Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/04/2015

Ý kiến công dân : một nhóm luật sư yêu cầu về cây xanh Hà Nội


Tư liệu theo Fb của Nguyễn Hà Luân và Lê Luân. Đã có hai lần các luật sư này gửi yêu cầu


Cụ thể như ở dưới (động thái tiếp theo của nhóm này sẽ cập nhật vào một entry này, và đánh số ngược để dễ theo dõi).

---




2. Lần thứ hai ngày 2/4/2015:


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

******

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2015
VĂN BẢN YÊU CẦU GIẢI TRÌNH
Kính gửi: UBND Thành Phố Hà Nội

Sở Xây Dựng Thành Phố Hà Nội

- Căn cứ Khoản 1 Điều 28 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.” và Điều 43 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.”;

- Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Căn cứ Điều 13 Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/08/2013 của Chính Phủ về việc Quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.


Thưa các Quý cơ quan! 


Chúng tôi – những công dân đang hành nghề luật sư ký tên dưới đây - cho rằng, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua là trái Luật Thủ đô, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP. Riêng với việc chặt hầu hết cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định là không nằm trong đề án đường sắt trên cao như thông báo của chính quyền Hà Nội. Việc chặt hầu hết cây xanh tại đường Nguyễn Chí Thanh và thay thế bằng một loại cây mà theo các nhà khoa học không phù hợp với đô thị khiến con đường từng được coi đẹp nhất Việt Nam này trở thành con đường hoang tàn, xấu xí.



Chúng tôi, thường xuyên đi trên hai con đường này nhận thấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những hành vi chặt phá cây xanh, yêu cầu các Quý cơ quan giải trình những nội dung sau:

1. Việc chặt hạ hàng loạt cây cổ thụ tại đường Nguyễn Trãi dựa trên những cơ sở pháp lý nào, những quyết định cụ thể nào? Đề nghị cung cấp cho chúng tôi bản sao những văn bản đó.

2. Việc thay thế toàn bộ cây xanh đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây “Vàng tâm” dựa trên những cơ sở pháp lý nào, những quyết định cụ thể nào? Đề nghị cung cấp cho chúng tôi bản sao những văn bản đó. Sở Xây dựng cho biết cây “Vàng tâm” thuộc danh mục sách đỏ VN, vậy tên khoa học của nó là gì, có nằm trong danh mục cây đô thị được trồng của Hà Nội không? Đề nghị cung cấp cho chúng tôi danh mục cây được trồng ban hành kèm theo Quyết định 19/2010/UBND ngày 14/05/2010 của UBND thành phố Hà Nội.

Do những tài liệu trên đều sẵn có tại các Quý cơ quan, nên chúng tôi trân trọng đề nghị Quý cơ quan sớm giải trình bằng văn bản cho chúng tôi trong năm ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu này.

Chúng tôi cử ông Nguyễn Hà Luân (số điện thoại: 0904 133 902), địa chỉ số 01 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội là đại diện cho chúng tôi để liên hệ và nhận các văn bản từ phía các Quý cơ quan.

Những người yêu cầu ký tên








1. Lần thứ nhất là ngày 19/3/2015






---
Bổ sung 2 (15/4/2015):

VỤ TÁM NGƯỜI ĐI TÙ VÌ CHẶT 12 CÂY TRÀM

Chặt 12 cây tràm bị tội, chặt cây Hà Nội thì sao?

Thứ Tư, ngày 15/4/2015 - 06:35
(PL)- Nếu chặt 12 cây tràm mà phải đi tù thì chuyện đốn hạ 500 cây cổ thụ ở Hà Nội chắc phải ở tù rục xương!
Tám người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của Nhà nước mà cứ tưởng là đúng luật nên tiến hành “dọn cỏ, chặt cây” để canh tác. Thế là họ bị kết tội hủy hoại tài sản vì đã chặt 12 cây tràm (trị giá hơn 10 triệu đồng) của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa.
12 cây tràm này trung tâm đã thu hồi, đã bán và lấy lại đúng bằng số tiền thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã quy kết. Trung tâm nói không còn thiệt hại nữa, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cũng nói không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo nên đề nghị tòa hủy án để yêu cầu điều tra lại. Nhưng HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai vẫn tuyên y án sơ thẩm kết tội tám bị cáo (trong đó có năm bị cáo từng bị tạm giam, tòa tuyên phạt tù đúng bằng số ngày tạm giam này).
Sự việc này khiến dư luận thắc mắc, rằng tòa làm vậy là đúng hay sai, có phù hợp với logic cuộc sống hay không…
Tòa trên “cứu” tòa dưới
Đây lại thêm một trường hợp tòa án cấp phúc thẩm đã “cứu” tòa án cấp sơ thẩm nhưng lần này tòa án cấp phúc thẩm đã cứu “đúng luật” nên cũng chẳng có gì để trách cứ tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm không bị mang tiếng là án bị sửa, bị hủy; thành tích của tòa án cấp sơ thẩm không bị sứt mẻ gì, thẩm phán không bị kiểm điểm, giải trình. Thế là trên dưới đều vui vẻ!
Tuy nhiên, 12 cây tràm bị chặt hạ, tám người bị ra tòa, năm người bị tù giam, còn lại cũng bị án tù nhưng được hưởng án treo. Cứ nhìn vào “đội ngũ” bị cáo đứng trước tòa và nội dung vụ án thì thấy có cả bà già tóc bạc, còn lại đều là những người còn rất trẻ, mới thấy thương xót cho những người dân thấp cổ bé họng!
Có lẽ cũng chẳng có ở nước nào như nước ta, luật tố tụng lại cho phép tòa án vẫn xét xử khi VKS (công tố) rút quyết định truy tố. Ở các nước khác khi công tố đã rút truy tố thì lập tức tòa án phải đình chỉ vụ án. Nhưng BLTTHS hiện hành của nước ta thì lại khác, nếu VKS rút cáo trạng trước khi mở phiên tòa thì tòa án mới đình chỉ, còn VKS mà rút truy tố tại phiên tòa thì tòa án vẫn tiến hành xét xử. Chẳng hiểu lý luận này học ở đâu nhưng rõ ràng là không có căn cứ khoa học. Không biết sắp tới sửa đổi, bổ sung BLTTHS có ai quan tâm đến quy định này không! Không hiểu sao luật ở ta cứ phải “khác người” thì mới được gọi là “sáng tạo”!
Không đáng để xử lý hình sự
Trở lại vụ án này, nếu so với việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội thì có lẽ sắp tới phải có hàng trăm người (liên quan vụ chặt cây) sẽ phải hầu tòa. Thế nhưng đó là chuyện của ngày mai, người dân cả nước chờ xem TP Hà Nội sẽ xử lý như thế nào đối với những người chủ trương và thực hiện chủ trương “triệt hạ” hàng loạt cây xanh của thủ đô.
Còn trong vụ án này, 12 cây tràm bị chặt hạ, cơ quan bị thiệt hại là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa cũng khẳng định không bị thiệt hại và không yêu cầu bồi thường. Đành rằng vấn đề thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra với việc nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nhưng dù sao thì hậu quả đã được khắc phục, các bị cáo đều là người lao động, có nhân thân tốt. Vậy hà cớ gì cứ phải truy cứu trách nhiệm hình sự?
Ở TP Biên Hòa, hằng năm có cả ngàn vụ án hình sự nhưng không hiểu sao cơ quan tiến hành tố tụng ở TP này lại cố làm cho vụ này to chuyện! Giả thiết, nếu có chủ trương giáo dục và phòng ngừa hành vi chặt phá cây rừng thì cũng chỉ nên phạt hành chính hoặc cảnh cáo các bị cáo này cũng có tác dụng đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Không hiểu vì lý do gì mà một việc như thế, cơ quan điều tra lại tích cực bắt tạm giam rồi tòa án cũng xét xử “bằng” thời gian tạm giam.
Nếu tất cả hành vi tham nhũng (dù lớn hay nhỏ) có trong xã hội này mà cũng được các cơ quan tố tụng tích cực lưu tâm, chứng minh và truy tố thì người dân được nhờ biết bao nhiêu!
Vụ này tòa án cấp phúc thẩm chỉ cần áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với các bị cáo thì cũng vẫn “cứu” được TAND TP Biên Hòa khỏi bị bồi thường oan sai chứ có gì mà phải làm to chuyện. Bởi xét cho cùng, hành vi chặt hạ 12 cây tràm không phải của mình của các bị cáo ai bảo là không sai. Đường lối xử lý đối với người phạm tội không chỉ được quy định tại BLHS mà TAND Tối cao cũng thường xuyên ban hành nghị quyết để hướng dẫn các tòa án địa phương cần phải khoan hồng đối với người dân nhất thời phạm tội, gây hậu quả không lớn.
Cứ tưởng tòa án cấp phúc thẩm nghị án đến năm ngày thì sẽ ra một bản án có tình, có lý, hợp lòng dân chứ ai ngờ vẫn y án sơ thẩm.
Với vụ án này thì chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao nên kháng nghị giám đốc thẩm để người dân thấy được sự khoan hồng của pháp luật và tin vào công lý hơn.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo luật, tòa được quyền xử tiếp
Trong giới hạn xét xử, nếu tại phiên tòa hình sự sơ thẩm mà kiểm sát viên rút cáo trạng truy tố thì tòa phải dừng phiên xử và có thể xem xét ra quyết định đình chỉ vụ án. Bởi tòa xét xử theo hành vi và tội danh mà cáo trạng đã truy tố, khi VKS rút cáo trạng có nghĩa là không còn đối tượng xét xử nữa, vì vậy việc xét xử phải dừng lại.
Nhưng nếu tại tòa kiểm sát viên chỉ đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại thì mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Nếu đề nghị đó diễn ra trong phiên tòa sơ thẩm thì tòa phải làm theo đề nghị đó vì bản thân nơi ban hành mà không bảo vệ được cáo trạng thì tòa không thể xử tiếp. Nhưng thực tế xét xử cho thấy rất hiếm trường hợp này, nếu có trả hồ sơ để điều tra lại thì VKS sẽ trả ngay trong lúc nghiên cứu hồ sơ vụ án chứ không chờ đến khi ra tòa mới yêu cầu.
Còn nếu đề nghị đó trong phiên tòa phúc thẩm thì tòa vẫn có quyền xử tiếp và đưa ra phán quyết của mình. Lý do, theo trình tự thủ tục, phúc thẩm là cấp xét lại bản án sơ thẩm về những phần và vấn đề có kháng cáo, kháng nghị. Lúc này án sơ thẩm đã có, việc đề nghị hủy án và có hủy hay không là nhận định và đường lối xét xử của từng cơ quan tố tụng, trong đó tòa án được quyền làm nhiệm vụ của mình là xét lại bản án sơ thẩm đó đúng trình tự thủ tục. VKS có thể cho rằng án sơ thẩm vi phạm tố tụng hoặc sai về nội dung nhưng tòa có quyền chấp nhận nhận định đó hoặc không. Do vậy về tố tụng, việc tòa tiếp tục xử và tuyên án là điều bình thường.
Thẩm phánPHẠM CÔNG HÙNG,Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
T.TÙNGghi
http://phapluattp.vn/phap-luat/chat-12-cay-tram-bi-toi-chat-cay-ha-noi-thi-sao-546175.html


Bổ sung 1 (8/4/2015): Một tin liên quan đến chặt cây xanh mà có liên quan đến một người trong nhóm luật sư này.


Tám người đi tù vì cưa… 12 cây tràm

TIẾN DŨNG - Thứ Tư, ngày 8/4/2015 - 09:59
(PLO)-Ngày 8-4, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với tám người cùng ngụ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) về tội hủy hoại tài sản do đã chặt 12 cây tràm của Trung tâm Lâm trường Biên Hòa gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng.

Các bị cáo tại tòa 
Trước đó, ngày 15-12-2014, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù cả tám người. Cụ thể các bị cáo Đinh Trọng Thúc (48 tuổi), Vũ Thị Mộng Thu (49 tuổi), Ngô Quang Tuyên (35 tuổi), Vũ Thị Mộng Huyền (42 tuổi, em ruột Thu), và Nguyễn Thị Thu Hường (24 tuổi) bị tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 5 tháng 4 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam), thả tự do ngay tại tòa. Riêng bị cáo Nguyễn Tồn Chí (52 tuổi, chồng Thu) Nguyễn Thị Anh (42 tuổi, vợ Thúc), Đỗ Thị Le (64 tuổi, tất cả cùng ngụ TP.Biên Hòa) bị phạt 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Sau khi TAND TP.Biên Hòa tuyên án, bảy bị cáo có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Đồng Nai kêu oan. Riêng bị cáo Nguyễn Tồn Chí không làm đơn kháng cáo.
Theo cáo trạng, ngày 26-10, Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa) ký hợp đồng giao 1ha đất tại tổ 23, khu phố 8, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai cho ông Ngô Văn Yến để ông này trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho đến khi thu hoạch sản phẩm sẽ được chia sản phẩm theo hợp đồng.
Ngày 4-12-2001, được sự đồng ý của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, ông Yến chuyển nhượng lại hợp đồng trên cho ông Nguyễn Đức Hiền để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ sinh và hưởng lợi sản phẩm trực tiếp với Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa theo hợp đồng.
Tuy nhiên sau đó, ông Hiền lại sang nhượng trái phép khu đất này cho nhiều người khác. Nhưng người này lại tiếp tục sang nhượng lại cho người khác.
Ngày 13-10-2014, những người này đến chặt cây, dọn cỏ trên lô đất để sử dụng và cùng nhau góp 700.000 đồng thuê máy cưa cây tràm của Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa đã trồng trên lô đất từ năm 2001 thì bị Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa phát hiện, lập biên bản sự việc và chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa điều tra xử lý.
Số cây tràm bị chặt này được xác định là 12 năm, đây là giai đoạn cây đang ở độ tuổi rừng gần thành thục. Trị giá 12 cây tràm đã bị chặt hạ có tổng trị là 10,694.167 đồng. Theo kết luận điều tra, hành vi của các bị can đã cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại khoản 1, điều 143 BLHS.
Tuy nhiên tại phiên tòa các bị cáo cho rằng mình không phạm tội, bị oan vì những cây tràm mà họ thuê người cưa bỏ là những cây tràm tự mọc chứ không phải do lâm trường trồng. Hơn nữa xung quanh khu vực có tới hàng ngàn người cũng chặt cây tràm xây nhà nhưng không ai bị xử lý, các cơ quan chức năng cũng không có ý kiến gì. Như vậy là không công bằng với họ.
Trong khi đó luật sư Trần Vũ Hải, bào chữa cho tám bị cáo đưa ra hàng loạt vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng TP. Biên Hòa; chứng cứ vụ án được làm giả, không đúng sự thật; hành vi chặt phá cây rừng trồng (nếu có) chỉ vi phạm hành chính, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (định giá trên 10 triệu đồng)…
Phiên tòa phúc thẩm đang tiếp tục.
TIẾN DŨNG
http://phapluattp.vn/phap-luat/tam-nguoi-di-tu-vi-cua-12-cay-tram-544514.html



---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:















Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây

Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay

 Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo

-  Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ

1 nhận xét:

  1. Bổ sung 1 (8/4/2015): Một tin liên quan đến chặt cây xanh mà có liên quan đến một người trong nhóm luật sư này.

    Tám người đi tù vì cưa… 12 cây tràm

    TIẾN DŨNG - Thứ Tư, ngày 8/4/2015 - 09:59
    (PLO)-Ngày 8-4, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với tám người cùng ngụ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) về tội hủy hoại tài sản do đã chặt 12 cây tràm của Trung tâm Lâm trường Biên Hòa gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng.
    TIN LIÊN QUAN

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.