Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/08/2014

Việt Nam phát hiện giống lúa cổ ở Thành Dền : 1 - Một ghi chép thực tế vào tháng 5 năm 2010

Thành Dền thuộc địa phận huyện Mê Linh - quê hương của Hai Bà Trưng. Huyện bị thay đổi cấp trực thuộc qua nhiều lần trong mấy chục năm qua, lúc là Hà Nội, rồi là về Vĩnh Phú, thành Vĩnh Phúc, bây giờ thì trở lại với Hà Nội.

Sự kiện đã lùi khoảng 4 năm. 


Ảnh trong bài ở dưới

Bây giờ, thì lúa cổ phát hiện tại thành Dền năm đó hình như đã được xác định là: lúa cao sản, nhiều khả năng là giống lúa Khang Dân của Trung Quốc !


Đưa về đây một ghi chép thực tế vào tháng 5 năm 2010 trên blog Chi

Từ đây trở xuống là chép nguyên về (chỉ chỉnh co chữ và kiểu chữ, cùng một vài chỗ thuần túy kĩ thuật)


---

Thứ Tư, ngày 19 tháng 5 năm 2010



Hôm nay, sau mấy bài báo đưa tin về hạt thóc trong tầng văn hóa Đồng Đậu (có niên đại cách ngày nay từ 3500-3000 năm) tại di chỉ thành Dền nẩy mầm khiến dư luận và báo chí xôn xao. Riêng tôi vì thường xuyên vào blog của PGS.TS Lâm Mỹ Dung nên được biết chuyện này ngay từ đầu. Vì cũng đã từng có lần tham gia khai quật khảo cổ và có nhiều bè bạn làm nghề khảo cổ, tôi biết việc tìm thấy hạt thóc không nhiều và ngay khi mới phát hiện thấy thóc trong hố khai quật tôi đã hỏi TS Dung là "ai chọn chỗ khai quật mà mát tay thế?". (Chắc những người trong nghề đều hiểu rằng, không phải khi nào mở hố khai quật cũng có thể tìm thấy di vật, phát hiện ra di chỉ...) Khi nhìn thấy bức ảnh về hạt thóc nảy mầm tôi đã thầm nghĩ nếu đúng như vậy thì đây sẽ là "một phát hiện chấn động" như TS Nguyễn Hồng Kiên nhận xét. Tuy nhiên vì chưa chứng kiến trực tiếp, cũng không phải chuyên về khảo cổ nên không dám dùng từ " nếu"(đúng) và tôi chỉ dám nhận xét có lẽ đây là "điềm lành" chăng?

Vậy là hôm nay tôi bám theo một đoàn các chuyên gia sang thăm di chỉ thành Dền. Trong đoàn có các chuyên gia về lịch sử, nhà nông học- GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn, GS.TS Địa lý môi trường Trương Quang Hải, GS.TS Địa mạo Đặng Văn Bào và một số TS, Thạc sỹ ngành địa mạo và bản đồ. Trước khi xuất phát các chuyên gia đã nghiên cứu bản đồ tự nhiên khu vực này.


 Chúng tôi ra thẳng hố khai quật. Trên đường vào nơi khai quật, lúa đang chín vàng và hoa bèo nở tím con mương bên ruộng lúa.


Có thể nhận ra nơi khai quật ngay bởi đất lấy từ hố khai quật nổi bật giữa cánh đồng.


Đến nơi chúng tôi thấy đã có một số phóng viên  của VTV1 và các cán bộ của Viện nghiên cứu nông nghiệp do ông viện trưởng  PGS.TS Nguyễn Văn Bộ dẫn đầu, PGS.TS Nguyễn Lân Cường- chuyên gia về cổ nhân học của Viện khảo cổ.  Và TS Lâm Mỹ Dung thì trông khác hẳn những khi lên lớp. Bình thường TS Dung thuộc diện "sành điệu" ,  ăn mặc rất "có gu" nhưng hôm nay bít bùng như một cô thợ cấy:) Nghề khảo cổ là vậy, nên có lẽ con gái ít người dám theo nghề. Cũng thật hiếm có người say mê nghề nghiệp như TS Dung. TS Dung đang giới thiệu về quá trình khai quật và các di vật tìm thấy tại đây cho các chuyên gia :
(Từ phải sang trái là: PGS.TS Nguyễn Lân Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, TS Trần Thanh Hà, chuyên gia  về địa mạo, người đứng trên  thành hố khai quật là GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn.)

Đây là quang cảnh làm việc trong một hố khai quật. Yêu cầu đưa ra là nạo đất thật tỉ mỉ, cần phải dùng tay bóp tơi đất và nhặt lại bất cứ vật gì không phải là đất mùn.


Còn đây là một hố khai quật đã  vét hết các tầng văn hóa.


PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang giới thiệu các hạt thóc đã được tìm thấy như thế nào
Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (áo hoa) trao đổi với các nhà khoa học tại một hố khai quật ở Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng.)

Các chuyên gia đang ngồi quanh nơi phát hiện ra nhưng hạt thóc đã nảy mầm và các chuyên gia về địa mạo của khoa Địa và của Viện Việt Nam học cũng nhất trí rằng trong một địa tầng như vậy, khó có  khả năng đó là những hạt thóc mới lọt xuống.


Sau khi ở chỗ khai quật  các chuyên gia về xem xét các hạt thóc đã tìm được.

(Từ phải sang trái. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, chủ trì khai quật di chỉ Thành Dền, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học phát triển, GS.TS Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn.)

Và đây là các hạt thóc, hạt gạo cháy. TS Lâm Mỹ Dung nhận xét các di vật thực phẩm tìm được hầu hết ở dạng cháy, như gạo, xương cá ...

Hai chuyên gia về nông nghiệp và giống lúa  đều cho rằng có thể khẳng định ngay đây là các giống lúa cổ , còn cổ đến mức nào sẽ chờ kết quả phân tích, xác định niên đại  của các nhà khoa học. PGS.TS Lâm Mỹ Dung cũng cho biết hiện đã thu nhặt được hơn 200 hạt thóc gạo cháy, chỉ có khoảng 10 hạt đã này mầm, có một số hạt có mầm nhưng mầm bị teo, không phát triển, như trên ảnh, chỉ một số hạt mọc lá đang phát triển đã được đưa về các phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Thầy Vũ Tùng cho biết thầy đã ghi hình toàn  bộ quá trình khai quật từ lúc bắt đầu mở hố khai quật đến bây giờ. Và hôm nay là ngày thứ 32 thày bám trụ ở đây. Và chúng ta hãy chờ xem...

Hình ảnh thầy Vũ Tùng đang làm nhiệm vụ:)

Ngày 9/5/20I2
(Vì) hôm qua có bài của anh Hồ Trung Tú lật lại vấn đề này và một cuộc thảo luận nho nhỏ ở đây:

(nên) tôi đưa thêm một số ảnh đã chụp trong chuyến đi này để mọi người hiểu thêm về vấn đề này.

 Đây là ảnh ghi rõ  quá trình khai quật, bóc lớp các tầng văn hóa :

Các lớp văn hóa được lấy đi đã để lại nền đất sinh thổ như thế này



Các hố rác bếp được nạo vét tỉ mỉ bằng bay nhỏ, đưa vào các chậu và rá nhựa như thế này, và theo tôi biết thì PGS.TS Lâm Mỹ Dung đã rất cẩn thận đưa về rửa, đãi bằng nước máy tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ chuyên môn để tránh tuyệt đối lẫn vật lạ từ bên ngoài vào.


PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang làm mẫu giới thiệu với các chuyên gia về địa mạo của Khoa Địa Lý ĐH KHTN về việc các hạt thóc đã được tìm thấy theo cách nào. Và theo đánh giá tại chỗ thì các chuyên gia địa mạo cho rằng trong nền địa mạo như vậy, khó có thể hình dung các hạt thóc mới đã rơi xuống hay do chuột đưa xuống vì không có dấu vết hang chuột hoặc đường đi của côn trùng.


Và như hạt thóc này do chính tay PGS.TS Lâm Mỹ Dung trực tiếp lấy từ tầng văn hóa.

Viện trưởng  Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ đang xem xét các hạt thóc.


Cố GS. Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn cũng xem xét kỹ lưỡng các hạt thóc tìm được. 

Và như đã đề cập ở trên ý kiến của các nhà nông học hôm đó thì những hạt thóc tìm được này  là những hạt thóc cổ.


Bản thân tôi, tuy đã từng trực tiếp tham gia khai quật ( hihi, hồi sinh viên năm nhất) và bây giờ đã trực tiếp đến nơi khai quật, nhưng không dám phát biểu gì vì không phải chuyên môn và cũng không tham gia khai quật ở cuộc khai quật này nên chỉ xin được cung cấp thông tin và những gì quan sát được.

Bonus : Trên xe ô tô khi trở về, các chuyên gia địa mạo cũng cho biết, các vật hữu cơ khi đã tồn tại trong một môi trường đặc biệt hàng trăm năm thì cũng có thể tồn tại hàng nghìn năm nếu môi trường đó không thay đổi. GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn lúc đó cũng  gợi ý có thể các hạt thóc cháy, xương động vật cháy đã tạo ra môi trường yếm khi  và giúp các hạt thóc không bị phân hủy? 

Trong khoa học không có câu trả lời cuối cùng. Đó là bài học đầu tiên của các thầy dạy chúng tôi, những người sẽ / định chọn nghiên cứu Khoa học làm nghiệp của cuộc đời.

25 nhận xét:

  1. Có lẽ là không có chuyện gian lận khoa học hoặc thao tác ẩu ở đây.

    Câu hỏi là tại sao những hạt thóc hiện đại lại lọt xuống tầng quá khứ 3000 năm trước?

    Lỗ nẻ mặt ruộng mùa hạn sâu đến hơn hai thước là bình thường, đủ chỗ cho hạt lúa rụng, tự lọt xuống, hoặc kiến, chuột, gián đất, mối ... tha xuống.

    Những hạt lúa bị cháy có thể liên quan đến việc đốt rơm rạ vào sau mùa thu hoạch, ruộng khô cạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần đầu tiên nghe lúa 3,000 năm tuổi nảy mần hehe tui đã cười ngất. Mà chẳng phải chuyện những ông nông dân ít học. Toàn những cây đa cây đề trong ngành cả!

      Không gian lận thì cũng cẩu thả. Không cẩu thả thì cũng hám danh. Không hám danh thì cũng húng chó (tự hào dân tộc cao ngút). Không húng chó thì cũng ấu trĩ. Không ấu trĩ thì chắc chắn là hehe gian lận.

      VN nên kiện Good Country Index đã xếp VN đứng 124 trên 125 nước về đóng góp cho nhân loại. Tạo ra tiếng cười sảng khoái trong một thế giới đầy rẫy hận thù và giết chóc cũng là đóng góp chớ hehe.

      Xóa
    2. Có một việc mình cần nhờ hehe đây. Đó là: một bài viết chung quan trọng của các nhà nghiên cứu về lúa của Nhật Bản và Trung Quốc trên Nature, từ năm 2012. Bài này, hiện đã nằm trên Nature (mạng), mình cũng đã gài vào entry trước: http://giaovn.blogspot.jp/2014/08/mot-noi-phat-nguon-cua-van-hoa-lua-nuoc.html

      Bản chính văn thì chỉ có tiếng Anh, và khá dài, lại chuyên môn sâu.

      Đi kèm với chính văn, như thường lệ, bao giờ cũng có Tóm Tắt. Bản tóm tắt hiện nay có 2 vesion: tiếng Anh và tiếng Nhật.

      Vì đây là bài quan trọng, mình muốn giới thiệu, nên sẽ thực hiện bản dịch vesion tiếng Nhật.

      Và nhờ hehe dịch cho bản tiếng Anh của nó. Thật ra, chỉ có ít dòng thôi (độ hơn 10 dòng). Nên nếu không làm tốn của hehe nhiều thời gian, thì nhờ hehe thực hiện giúp.

      Mình cảm ơn trước.

      Xóa
    3. Nếu không quá chuyên sâu thì tôi sẽ cố hehe. Nhưng anh Giao không để link thì biết nó là cái nào?

      Xóa
    4. À, xin lỗi, đường link trực tiếp đây hehe à: http://www.nature.com/nature/journal/v490/n7421/full/nature11532.html

      Xóa
    5. OK, thử nhen. Mọi người cứ thoải mái ném đá, tôi học hehe.

      Xóa
    6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    7. Cảm ơn he he rất nhiều !

      Mình sẽ đưa bản tiếng Nhật, và đối chiếu hai bản dịch (Anh, Nhật cùng sang Việt), để làm ra một bản hoàn chỉnh.

      Xóa
    8. Anh Giao đối chiếu với bản này:

      Thuần hóa cây trồng là những thử nghiệm chọn lọc lâu dài -- những thử nghiệm đã đẩy mạnh nền văn minh nhân loại. Việc thuần hóa cây lúa (Oryza sativa L.) được xem là một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nguồn gốc của cây lúa và tiến trình thuần hóa nó vẫn chưa được thống nhất và là vấn đề tranh cãi lâu nay.

      Chúng tôi đã tạo ra những bộ gen từ loài lúa hoang Oryza rufipogo, loài lúa được xem là tổ tiên trực tiếp [ngay trước -- hehe] của cây lúa đã được thuần hóa ngày nay, thuộc 446 khu vực địa lí khác nhau và từ 1,083 giống lúa indica [hạt dài – hehe] và japonica [hạt tròn – hehe], để từ đó xây dựng một bản đồ hoàn chỉnh về sự biến đổi gen của cây lúa.

      Trong việc tìm kiếm những đặc tính được lưu giữ lại qua sự chọn lọc, chúng tôi đã xác định được 55 đặc tính di truyền – những đặc tính di truyền xảy ra trong quá trình thuần hóa cây lúa. Những phân tích chuyên sâu về những đặc tính này và (những phân tích chuyên sâu về) những mẫu hình ở cấp độ gen cho thấy, đầu tiên, giống lúa japonica được thuần hóa từ quần thể loài lúa hoang rufipogo mọc ở đồng bằng sông Châu Giang thuộc miền nam Trung Quốc, sau đó, khi những người canh tác đầu tiên tiến xuống phía Đông Nam và Nam châu Á, giống lúa japonica này mới lai tạo với giống lúa hoang địa phương tạo ra giống lúa indica.

      Những đặc tính liên quan đến việc thuần hóa đã được phân tích dựa vào việc nghiên cứu sự xắp xếp của các nhiễm sắc thể.

      Công trình này góp một nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về sự lưu truyền của cây lúa và là cách tiếp cận gen hiệu quả giúp ích cho việc nghiên cứu việc thuần hóa các loài cây trồng khác.

      Xóa
    9. Cảm ơn hehe nhiều, đã biên tập thêm một lần nữa.

      Đầu tiên mình dán bản tiếng Anh (nguồn của bản dịch mà hehe thực hiện ở trên) và bản tiếng Nhật tương ứng về đây đã.

      Dán sẵn, và dịch luôn khi có thời gian, và bản đối chiếu đi đến định bản thì sẽ làm ra entry mới. Coi như entry viết chung giữa hehe và Giao nhé.

      Xóa
    10. Nguyên bản tiếng Anh:

      A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice

      Crop domestications are long-term selection experiments that have greatly advanced human civilization. The domestication of cultivated rice (Oryza sativa L.) ranks as one of the most important developments in history. However, its origins and domestication processes are controversial and have long been debated. Here we generate genome sequences from 446 geographically diverse accessions of the wild rice species Oryza rufipogon, the immediate ancestral progenitor of cultivated rice, and from 1,083 cultivated indica and japonica varieties to construct a comprehensive map of rice genome variation. In the search for signatures of selection, we identify 55 selective sweeps that have occurred during domestication. In-depth analyses of the domestication sweeps and genome-wide patterns reveal that Oryza sativa japonica rice was first domesticated from a specific population of O. rufipogon around the middle area of the Pearl River in southern China, and that Oryza sativa indica rice was subsequently developed from crosses between japonica rice and local wild rice as the initial cultivars spread into South East and South Asia. The domestication-associated traits are analysed through high-resolution genetic mapping. This study provides an important resource for rice breeding and an effective genomics approach for crop domestication research.

      http://www.nature.com/nature/journal/v490/n7421/full/nature11532.html

      Xóa
    11. Nguyên bản tiếng Nhật tương ứng:
      遺伝:イネゲノムの変異マップから栽培イネの起源が判明

      作物の栽培化は長期にわたる選択の実験であり、これがヒトの文明を大きく進歩させてきた。栽培イネ( Oryza sativa L.)の栽培化は、歴史上最も重要な進歩の1つに位置付けられるが、その起源と栽培化の過程については意見が分かれており、長く論争が続いてきた。今回我々は、さまざまな地域から収集した野生イネ、ルフィポゴン( Oryza rufipogon 、栽培イネを生み出した直接の祖先種)の446系統と、栽培イネであるインディカイネとジャポニカイネの1,083系統について、ゲノム塩基配列を解読し、イネゲノムの包括的な変異マップを作成した。選択の痕跡を探索して、栽培化の過程で選択的除去(selective sweep)が起こった55の領域を同定した。この選択的除去とゲノム全域の変異パターンを綿密に解析したところ、ジャポニカイネ( Oryza sativa japonica )は初め、中国南部の珠江中流領域周辺でルフィポゴンの1集団から栽培化されたことが判明した。またインディカイネ( Oryza sativa indica )は、最初に生まれた栽培イネがその後、東南アジアや南アジアに広がるにつれ、このジャポニカイネと現地の野生イネとの交配により生じたことも明らかになった。高精度の遺伝子マップ作成により、栽培化に関係する形質の解析も行った。この研究は、イネの育種のための重要な基盤となり、また作物の栽培化の研究に役立つ効果的なゲノミクス手法を示している。

      http://www.nature.com/nature/journal/v490/n7421/abs/nature11532_ja.html?lang=ja

      Xóa
    12. Hehe à, vậy là bản dịch từ tiếng Anh của hehe còn thiếu một chi tiết quan trọng. Đó là dịch cái tiêu đề của bài.

      Xóa
    13. Thử một câu đầu tiên, thì có cảm giác bản tiếng Nhật đã được viết trước, sau đó thì dịch ra bản tiếng Anh. Vì nội dung bản tiếng Nhật sâu sắc và đọc thấy khoái hơn bản tiếng Anh (cũng một phần có thể mình đọc tiếng Nhật thì thấy thấm hơn).

      - Câu tiếng Nhật (tạm gọi là bản Nhật): 作物の栽培化は長期にわたる選択の実験であり、これがヒトの文明を大きく進歩させてきた.

      - Câu tiếng Anh (tạm gọi là bản Anh): Crop domestications are long-term selection experiments that have greatly advanced human civilization.

      - Bản dịch hehe (dựa vào tiếng Anh) - gọi là bản dịch A: Thuần hóa cây trồng là những thử nghiệm chọn lọc lâu dài -- những thử nghiệm đã đẩy mạnh nền văn minh nhân loại.

      - Bản dịch Giao (kết hợp cả 3 văn bản trên) - gọi là bản dịch B: Công việc thuần dưỡng cây trồng là một chuỗi thử nghiệm mang tính chọn lọc lâu dài trong lịch sử, và chính công việc ấy đã thúc đây mạnh mẽ những bước tiến trong văn minh của nhân loại.

      Xóa
    14. Vâng, đó là: Bản Đồ Biến Đổi Gen Lúa Bộc Lộ Nguồn Gốc Lúa Trồng.

      Xóa
    15. Mình chuốt lại theo cả 3 bản, nên tự ý thêm vài từ nằm trong tầng nghĩa sâu của câu văn, nhưng không làm thay đổi nội dung ý muốn truyền đến người đọc. Bản tóm tắt, nên người ta phải viết rất cô đúc.

      Có lẽ điều đầu tiên cần trao đổi chút. Đó là, có lẽ ta nên dịch chung là "cây lương thực" thay cho "cây trồng" như hiện nay. Vì ý của những người viết là muốn nói đến dạng lúa, ngũ cốc, lương thực.

      Xóa
    16. Anh Giao nhận xét rất chính xác. Tôi có cảm giác bản tiếng Anh, hoặc được dịch từ một bản khác, hoặc được viết bởi một người mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ.

      Xóa
    17. Thế thì đúng rồi ! Vậy, có thể người viết nháp bản đầu tiên (phần tiếng Anh) là người Nhật, và đưa ra những người khác (cả Nhật, cả Trung Quốc,...) để ra định bản.

      Xóa
    18. Vẫn theo phương thức kết hợp cả 3 văn bản, thì câu tiêu đề, mình dịch là:

      Từ bản đồ biến đổi gen của lúa, đi đến xác định nguồn gốc của cây lúa đã thuần hóa.

      Không rõ ý của hehe sao ?

      Xóa
    19. Luận giải của phía các nhà Lúa học An Nam thì mình thấy tàm tạm thế này (họ vừa viết tháng 7 năm 2014):

      http://www.agbiotech.com.vn/vietnam/thong-tin/tin-tuc-su-kien/cong-bo-phac-thao-ban-do-do-gen-di-truyen-genome-cua-lua-mi.agb#.U_c0aPl_uhI

      Công bố phác thảo bản đồ Đồ gen di truyền GENOME của lúa mì
      31/07/2014
      Tập đoàn Giải trình tự genome lúa mì quốc tế (IWGSC) đã công bố trên Science một thảo trình tự bộ gen của lúa mì. Phác thảo trình tự cung cấp hiểu biết mới về cấu trúc, tổ chức và sự tiến hóa của loại cây trồng ngũ cốc được trồng rộng rãi nhất trên thế giới.

      Tập đoàn đã lập được trình tự tham chiếu đầu tiên cho các nhiễm sắc thể lớn nhất, 3B, được coi là kiểu mẫu để giải trình tự các nhiễm sắc thể còn lại. Catherine Feuillet, đồng chủ tịch IWGSC cho biết: "Với các trình tự gen phác thảo cho mỗi nhiễm sắc thể lúa mì và trình tự tham chiếu đầu tiên của nhiễm sắc thể 3B, chúng tôi đã đạt đến một cột mốc quan trọng trong lộ trình đề ra."

      Với trình tự đầy đủ trên cơ sơ toàn bộ nhiễm sắc thể đã có, các nhà nhân giống cây trồng hiện nay nhận được các công cụ chất lượng cao để tăng đẩy nhanh chương trình nhân giống và xác định cách thức các gen kiểm soát những tính trạng phức tạp như năng suất, chất lượng hạt, bệnh tật, khả năng kháng sâu bệnh, hoặc chống chịu stress phi sinh học. Họ sẽ có thể tạo ra một thế hệ mới của các giống lúa mì với năng suất cao hơn và tính bền vững được cải thiện đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới đang phát triển trong một môi trường thay đổi.

      Xem thêm tại http://www.wheatgenome.org/News/Press-releases/Draft-sequence/Press-rele....

      Xóa
    20. Trước đó, vào năm 2012, thì có diễn giải như sau của phía An Nam:

      Công bố bản đồ hoàn chỉnh biến thể gene của cây lúa
      http://www.khoahoc.com.vn/khampha/sinh-vat-hoc/thuc-vat/42062_cong-bo-ban-do-hoan-chinh-bien-the-gene-cua-cay-lua.aspx
      Một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc và Nhật Bản vừa công bố một bản đồ hoàn chỉnh về các biến thể gene của cây lúa, nguồn cung cấp lương thực cho một nửa dân cư trên hành tinh.

      Nghiên cứu cho thấy giống lúa chủ yếu hiện nay có nguồn gốc từ vùng châu thổ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.

      Nghiên cứu trên, được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 3/10, là kết quả của quá trình phân tích tỉ mỉ mã di truyền ADN của hơn 1.000 giống lúa (bao gồm hai tiểu nhóm indica và japonica) và gần 500 giống lúa hoang (thuộc nhóm Oryza rufipogon), tổ tiên của các giống lúa đang trồng hiện nay.
      Theo các nghiên cứu, đại đa số cây lúa được trồng hiện nay thuộc giống Oryza sativa L., được gọi chung là “lúa châu Á". Giống này được phân thành hai tiểu nhóm là indica và japonica.

      Lúa thuộc tiểu nhóm japonica có hạt ngắn và dính (tức lúa nếp), trong khi tiểu nhóm indica có hạt dài và không dính (tức lúa tẻ).

      Một điểm được các nhà nghiên cứu trong nhóm trên cùng nhất trí là giống lúa được trồng hiện nay có nguồn gốc từ giống lúa hoang Oryza rufipogon, cách đây hàng nghìn năm.

      Tuy nhiên, nguồn gốc và quá trình thuần hóa giống lúa này vẫn còn là chủ đề tranh luận.

      Về nguồn gốc của tiểu nhóm Oryza sativa japonica, tức là giống lúa ra đời đầu tiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giống lúa này được thuần hóa từ các cây lúa hoang ở miền Nam Trung Quốc, khu vực trung tâm đồng bằng sông Châu Giang, thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay.

      Tiếp đó, giống lúa thuộc tiểu nhóm japonica được lai với các loài lúa hoang tại miền Nam châu Á và Đông Nam Á để tạo thành các loại lúa thuộc tiểu nhóm indica.

      Hiện tại, trên thế giới có khoảng 155 triệu hécta trồng lúa, sản xuất ra 720 triệu tấn lúa/năm, trong 90% là ở châu Á.

      Theo một số dự đoán, để bảo đảm an ninh lương thực đối với một phần quan trọng của cư dân toàn cầu, sản lượng lúa phải tăng gấp đôi vào khoảng năm 2030 và cần phải phát triển các giống lúa có sản lượng cao hơn.

      Ngoài hai tiểu nhóm giống lúa lớn kể trên, tại châu Phi còn một giống lúa với số lượng ít, có tên khoa học là Oryza glaberrima, thường được gọi là “lúa châu Phi”.

      Xóa
    21. "Từ bản đồ biến đổi gen của lúa, đi đến xác định nguồn gốc của cây lúa đã thuần hóa."

      >>>

      Anh Giao cứ dịch, nếu có chỗ nào cần, trong khả năng, tôi sẽ góp í. Một số chỗ, tôi đã dịch "(sự) biến đổi", hình như "biến thể" thì đúng hơn. Nhưng cũng không chắc hehe.

      Xóa
    22. Mình lại thấy, hình như cả "biến đổi" (hiện cả hehe và mình đang dùng) với "biến thể" (các bài báo trên đang dùng) đều chưa chuẩn.

      Có lẽ chỉ là "biến dị", với nghĩa là thay đổi nhỏ hơn chi li hơn hay ở cấp thấp hơn nhiều nếu so với "biến đổi" và "biến thể".

      Nên, có lẽ là "bản đồ biến dị gen của lúa", thì chắc đúng hơn. Tuy đọc tiếng Việt thì lại hơi không xuôi xuôi.

      Xóa
    23. Về vấn đề liên quan, bác Đỗ Kiên Cường mới viết (tháng 9 năm 2014) như sau:

      http://giaovn.blogspot.jp/2014/09/mot-gia-thuyet-ve-nguon-goc-nguoi-viet.html

      "Khám phá mang tính cách mạng về nguồn gốc lúa nước thuần hóa được công bố một năm sau đó. Ngày 25/10/2012, trên tạp chí Nature danh tiếng, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản so sánh sự biến thiên bộ gien của lúa nước nuôi cấy với các giống lúa dại tại châu Á và kết luận, lưu vực Tây Giang thuộc Quảng Tây, chủ lưu của sông Châu chảy ra biển tại Quảng Đông, chính là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới22. "

      Xóa
  2. Đây là bản dịch tạm thời ở thời điểm tháng 8 năm 2014, của hehe (chỉ là copy một còm ở phía trên của hehe xuống đây mà thôi), nguyên bản (Anh và Nhật thì xem ở ngay dưới đó):

    hehe17:15 Ngày 22 tháng 08 năm 2014
    Anh Giao đối chiếu với bản này:

    Thuần hóa cây trồng là những thử nghiệm chọn lọc lâu dài -- những thử nghiệm đã đẩy mạnh nền văn minh nhân loại. Việc thuần hóa cây lúa (Oryza sativa L.) được xem là một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nguồn gốc của cây lúa và tiến trình thuần hóa nó vẫn chưa được thống nhất và là vấn đề tranh cãi lâu nay.

    Chúng tôi đã tạo ra những bộ gen từ loài lúa hoang Oryza rufipogo, loài lúa được xem là tổ tiên trực tiếp [ngay trước -- hehe] của cây lúa đã được thuần hóa ngày nay, thuộc 446 khu vực địa lí khác nhau và từ 1,083 giống lúa indica [hạt dài – hehe] và japonica [hạt tròn – hehe], để từ đó xây dựng một bản đồ hoàn chỉnh về sự biến đổi gen của cây lúa.

    Trong việc tìm kiếm những đặc tính được lưu giữ lại qua sự chọn lọc, chúng tôi đã xác định được 55 đặc tính di truyền – những đặc tính di truyền xảy ra trong quá trình thuần hóa cây lúa. Những phân tích chuyên sâu về những đặc tính này và (những phân tích chuyên sâu về) những mẫu hình ở cấp độ gen cho thấy, đầu tiên, giống lúa japonica được thuần hóa từ quần thể loài lúa hoang rufipogo mọc ở đồng bằng sông Châu Giang thuộc miền nam Trung Quốc, sau đó, khi những người canh tác đầu tiên tiến xuống phía Đông Nam và Nam châu Á, giống lúa japonica này mới lai tạo với giống lúa hoang địa phương tạo ra giống lúa indica.

    Những đặc tính liên quan đến việc thuần hóa đã được phân tích dựa vào việc nghiên cứu sự xắp xếp của các nhiễm sắc thể.

    Công trình này góp một nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về sự lưu truyền của cây lúa và là cách tiếp cận gen hiệu quả giúp ích cho việc nghiên cứu việc thuần hóa các loài cây trồng khác.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.