ trước, Bob Dylan gây sốc cho nền âm nhạc thế giới khi chơi ghi-ta điện và làm lạ hóa dòng nhạc dân gian thuần túy. Qua nhiều thập kỷ, ông tiếp tục gây nên nhiều ngạc nhiên ngoài dự đoán khi hàng triệu đĩa nhạc được tiêu thụ với lối sáng tác phức tạp, bí hiểm.
Lúc này, Dylan, ông hoàng thi ca của kỷ nguyên rock, đã được trao giải Nobel Văn học, một vinh dự đưa ông vào hàng ngũ của T. S. Eliot, Gabriel García Márquez, Toni Morrison và Samuel Beckett.
Dylan, 75 tuổi, là nhạc sĩ đầu tiên thắng giải này, kết quả lựa chọn ông vào hôm thứ Năm có lẽ là chọn lựa cấp tiến nhất trong lịch sử trải dài kể từ năm 1901. Chọn một nhạc sĩ đại chúng để vinh danh cho vị trí cao quý nhất của văn đàn thế giới, Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi trao giải, đã bất ngờ định nghĩa lại những đường biên văn học, làm khơi dậy cuộc tranh luận về việc lời nhạc liệu có đồng đẳng về giá trị nghệ thuật với thể trữ tình và tự sự hay không.
Một số nhà văn nổi tiếng như Stephen King, Joyce Carol Oates và Salman Rushdie đã ca ngợi thành tựu văn chương của Dylan, gọi ông là “người truyền thừa lỗi lạc của truyền thống thi sĩ ca công cổ”, và nói thêm, “Một lựa chọn tuyệt vời”.
Nhưng những người khác đã gọi quyết định của Viện Hàn lâm là sai lầm và tra vấn liệu sáng tác ca khúc, dù xuất chúng đi nữa, có thể nâng cấp thành văn học được chăng.
“Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học thì cũng giống như Mrs. Fields được trao ba ngôi sao Michelin”, tiểu thuyết gia Rabih Alameddine đã viết như vậy trên Twitter. “Điều này gần như cũng ngớ ngẩn như trường hợp Winston Churchill”.
Jodi Picoult, một tiểu thuyết gia ăn khách, đã hỏi mỉa mai rằng: “Tôi hạnh phúc vì Bob Dylan, #NhưngĐiềuĐóKhôngCóNghĩaLàTôiCóThểThắngGiảiGrammy?”

clip_image002
Nhiều nhạc sĩ thì ca ngợi chọn lựa này với nỗi kinh ngạc. Trên Twitter, Rosanne Cash, nghệ sĩ sáng tác ca khúc và là con gái của Johnny Cash đã viết đơn giản là: “Ối trời ơi. Bob Dylan giành giải Nobel”.
Nhưng một số nhà phê bình thì nổi giận. Hai trang web định hướng giới trẻ, Pitchfork và Vice, cùng chạy các mục báo về vấn đề Dylan có phải là một lựa chọn thích hợp cho giải Nobel hay không.
Là tác giả của trường phái nhạc dân gian cổ điển và nhạc phản chiến với những bài như “Blowin’ in the Wind” và “The Times They Are a-Changin’ ” cũng như có nhiều sáng tác lọt vào Top 10 ca khúc nổi tiếng nhất như “Like a Rolling Stone”, Dylan là người thắng giải Nobel khác thường. Là người Mỹ đầu tiên đạt giải sau Morrison năm 1993, ông là đề tài cho giới nghiên cứu Oxford và được các tổng thống yêu quý.
Nhưng thay vì xuất hiện ở buổi họp báo chuẩn mực do một nhà xuất bản sắp xếp thì Dylan lại đang biểu diễn trong một nhà hát ở Las Vegas vào hôm thứ Năm. Trước buổi chiều muộn, Dylan không đưa ra bình luận nào về vinh dự này.
Dylan thường đưa vào rải rác trong âm nhạc của mình những ngụ ẩn văn chương và dẫn lại những ảnh hưởng thi ca vào lời nhạc, tham khảo Arthur Rimbaud, Paul Verlaine và Ezra Pound. Ông cũng đã xuất bản thơ và văn xuôi, gồm một tuyển tập năm 1971 “Tarantula” , và “Chronicles: Volume One”, hồi ký xuất bản năm 2004. Tuyển tập lời ca khúc do ông sáng tác từ năm 1961-2012 sắp ra mắt vào ngày 1 tháng Mười một do nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành.
Các học giả văn học đã tranh cãi dài hơi về lời nhạc của Dylan xem liệu có đúng là có chất thơ, và một công trình học thuật đáng ngạc nhiên đã dành để phân tích ngữ pháp trong nhạc của ông. “Ấn phẩm của Oxford về Thơ ca Mỹ” (The Oxford Book of American Poetry) có phân tích bài hát “Desolation Row” của ông theo bản phát hành năm 2006, và nhà xuất bản Đại học Cambridge đã in “Đồng hành cùng Bob Dylan” (The Cambridge Companion to Bob Dylan) năm 2009, gắn kết danh tiếng của ông vào lĩnh vực phong cách sáng tác văn chương như một nhà văn thiên tài.
Billy Collins, nhà thơ đã từng thắng giải thơ Mỹ, cho rằng Dylan xứng đáng được công nhận không phải chỉ như là người sáng tác ca khúc mà còn như là một nhà thơ.
“Hầu hết lời nhạc không thật sự đứng vững nếu không có âm nhạc và chúng không được đánh giá cao”, ông Collins phát biểu trong một bài phỏng vấn. “Bob Dylan ở trong số hai phần trăm những người viết lời ca khúc mà lời trên bản nhạc đã đủ hấp dẫn chứ không cần acmônica và ghi-ta và giọng hát đặc trưng của ông. Tôi nghĩ rằng ông đủ phẩm chất của một nhà thơ”.
Khi trao tặng giải Nobel Văn học cho Bob Dylan, Viện Hàn lâm có thể cũng nhận thấy rằng khoảng cách đã gần lại giữa nghệ thuật hàn lâm và các hình thức sáng tạo mang tính thương mại hơn.
“Là văn học, nhưng là âm nhạc, là nghệ thuật trình diễn, là nghệ thuật, và cũng có tính thương mại cao”, David Hajdu, nhà phê bình âm nhạc của tờ The Nation, người đã viết những bài khái quát về Bob Dylan và những người cùng thời ông, cho biết. “Các phạm trù cũ về nghệ thuật cao cấp và thấp kém đã sụp đổ theo thời gian, nhưng bây giờ thì nó đã chính thức diễn ra”.
clip_image004
Nhiều năm trước, các nhà văn và nhà xuất bản đã chỉ trích ngấm ngầm rằng giải thưởng thường được trao cho những tác giả ít người biết đến với thông điệp chính trị nhiều hơn là tính đại chúng. Nhưng lần này khi chọn người quá nổi tiếng và vượt xa những truyền thống văn chương được thiết lập cho đến nay, Viện Hàn lâm dường như đã rơi từ cực này sang cực khác, dành tặng danh tiếng cho một nghệ sĩ đại chúng vốn đã dư thừa điều này.
Đây không phải là lần đầu tiên định nghĩa về văn học bị kéo giãn. Năm 1953, Winston Churchill đã nhận giải thưởng, một phần như là sự ghi nhận những phẩm chất văn chương trong các diễn văn chính trị bay bổng của ông và “nghệ thuật diễn thuyết xuất sắc trong việc bảo vệ những giá trị cao quý của loài người”, theo Viện Hàn lâm. Và năm trước, nhiều người đã ngạc nhiên khi giải thưởng thuộc về nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich với thể tự sự được trình bày sâu sắc qua hình thức sử kể (oral history).
Trong lời trích dẫn, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công nhận rằng Dylan “đã sáng tạo nên những biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”.
Sara Danius, nhà nghiên cứu văn học và là thư ký thường trực của 18 thành viên Viện Hàn lâm – những người đã gọi Dylan là “một thi sĩ vĩ đại trong truyền thống Anh ngữ” và so sánh ông với Homer và Sappho, tác giả của những sáng tác truyền miệng – khi được hỏi về việc trao thưởng cho một nhạc sĩ như là tín hiệu mở rộng biên độ khái niệm văn học, bà Danius trả lời: “Thời đại luôn thay đổi, có lẽ vậy”.
Dylan, tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24 tháng Năm năm 1941 tại Duluth, Minn. Ông nổi lên trong bối cảnh âm nhạc New York năm 1961 như một nghệ sĩ theo bước truyền thống âm nhạc của Woody Guthrie, hát những bài phản kháng và khảy guitar cổ điển trong các câu lạc bộ và hộp đêm ở Greenwich Village.
Nhưng ngay từ đầu, Dylan đã phản đối những lời nhạc hoa mỹ và phong cách sáng tác bất quy phạm của ông đã làm mê hoặc giới nghệ sĩ và nhà phê bình. Năm 1963, nhóm nhạc folk Peter, Paul và Mary leo lên vị trí số 2 trên bảng xếp hạng Billboard thể loại pop với ca khúc “Blowin’ in the Wind” do Dylan sáng tác, với những đoạn điệp khúc mờ nghĩa làm gợi lên lời Thánh Kinh.
Trong nhiều năm, Dylan đã xáo trộn chính ý niệm nhạc dân gian (folk music) bằng những bài hát phức tạp hơn và chuyển sang hơi hướng rock ’n’ roll nhiều hơn. Năm 1965, ông chơi cùng một ban nhạc rock điện tử tại Newport Folk Festival, khiêu khích phản ứng của người hâm mộ, họ buộc tội ông đã phản bội lại dòng nhạc này.
Sau những báo cáo về vụ tai nạn mô-tô năm 1966 gần nhà ông ở Woodstock, N.Y., Dylan rút lui khỏi đời sống cộng đồng nhưng vẫn hoạt động tích cực trong vai trò người sáng tác ca khúc. Các học viện tại Tulsa, Okla trong năm nay đã thu thập hàng ngàn trang bản thảo trong quá trình sáng tác ca khúc của ông thành bản lưu trữ nhiều tập.
Album “Blood on the Tracks” năm 1995 của ông được xem như là tác phẩm mãnh liệt nhất nói về một quan hệ tan vỡ, nhưng chỉ bốn năm sau, bối cảnh Thiên Chúa giáo trong “Slow Train Coming” đã gây tranh cãi trong giới phê bình. Hai album gần đây nhất của ông là hát lại những bản nhạc pop truyền thống gắn với tên tuổi Frank Sinatra.
Từ năm 1988, Dylan lưu diễn liên tục, gợi hứng để đặt thành tên gọi không chính thức cho hành trình âm nhạc của ông, “Hành trình bất tận” (the Never Ending Tour). Tuần trước, ông có hai buổi biểu diễn đầu tiên tại Desert Trip, một lễ hội ở Indio, Calif. với sự tham gia của ban nhạc The Rolling Stones, Paul McCartney và những ngôi sao khác của thập niên 1960. Ông dự định trở lại vào thứ Sáu tức tuần thứ hai của lễ hội.
“Tiếp theo những năm 60”, Giles Harvey viết trên The New York Review of Books năm 2010, “Dylan ngày càng bối rối với những lời hô hào sùng tín và phái tả khuynh giáo điều trong bầu không khí âm nhạc dân gian”. Ông “bắt đầu viết loại thơ vô nghĩa hư ảo, trong đó nước Mỹ xù xì, thô tục, hỗn loạn của dòng nhạc dân gian truyền thống va chạm với toàn thể đặc tính phi thực từ lịch sử, văn học, truyền thuyết, Kinh thánh, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa.
Nhiều album của Dylan đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển mô tả là có “tác động to lớn đến nền âm nhạc đại chúng”, gồm “Bringing It All Back Home” và “Highway 61 Revisited” (1965), “Blonde On Blonde” (1966), “Blood on the Tracks” (1975), “Oh Mercy” (1989), “Time Out Of Mind” (1997), “Love and Theft” (2001) và “Modern Times” (2006). 38 album phòng thu của ông đã bán được 125 triệu bản trên khắp thế giới.
Viện Hàn lâm nói thêm: “Dylan là một biểu tượng. Tầm ảnh hưởng của ông đối với âm nhạc đương đại là rất sâu sắc, và ông đã phản ứng lại dòng chảy êm đềm của dòng văn học phi chính danh”.
Dylan đã đạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm Grammy, Oscar và Quả Cầu Vàng. Ông được vinh danh trong Đại sảnh Danh Vọng Rock and Roll năm 1988, thắng giải Pulitzer đặc biệt năm 2008 và được trao Huân chương Tự do của Tổng thống năm 2012.
Giải Nobel mang đến 8 triệu cuaron Thụy Điển, tức hơn 900.000 đô la Mỹ. Giải thưởng văn học được trao cho sáng tác trọn đời thay vì một tác phẩm đơn lẻ.
“Hôm nay, mọi người từ Bruce Springsteen đến U2 đều nợ Bob lòng biết ơn”, Tổng thống Obama phát biểu tại buổi lễ trao huân chương. “Không có ai phi thường hơn trong lịch sử âm nhạc Mỹ. Sau những năm tháng này, ông vẫn sẽ theo đuổi âm thanh này, vẫn tìm kiếm từng chút một chân lí. Và tôi phải nói rằng tôi thật sự là một người hâm mộ cuồng nhiệt”.
Đính chính: Ngày 13, tháng Mười , 2016
Do lỗi biên tập, trong một bản đã đăng, bài này đã dẫn không đúng tác giả của một bài viết năm 2013, cho rằng Bob Dylan xứng đáng nhận giải thưởng Nobel. Tác giả là Bill Wyman, một nhà báo, chứ không phải là người cùng tên, cựu thành viên ban nhạc Rolling Stones, chơi guitar bass.
http://vandoanviet.blogspot.com/2016/10/bob-dylan-thang-giai-nobel-van-hoc-su.html





4.




13/10/2016 23:08 GMT+7
TTO - Bất ngờ, sững sờ, sốc… là cảm xúc của một số nhà văn, nhà phê bình, độc giả Việt khi biết chủ nhân giải Nobel Văn chương năm nay là một ca nhạc sĩ: Bob Dylan.

Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel
Bob Dylan - Ảnh: Sony BGM
Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải thưởng Nobel Văn học 2016 là Bob Dylan. Nhạc sĩ, ca sĩ được trao giải vì những phát kiến của ông về biểu đạt thơ ca trong truyền thống âm nhạc đồ sộ của Mỹ.  
Trao Nobel Văn chương cho nhạc sĩ: Thật bất ngờ!
Mặc dù Bob Dylan được giải, nhưng giới văn chương Việt không vì thế mà quên đi những ứng viên Nobel khác như Philip Roth, Ngugi wa Thiong’o, Haruki Murakami… Những ứng viên này đang góp phần làm nên diện mạo văn chương thế giới đương đại.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết ông sững sờ, bất ngờ với giải Nobel năm nay:
“Bằng giải thưởng Nobel 2016, hình như Ủy ban Nobel muốn mở rộng một khái niệm văn học. Bob Dylan có thể là ca sĩ, nhạc sĩ, là người biểu diễn, nhưng nói ông là nhà văn thì thật khó nói. Cảm tượng tức thời của tôi về giải thưởng của tôi là như vậy”.
Anh Xuân Minh - Trưởng ban Bản quyền công ty sách Nhã Nam (đơn vị từng xuất bản tác phẩm của 17 nhà văn đoạt giải Nobel) - cho biết về phương diện cá nhân, anh không thích kết quả Nobel 2016 cho lắm.
“Không biết nói như nào nữa, tôi hoàn toàn bất ngờ với kết quả này. Vì tôi chưa bao giờ nghĩ giải Nobel văn chương lại trao cho một nhạc sĩ. Có lẽ rất nhiều người cùng chung cảm xúc như tôi” - anh Xuân Minh nói.
“Thất vọng”, “gây sốc” là hai từ mà nhà văn Uông Triều – Biên tập viên mảng Văn học Nước ngoài của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - nói về cảm giác của mình.
Uông Triều đồng quan điểm cho rằng ca từ trong ca khúc của Bob Dylan đẹp, phức tạp, có chiều sâu, có tính phản kháng, nhưng nếu vì thế mà trao giải thì Ủy ban Nobel "đã đi quá xa".
Theo Uông Triều, nếu muốn trao giải cho một nhà văn Mỹ, có nhiều người xứng đáng hơn, chẳng hạn như Philip Roth. Tuy tôn trọng kết quả của Ủy ban Nobel, xong nhà văn quân đội cũng tỏ rõ quan điểm:
“Xin nhắc lại, đây là giải Nobel Văn học, không phải Nobel âm nhạc. Âm nhạc đã có Grammy và các giải khác. Một so sánh, liệu Haruki Murakami có đoạt giải Grammy được không?”.
Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel
“Haruki Murakami viết rất nhiều về âm nhạc, liệu ông có được trao giải Grammy?” - Ảnh tư liệu
Anh Ngô Thanh Tuấn (ở Hội An), chủ nhân bộ sưu tập Sách Nobel với hơn 2.000 cuốn sách, vật phẩm về giải Nobel, thể hiện sự ngạc nhiên:
“Bob Dylan trong danh sách đề cử Nobel nhiều năm nay nhưng tỉ lệ cược cho ông quá thấp. Tôi không bao giờ nghĩ Bob được Nobel”.
Tuy vậy, anh Tuấn cho hay anh sẽ tìm mua thêm sách và tập nhạc của nhạc sĩ người Mỹ đưa vào bộ sưu tập Nobel của mình.
Xu hướng trao giải Nobel văn chương thay đổi
Tuy bất ngờ, song văn đàn Việt cũng đánh giá kết quả Nobel năm nay cho thấy tiêu chí trao giải của Viện Hàn lâm Thụy Điện đã đổi khác.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý là người biên tập cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: Như trăng và nguyệt (tác giả John C. Schafer) nhận xét:
“Trao cho Bob Dylan là sự thừa nhận xu hướng liên văn bản. Đó là nỗ lực Ủy ban Nobel khi tìm những đóng góp của thể loại không kinh điển của văn chương”.
Nhà văn Trương Quý phân tích, vài năm gần đây, giải thưởng Nobel văn chương mở rộng ra, không chỉ bó hẹp trong các thể tài kinh điển. Năm ngoái giải trao cho Svetlana Alexievich (người viết phóng sự, phi hư cấu), hay năm 2013 trao cho Alice Munro - tác giả chuyên viết truyện ngắn.
“Trước đây, cứ nói đến Nobel văn xuôi là trao cho người viết tiểu thuyết. Nhưng giải thưởng năm nay chính là câu chuyện tái định nghĩa văn học”.
Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel
Ba tác giả từ trái qua: Svetlana Alexievich, Bob Dylan, Alice Munro đều không nằm trong truyền thống của Nobel, thường trao cho nhà văn viết tiểu thuyết - Ảnh: N. Literature
Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu ban đầu tỏ ra bất ngờ, song bình tĩnh lại, anh thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển có lý khi trao giải cho Bob Dylan.
Bản thân Bob Dylan được biết đến như một nhạc sĩ, ca sĩ. Việc Ủy ban Nobel trao cho Bob là trao giải cho truyền thống từ khởi thủy của nhân loại: sự gắn bó chặt chẽ giữa âm nhạc và thi ca.
Để minh chứng cho sự gắn bó chặt chẽ giữa thi ca và âm nhạc, Trần Ngọc Hiếu lấy ví dụ trường hợp nữ nhà thơ Hy Lạp Sappho. Tác giả sống vào khoảng năm 630 - 570 trước Công nguyên sáng tác những khúc ca ca ngợi tình yêu, phụ nữ. Cho tới tận ngày nay, phần thơ của bà vẫn được lưu truyền, yêu thích.
“Thơ ca phải được hát lên như thế” - Trần Ngọc Hiếu nói.
Nhà nghiên cứu đánh giá về kết quả Nobel: “Tôi thấy việc trao cho Bob Dylan có phần thú vị. Định kiến của tôi là Nobel trao cho văn học cao cấp. Đây là lần đầu tiên giải trao cho văn hóa đại chúng (pop culture). Khi các "bậc trưởng thượng" Nobel nghiêng xuống văn hóa đại chúng khiến tôi phải nghĩ có lẽ văn hóa đại chúng kiến tạo văn hóa hiện đại”.
Giải Nobel năm nay có thể khiến giới nhạc sĩ nhìn nhận lại về ca từ, đó không chỉ là việc đặt lời cho nhạc, mà cần có ngôn từ có chiều sâu.
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu, ở Việt Nam có những nhạc sĩ xứng đáng được nghiên cứu về ngôn từ như bậc thầy đã khuất Trịnh Công Sơn hay lớp trẻ về sau này như Lê Cát Trọng Lý…
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161013/van-dan-viet-soc-va-ly-giai-chuyen-bob-dylan-doat-nobel/1187836.html





5.

Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học: một tiền lệ lạ lùng nhưng hợp lý

Thứ Năm, 13/10/2016 20:52

    (Thethaovanhoa.vn) - Tôi thoáng ngạc nhiên nhưng khi nghĩ kỹ thì thấy việc một nhạc sĩ như Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương cũng là việc… bình thường và thậm chí là … nên có!
    Bởi vì, xét cho cùng, mọi tác phẩm nghệ thuật luôn có đích đến là chạm vào tâm hồn con người mà những ca khúc của Bob Dylan chạm vào tâm hồn người nghe chủ yếu bằng ca từ của chúng.
    Tôi gọi ông là người ca - thơ trong âm nhạc Mỹ. Hầu hết những ca khúc ấn tượng nhất của Bob Dylan với tôi đều là những “bài thơ” tuyệt vời về thân phận con người và tình yêu. 

    Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh (trái) một nhạc sĩ như Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương cũng là việc… bình thường
    Ông Trịnh Công Sơn từng viết rằng: “Khi bạn muốn hát lên một bản tình ca thì đó là lúc bạn muốn hát về cuộc tình của mình”. Mỗi khi tôi chọn một ca khúc của Bob Dylan để nghe, đó là lúc tôi muốn tìm kiếm sự đồng cảm với tâm trạng hiện hữu lúc đó của tôi.


    Và còn cái gì khác, ngoài ca từ trong ca khúc đó nói giùm tôi những cảm xúc: vui/ buồn, mất mát/đủ đầy, hạnh phúc/bất hạnh
    Thực ra, tôi nghĩ rằng với gia tài những ca khúc của Bob Dylan, ông còn xứng đáng để được trao giải Nobel Hòa bình. Hãy thử nghe ca khúc này và ngẫm nghĩ lời của nó mà xem:
    How many ears must one man have.

    Before he can hear people cry?

    How many deaths will it take 'til he knows.
    That too many people have died?
    The answer, my friend, is blowin' in the wind

    Tạm dich:
    (Một người đàn ông cần phải cảm nhận những gì trước khi nghe thấy tiếng khóc của người khác? Phải có bao nhiêu sinh mạng mất đi để anh ta hiểu rằng đã có quá nhiều người đã chết. Câu trả lời ư, bạn của tôi ơi, nó đã cuốn theo chiều gió rồi).
    Ca khúc "Blowin' in the wind" này đã cất tiếng nói phản chiến đầy chất thơ như vậy, đây là ca khúc từng đứng thứ 14 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí âm nhạc lừng danh Rolling Stone xếp hạng.
    Hoặc thử đọc một đoạn lời ca khúc nổi tiếng khác của Bob Dylan:
    How does it feel

    How does it feel

    To be on your own
    With no direction home
    Like a complete unknown
    Like a rolling stone.

    Tạm dịch: 
    Cảm giác thế nào nhỉ? 

    Cảm giác ra sao nhỉ? 

    Khi bạn thui thủi một mình. 
    Không có nhà để về. 
    Như một kẻ vô danh. Như hòn đá cứ lăn…

    Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà…Tiếng thở dài của thân phận và tình yêu, tiếng thét bi thiết phản đối chiến tranh và tụng ca hòa bình đầy chất thơ đã đưa Bob Dylan đến đài danh vọng Nobel thì có gì lạ?
    Chúc mừng Bob Dylan và cảm ơn ủy ban trao giải Nobel vì đã mở ra một tiền lệ lạ lung nhưng hợp lý.
    Văn chương, đâu chỉ là tiểu thuyết hay thơ ca. Văn chương, có thể là ca từ của những bài hát.
    Và tôi, như một kẻ mơ mộng, giá như ông Trịnh Công Sơn cũng được giải Nobel Văn chương.
    Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh
    http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bob-dylan-doat-giai-nobel-van-hoc-mot-tien-le-la-lung-nhung-hop-ly-n20161013211409365.htm





    Nghe lại những ca khúc 'thần sầu' của chủ nhân giải Nobel Văn học 2016 Bob Dylan

    Thứ Năm, 13/10/2016 19:28

      (Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/10, Ủy ban giải thưởng Nobel, có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), công bố người giành giải Nobel Văn học năm 2016 là nhạc sỹ, nhà văn Bob Dylan người Mỹ vì "đã tạo ra những sự diễn đạt thi vị mới trong truyền thống làn điệu Mỹ vĩ đại."

      Ủy ban Giải thưởng Nobel công bố giải Nobel Văn học 2016
      Những ca khúc bất hủ của Bob Dylan như "Blowin' in the Wind" và "The Times They are A-Changin'" đã trở thành những ca khúc biểu tượng của phong trào phản chiến và đòi dân quyền.


      "Lãng tử du ca" Bob Dylan
      Không chỉ nổi bật với lời ca, dấu ấn của Bob Dylan còn thể hiện trong từng giai điệu.

      Đó là sự kết hợp, khám phá nhiều thể loại âm nhạc một cách sáng tạo, từ các bài hát dân gian, blues, phúc âm, rock’n roll với tiếng Anh, Scotland và âm nhạc dân gian Ireland, bao gồm cả nhạc jazz và swing. 
      Sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố đó cùng với hành trình rong ruổi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình đã tạo nên những ca khúc bất hủ với thời gian, và cái tên Bob Dylan đã trở thành huyền thoại trong lòng người yêu nhạc.
      Nhân dịp huyền thoại âm nhạc Mỹ được trao giải Nobel văn học, hãy cùng Thể thao & Văn hóa nghe lại một vài trong số hàng trăm ca khúc bất hủ mà ông đã sáng tác và thể hiện trong suốt sự nghiệp của mình.

      Blowing In The Wind (Live On TV, March 1963). Bài hát được lấy một phần từ một ca khúc truyền miệng giữa những người nô lệ da màu mang tên No More Auction Block.

      The Times They Are A Changin 1964

      Mr. Tambourine Man (Live at the Newport Folk Festival. 1964)

      Man Of Constant Sorrow

      It's Alright, Ma (I'm Only Bleeding)

      Knockin' on Heaven's Door (1973). Đây được xem là một ca khúc phản chiến bất hủ của Bob Dylan. Bài hát là sự miêu tả cảm giác một người sắp lìa khỏi cuộc đời: "Mẹ ơi, xin hãy giấu đi cây súng của con. Con không thể bắn giết họ thêm nữa. Đám mây đen lạnh lẽo vây quanh. Con đau đớn gõ cánh cửa thiên đường…"

      Tangled Up In Blue (1975). Tạp chí Rolling Stone cũng bình chọn bài này thứ 68 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại” 

      "Emotionally Yours". Ca khúc này nằm trong album thứ 23 của Bob Dylan là "Empire Burlesque", phát hành năm 1985

      "Not Dark Yet". Ca khúc này phát hành năm 1997, nằm trong album Time Out of Mind và được phát hành single vào năm 1998. (
      …Tôi trượt dần xuống đáy của thế giới đầy dối trá. Tôi tìm kiếm thứ chẳng có gì trong mắt bất kỳ ai. Đôi khi tôi cảm thấy cõi lòng mình nặng trĩu, quá sức chịu đựng rồi. Trời chưa tối đâu nhưng sẽ sớm mà thôi).

      Things Have Changed (2001). Bài hát này trong bộ phim "Wonder boys" (có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Michael Douglas, Tobey McGuire, France McDormand). Ca khúc bất hủ này đem về cho ông giải Quả cầu vàng và tượng vàng Oscar cho Ca khúc trong phim hay nhất.

      Thunder On The Mountain (2006). Ca khúc bất hủ này như một bài thơ dài 12 đoạn này chẳng khác nào câu chuyện kể đầy tính ẩn dụ về bộ mặt của thời đại, khiến người nghe phải suy ngẫm về các giá trị của tình yêu, cuộc sống và đạo đức.
      Lam Từ (Tổng hợp)




      6.

      ig-nobel-awards-mascot
      Năm 2016 đánh dấu một giải Nobel Văn học dị thường. Lần đầu tiên trong lịch sử, giải Nobel không được trao cho một người viết văn mà được trao cho một nhạc sĩ. Chủ nhân của giải Nobel Văn học năm nay là Bob Dylan – nhạc sĩ Mĩ từng nổi tiếng về những ca khúc phản đối chiến tranh Việt Nam. Lí do ông được giải, theo Ủy ban chấm giải Nobel, là bởi đã tạo nên những diễn đạt thơ văn mới trong truyền thống ca nhạc của Mĩ. Chúng ta không thể phủ nhận tài năng âm nhạc của Bob Dylan, nhưng như thế không có đó không phải là lí do để ta trao cho ông giải Nobel Văn học.
      Về bản chất, âm nhạc và văn chương là hai lĩnh vực khác hẳn nhau. Không ai cho một ca khúc là hay chỉ vì nó có ca từ văn vẻ. Mấu chốt của âm nhạc vẫn là giai điệu và phối khí. Bởi vậy, dùng giải Nobel để tôn vinh một nhạc sĩ đã tạo ra những cách tân thơ văn trong âm nhạc là một điều ngớ ngẩn, dù nhìn từ góc nhìn của người yêu nhạc hay của người yêu văn. Thêm vào đó, liệu Hội đồng trao giải Nobel có dám quả quyết rằng ca từ của Bob Dylan có giá trị văn chương lớn hơn tác phẩm của những người viết văn hiện nay? Chắc chắn họ không dám quả quyết thế.
      Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, giải Nobel đang bị chính trị hóa dần dần. Thay vì được sử dụng như một phương tiện thẩm định để tôn vinh những sản phẩm trí tuệ chất lượng cao, giải Nobel đã trở thành một công cụ chính trị phục vụ cho các thế lực quốc tế. Việc trao giải Nobel Văn học cho Bob Dylan chỉ cho thấy xu hướng này đã được đẩy lên đến mức đỉnh điểm và lố bịch. Để thấy thực tế đó, hãy điểm lại những giải Nobel Văn học trong thập kỉ của chúng ta.
      Trong tổng số bảy giải Nobel Văn học được trao trong thập kỉ này, có tới năm giải được trao vì lí do chính trị. Nobel Văn học năm 2010 được trao cho Mario Vargas Llosa, một vị nổi tiếng thiên hữu, chống Cộng và ủng hộ kinh tế tự do và năm 1990 từng đi tranh cử tổng thống. Giải Nobel Văn học năm 2012 được trao cho Mạc Ngôn, một nhà văn mà tính chất phê phán xã hội hiện lên ngay trong bút danh của mình. Quan điểm về văn chương của Mạc Ngôn khá giống với Hồ Chí Minh và Tố Hữu. Ông từng nói rằng: “Nhà văn cần phê phán và khơi gợi sự căm phẫn đối với những mặt trái đen tối của xã hội cũng như sự xấu xa của bản chất con người”. Nói cách khác, cũng như mọi nhà văn cách mạng ở Trung Quốc và Việt Nam, Mạc Ngôn tin rằng nhà văn nào cũng có nhiệm vụ chính trị và phải biến văn chương thành công cụ để phục vụ cho chính trị. Giải Nobel năm 2014 được trao cho Patrick Modiano với lí do rằng ông này đã giúp mô tả những phận người khó nhận thức nhất và phơi bày cuộc sống trong thời Đức quốc xã chiếm đóng. Giải Nobel năm 2015 được trao cho Svetlana Alexievich, một nhà báo chống chế độ thân Nga ở Belarus với lí do theo ban giám khảo rằng: Vì tác phẩm nhiều tiếng nói, đã đặt một công trình kỉ niệm cho những hoạn nạn và dũng cảm trong thời đại của chúng ta. Cần nhớ rằng Svetlana là một nhà báo hơn là một nhà viết tiểu thuyết, và tác phẩm của bà là tập hợp những cuộc phỏng vấn có tính báo chí thay vì một tiểu thuyết có tính văn chương. Có thể coi việc trao giải Nobel cho Svetlana là một bước quá độ để tiến đến việc trao giải cho Bob Dylan trong tiến trình chính trị hóa giải Nobel Văn học.
      Tiến trình này buộc chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa giải Nobel Văn học với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học hoặc Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam? Trong thực tế, cả hai đều là những công cụ để chính trị hóa văn đàn, cả hai đều tôn vinh mẫu nghệ sĩ bị ám ảnh bởi sứ mệnh chính trị đầy ảo tưởng để biến họ thành công cụ chính trị. Vậy khi Bob Dylan được trao giải Nobel Văn học, chúng ta nên cảm thấy tự hào hay nhục nhã?
      Tô Lông
      http://bookhunterclub.com/co-cau-chinh-tri-trong-giai-nobel/

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét

      Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

      LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

      Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.