Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/08/2014

Lại bởi thương lái phương Bắc, mà vỡ mộng thanh hao hoa vàng (Vĩnh Phúc, 8/2014)

Cây "thanh hao hoa vàng" ở đây chính là cây "thanh thảo" được xem là có chất trị bệnh sốt rét (xem lại bài giới thiệu từ năm 2006, của ông Nguyễn Đức Hiệp). Loại cây này, nếu ở vùng Cao Bằng - Hà Giang - Tuyên Quang, thì không thiếu, có thể lấy được hàng tạ ngay ở quanh nhà. Người Tày Nùng xem như cỏ, mà cũng lại xem như thuốc (thuốc nam mà).

Nguyên chú: Do giá thanh hao hoa vàng xuống quá thấp, hàng trăm nông dân ở xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị thua lỗ

Thế nhưng, thương lái phương Bắc lại không nhằm vào Cao Bằng hay Tuyên Quang. Thế mới tài ! Quả là biết mình, biết người. Lại nhằm vào Vĩnh Phúc, nơi xa lạ hoàn toàn với thanh hao, đến nỗi nông dân đầu tư đất và vốn để trồng nó mà không biết để làm gì.

Thế nên, năm nay, rất đáng tiếc, nông dân ta ở Vĩnh Phúc phải trả giá. Vì thương lái không đến nữa !

Từ đây trở xuống là bài của Dân Việt - tờ báo của hội nông dân.

---

Vỡ mộng thanh hao hoa vàng


Trần Quang 06:12 - 18 tháng 7, 2014



Những ngày này, nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bước vào vụ thu hoạch rộ thanh hao hoa vàng, đâu đâu cũng thấy nông dân chặt cây lấy lá còn người mua thì chẳng thấy đâu. Đó cũng là lý do vì sao, giá loại cây này đã rớt thê thảm chỉ còn vài ba nghìn đồng/kg.
Cây thanh hao hoa vàng (rtemisia annua L.) thường được dùng để trị sốt, vàng da, đổ máu cam, đi ngoài ra máu, mụn nhọt lở ngứa, ăn không ngon, tiêu hoá kém.
Ngoài ra, người ta dùng lá của cây này làm nguyên liệu chiết xuất artemisinin làm thuốc chống sốt rét. Vì giá trị như thế, nên mấy năm gần đây, ở nhiều tỉnh, trong đó có Vĩnh Phúc, người dân đua nhau trồng trong khi đầu ra không chắc chắn...
Thanh hao mất giá
Đến xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) vào những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh lá thanh hao hoa vàng được phơi dày tràn trên các con đường. Ở các cánh đồng của xã, nông dân đang tấp nập thu hoạch thanh hao, nhưng trên khuôn mặt ai ai cũng nặng trĩu buồn vì thua lỗ.
Đang chở thanh hao ra đường ngõ phơi, bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Kim Xa buồn rầu nói: “Năm nay, thanh hao hoa vàng mất giá thê thảm quá. Tính theo giá thị trường 2 năm trước có lúc lên đến 40.000 đồng/kg thanh hao khô thành phẩm, có lúc xuống thấp nhất cũng còn được trên 20.000 đồng/kg, nhưng năm nay mới đầu vụ mới bán được 9.000 đồng/kg, tính ra bị mất giá đến 2/3 đấy”.
Cũng vì thấy thanh hao “ngon ăn”, nên từ năm trước, bà Thắm đã chuyển đổi cả 7 sào đất nông nghiệp sang trồng loài cây này và đang đứng trước nguy cơ đói vì không bán được.
Cùng thôn với gia đình bà Thắm, hộ gia đình anh Lương Văn Thức cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ. Nhà anh trồng 4 sào thanh hao hoa vàng, bao nhiêu tâm huyết, công sức chăm sóc dồn vào thanh hao, hy vọng đến vụ thu hoạch được giá như mọi năm nhưng năm nay giá thanh hao giảm sâu quá, khiến gia đình anh rơi vào cảnh lao đao vì thu không đủ chi.
Vừa phơi thanh hao, anh Thức vừa than thở bảo: “Người trồng thanh hao năm nay thua đau quá, như các năm trước, tôi thu hàng chục triệu đồng thì năm nay thu, bán tốt mới được 4 triệu đồng. Kiểu này lại phải chuyển đổi sang trồng cây khác thôi”.
Không chỉ riêng xã Vĩnh Ninh có diện tích trồng thanh hao hoa vàng lớn, nông dân bị thiệt hại, mà các xã lân cận như xã Vĩnh Thịnh, An Tường… cũng có khá nhiều hộ dân tham gia trồng loại cây này và hiện cũng đang rơi vào tình cảnh thê thảm.
Nhà trồng hơn 5 sào thanh hao, anh Trần Bá Sơn ở thôn Hoàng Xá Ngược, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) cho biết: “Cũng có biết thanh hao là cây gì đâu, năm trước thấy ở xã có nhiều người trồng thanh hao thu lãi được nhiều tiền lắm nên gia đình tôi cũng tìm mua cây giống về trồng, giờ không biết bán đi đâu”.
Huyện không biết xã chuyển đổi
Theo một số hộ dân ở đây, sở dĩ giá thanh hao giảm mạnh là do thương lái Trung Quốc không sang thu mua, giờ phần lớn là do thương lái các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nội… tìm đến thu mua về đầu cơ, tích trữ để chế biến tinh dầu rồi bán sang Trung Quốc nên họ ép giá bán thanh hao xuống quá mức.
Anh Thức cho biết: “Như các năm trước, khi vào vụ thu hoạch thanh hao, thương lái Trung Quốc sang đây nhiều lắm, họ đi khảo sát mặt hàng rồi giao cho các lái buôn nhỏ ở địa phương thu gom cho họ mang đi nên thanh hao được giá, còn năm nay thì không thấy ai cả”.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là do thấy trồng thanh hao hoa vàng có thể thu lời lớn, nên nhiều hộ đã tự ý chuyển đổi đất trồng các loại cây khác sang trồng thanh hao một cách ồ ạt. Bà Đỗ Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: “Những năm trước đây, thanh hao hoa vàng có hiệu quả kinh tế cao vì dễ trồng, dễ tiêu thụ nên từ đầu năm nay xã đã chọn đưa loại cây này vào nhóm cây trồng chủ lực để nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Toàn xã Vĩnh Ninh có 4 thôn với số dân vào khoảng 1.200 hộ, thì có trên 700 hộ trồng thanh hao, với diện tích 164ha (chiếm trên 70% diện tích nông nghiệp toàn xã). Trong đó, thôn Hậu Lộc có diện tích trồng lớn nhất lên đến trên 80ha. Bà Thu cũng cho biết, trong những hộ trồng thanh hao nhiều, có cả các cán bộ, lãnh đạo xã tham gia trồng như ông Nguyễn Hữu Vần – Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Ninh (trồng 1 mẫu) và chính nhà bà cũng tham gia trồng hơn 1 sào.
Theo tìm hiểu của NTNN, trong khi lãnh đạo xã Vĩnh Ninh đưa cây thanh hao hoa vàng vào cơ cấu cây trồng của xã và khuyến khích người dân phát triển thì lãnh đạo huyện Vĩnh Tường lại không hề biết. Ông Lê Nguyễn Thành Trung - Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khẳng định: “Làm gì có chuyện huyện chúng tôi đưa cây thanh hao hoa vàng vào cơ cấu chuyển đổi cây trồng, nên không thể có 1 xã mà có đến cả trăm ha thanh hao hoa vàng như thế được”.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, hàng năm huyện vẫn có cảnh báo cho các xã là không được nhân rộng và phát triển cây thanh hao hoa vàng, vì thông tin về loại cây này và thị trường của nó rất mập mờ, rủi ro cao. “Nếu có xã nào còn trồng thì đấy chỉ là một số hộ dân trồng tự phát thôi chứ không ai dám khuyến khích trồng”- ông Trung nói.
   Theo các hộ dân trồng thanh hao, điều mà họ lo lắng nhất hiện nay là đầu ra và giá cả, bởi nếu như năm ngoái 1kg thanh hao có giá 20.000 - 25.000 đồng, có thời điểm lên tới 30.000 đồng/1kg. Trừ các khoản chi phí, các hộ trồng thanh hao thu lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào. Nhưng năm nay, đầu vụ cây thanh hao bán chậm, giá  giảm 50-70%.
http://danviet.vn/canh-bao-nong-nghiep/vo-mong-thanh-hao-hoa-vang-460061.html


---


3.

Lận đận cùng thanh hao hoa vàng
Thứ Năm, 10/07/2014

Xuất hiện tại Vĩnh Phúc bắt đầu từ những năm 2005 – 2006, cây thanh hao hoa vàng được nhiều bà con nông dân các địa phương trồng mở rộng diện tích và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, thanh hao hoa vàng liên tục rớt giá, người trồng bị thua lỗ (do bị thương lái Trung Quốc ép giá hạn chế thu mua). Đây là hậu quả của việc trồng cây một cách tự phát và không có định hướng.
Cây thanh hao hoa vàng được phơi ở khắp đường làng, ngõ xóm…
Tháng 7 là thời điểm thuận lợi để người dân vùng ven sông Hồng như: Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, An Tường, Phú Đa (Vĩnh Tường)… vào mùa thu hoạch thanh hao hoa vàng. Trên khắp các cánh đồng, đường làng, ngõ xóm,… đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân đang phơi thanh hao hoa vàng. Loại cây đã một thời đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người nông dân ưa chuộng và được trồng chủ yếu ở các vùng đất bãi ven sông thuộc các huyện như: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch…
Những năm trước đây, khi vẫn còn rất ít người nông dân biết đến và trồng thanh hao hoa vàng, giá thu mua loại cây này luôn ở mức cao, dao động từ 23 – 25 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá thanh hao hoa vàng giảm chỉ còn từ 15 – 17 nghìn đồng/kg. Những tưởng với giá thu mua đó đã là thấp nhất, ai cũng hy vọng năm sau thanh hao hoa vàng được cả mùa, được cả giá. Ngờ đâu năm nay, khi mùa thu hoạch thanh hao đang thực sự bắt đầu thì cũng là lúc giá thanh hao giảm mạnh, chỉ còn bằng một nửa năm ngoái, dao động từ 8 – 9 ngìn đồng/kg (do thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua), vậy là nông dân thiệt hại nặng. Trên những cánh đồng trồng bạt ngàn màu xanh của cây thanh hao hoa vàng, nhiều hộ nông dân chán nản đã phải thu hoạch sớm hơn mọi năm hoặc tìm mọi cách “bán tống bán tháo” với giá cao nhất có thể. Bị thương lái thu mua ép giá, người nông dân cũng không còn cách nào khác để tiêu thụ hết thanh hao đã đến kỳ thu hoạch nên đành phải “bấm bụng chịu lỗ”.
Ông Trần Văn Vịnh, thôn Kim Xa, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường), một nông dân trồng thanh hao hoa vàng cho biết: “Nông dân chúng tôi cứ thấy cái gì lãi là làm. Mấy năm trước, khi còn có ít người trồng thanh hao hoa vàng, giá thu mua của thương lái luôn rất cao, từ 23 – 25 nghìn đồng/kg, dù không biết họ thu mua để làm gì nhưng chúng tôi vẫn trồng bởi vì tính ra trồng thanh hao lãi hơn trồng lúa, trồng ngô”. Khi nghe chúng tôi hỏi về cây thanh hao hoa vàng, cô Trần Thị Hồng, xóm Đông, thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) cho hay: “Từ khi rộ lên phong trào trồng thanh hao hoa vàng, năm nào gia đình tôi và nhiều bà con nông dân trong xã cũng giảm bớt diện tích trồng lúa để trồng thanh hao hoa vàng. Với đặc tính dễ trồng, dễ sống, chăm bón đơn giản, vừa xen canh được với cây ngô, cây đỗ tương nên thu về hiệu quả kinh tế rất cao. Vậy mà mấy năm gần đây, giá thanh hao hoa vàng lên xuống thất thường, người nông dân chịu lỗ nhiều hơn được lãi. Giờ ai nấy cũng chán nản khi cả vài mẫu đất trồng thanh hao hoa vàng đến kỳ thu hoạch mà không có thương lái đến thu mua, giá năm nay thì quá bi đát, thấp hơn một nửa so với năm ngoái. Bao nhiêu công sức, kỳ vọng của người nông dân như muối bỏ bể.” Cô Nguyễn Thị Dung, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) cho biết: “Toàn xã Vĩnh Ninh hiện có trên 110 ha trồng thanh hao hoa vàng với năng suất trung bình từ 2 – 2,2 tạ/sào. Nếu bán với giá từ 15 – 17 nghìn đồng/kg như năm ngoái, người nông dân sẽ thu về từ 4 – 4,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, giá thanh hao năm nay sụt giảm mạnh, người dân thua lỗ nặng nhưng không biết kêu ai.”
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vĩnh Tường, nếu như năm 2013, diện tích trồng thanh hao hoa vàng trên toàn huyện đạt 153,8 ha thì năm nay, diện tích gieo trồng tăng lên là 165 ha. Tuy diện tích gieo trồng tăng lên không đáng kể, nhưng giá thanh hao hoa vàng năm nay giảm còn bằng một nửa so với năm ngoái đã khiến cho không ít hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn. Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vĩnh Tường cho biết: “Thanh hao hoa vàng chỉ là cây trồng tự phát của bà con nhân dân, không nằm trong diện quy hoạch hỗ trợ của nhà nước nên khi giá cả lên xuống thất thường, thị trường tiêu thụ không đảm bảo, việc thua lỗ khi trồng thanh hao hoa vàng là điều có thể nhìn thấy trước, vì thế huyện không tuyên truyền, không khuyến khích bà con trồng thanh hao hoa vàng”.
Xuất phát điểm người dân trồng và phát triển theo hướng tự phát, không có cơ chế về giá, không có đầu ra ổn định, không được hỗ trợ từ chính quyền các cấp… Cộng thêm tình trạng người dân và thương lái tự thỏa thuận giá cả với nhau mà không có sự can thiệp của chính quyền địa phương nên những năm qua, cây thanh hao hoa vàng vẫn luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Có lẽ, sau bao năm lận đận cùng thanh hao hoa vàng, đã đến lúc người nông dân cần nhìn nhận lại hướng đi và đổi mới trong nhận thức về việc trồng cây một cách tự phát, thiếu định hướng và hỗ trợ từ chính quyền các cấp sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn cho chính bà con nông dân.
Bài, ảnh Ngọc Lan

http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/14218/lan-dan-cung-thanh-hao-hoa-vang.html




2.


Cập nhật 29/08/2012 12:00:00 SA

Liệu cây thanh hao hoa vàng có trụ được trên đất Vĩnh Phúc?


Cách đây 6-7 năm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh thấy cây thanh hao hoa vàng (THHV) được giá đã không cần ký hợp đồng bao tiêu, tự phát ồ ạt bỏ lúa để trồng loại cây này cung cấp cho một số doanh nghiệp (DN) chế biến thuốc sốt rét.



Đến khi DN không thu mua, lập tức nhà nông rơi vào cảnh khốn đốn, chỉ còn biết đem cây thanh hao ủ làm phân. Năm tháng qua đi, không ai nhắc tới loài cây này nữa, mặc dù những năm gần đây, hạn hán liên tiếp xảy ra, nhà nông vẫn luôn đi tìm những loại cây thích hợp với những vùng khô hạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong lúc các nhà hoạch định kinh tế ở địa phương  tìm cây trồng thay cho lúa, ngô, rau màu đang thiếu nước tưới, thì khoảng hai năm trở lại đây, bài học THHV lại đang tái diễn và được trồng mở rộng ở một số địa phương như: Trung Kiên, Hồng Châu, Liên Châu (Yên lạc) cùng một số huyện khác như Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường nhưng chưa ở mức độ ồ ạt như những năm về trước... Cây THHV được trồng cả trong vườn, bờ mương, bờ ruộng...và đặc biệt là được trồng xen kẽ rất nhiều trong các ruộng ngô.
Sự bùng phát trở lại lần này của cây THHV trên đồng ruộng Vĩnh Phúc liệu có bền vững? Chị Đặng Thị Tuyết, cán bộ Khuyến nông xã Hồng Châu (Yên Lạc) cho biết: do năm 2011, THHV được giá, người dân thấy vậy nên mở rộng diện tích trồng. Năm 2012, toàn xã Hồng Châu trồng 125 ha THHV trong đó chủ yếu là trồng xen kẽ với ngô. Đa số người dân nơi đây đều trồng tự do, chẳng ai chỉ đạo, chẳng ai khuyến khích, nông dân thấy có hiệu quả, có đầu ra thì theo nhau làm. Mặc dù sau những năm thanh hao trượt giá, giá thanh hao thấp nhưng người dân nơi đây vẫn tiếp tục trồng, bởi theo họ trồng THHV có ưu điểm là tốn ít công chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh và đỡ tốn nước tưới nhưng lợi nhuận của cây THHV cho thu từ 2-3 triệu đồng/sào, cao hơn các loại cây truyền thống như lúa, ngô, đỗ, lạc gấp 2-3 lần. Một lợi thế nữa đó là khi bà con trồng cây THHV là có thể kết hợp trồng xen canh với các cây trồng khác như ngô, lạc, đỗ… vì vậy, làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Điều đó chứng tỏ ưu thế của cây THHV với những cây khác, vì vậy mà người dân không quay lưng lại với cây loại cây này.
Anh Bùi Văn Bình, thôn Ngọc Long, xã Hồng Châu (Yên Lạc) cho biết: năm nay, nhà anh trồng gần một mẫu THHV. Năm ngoái, bán được giá cao nên năm nay gia đình anh quyết định mở rộng diện tích. Cả xã Hồng Châu nhà nào cũng trồng, người ít thì một hai sào, người nhiều thì một mẫu. Có nhiều gia đình thuê cả hàng ha đất ngoài bãi ven đê để trồng thanh hao. Khi được hỏi anh không sợ trồng nhiều THHV quá rồi lại giống như mấy năm trước hay sao? Anh trả lời: chính vì không ai biết được chắc chắn nên đa số người dân ở đây đều trồng thanh hao xen với ngô, coi như trồng để lấy thu nhập thêm chứ rất ít người chỉ trồng riêng thanh hao.
Không chỉ riêng Yên Lạc, diện tích cây THHV cũng đang được trồng mở rộng ở các huyện khác như Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường nhưng chưa ở mức độ ồ ạt như những năm về trước...Anh Lưu Văn Thịnh, cán bộ khuyến nông xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho biết: năm 2006, thời điểm người dân trồng ồ ạt, cả xã Trung Mỹ lúc đó trồng khoảng 40-50ha. Qua đi khoảng 5 năm, đến năm 2011, toàn xã Trung Mỹ mới chỉ trồng khoảng 7ha thanh hao hoa vàng, nhưng sang năm 2012 này, diện tích thanh hao đã lên tới trên 20 ha và cũng chủ yếu được trồng xen canh với các loại cây khác như lạc, ngô, đỗ...
Theo anh Thịnh, đầu ra cho cây THHV năm nay chưa ổn định, bởi năm ngoái giá thanh hao được giá, trung bình cả vụ cũng được 25.000 đồng/kg có lúc lên tới 30.000 đồng/kg. Một sào trồng tốt thì được 2 tạ, trồng kém cũng được 1-1,5 tạ, trừ hết các khoản chi phí đi thì cũng phải được từ 3-3,5 triệu. Nhưng năm nay, mới vào đầu vụ người ta chỉ trả có 12.000 đồng/kg, không biết đến cuối vụ giá cả, đầu ra và vấn đề tiêu thụ ra sao? Song một điều mà anh Thịnh luôn thấp thỏm, băn khoăn đó là, địa phương nào cũng trồng THHV rồi biết bán cho ai, giá sẽ lại thấp, liệu có phải nhổ vứt đi không?
Qua tìm hiểu được biết, tại địa bàn Vĩnh Phúc hiện có khoảng gần chục công ty chuyên thu mua THHV. Tuy nhiên, họ chỉ thỏa thuận miệng với người trồng về thu mua sản phẩm. Phần lớn THHV được trồng và tiêu thụ theo giá chung của thị trường. Không biết giá cả và đầu ra của cây THHV năm nay sẽ ra sao…?
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp& PTNT, THHV là một loại cây trồng có nhiều ưu thế, ít nhiều đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên, tỉnh không có chủ trương phát triển trồng loại cây này. Trong 2 năm gần đây, thấy phong trào trồng cây THHV bùng phát, Sở đã khuyến cáo bà con nên cẩn trọng về “đầu ra”. Bởi cách đây 6-7 năm về trước vấn đề tiêu thụ loại cây này không ổn định do lối làm ăn tự do, tự phát, mạnh ai nấy làm, không tuân theo quy hoạch, kiểu ồ ạt trồng THHV đã khiến nhiều hộ dân lao đao. Để bài học cũ sẽ không lặp lại, người nông dân phải biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và khuyến cáo của cơ quan chức năng trước khi đưa vào sản xuất đại trà một giống cây trồng, vật nuôi nào đó.

Báo Vĩnh Phúc
http://donghuongvinhtuong.com/tin-tuc/kinh_te___xa_hoi-15/lieu-cay-thanh-hao-hoa-vang-co-tru-duoc-tren-dat-vinh-phuc--36.aspx




Người trồng thanh hao hoa vàng: Thấp thỏm chờ tăng giá

17/05/2012
2 năm nay, cây thanh hao hoa vàng được trồng trở lại ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui được mùa, người trồng thanh hao đang thấp thỏm, hy vọng, bởi đầu vụ, giá loại cây này chỉ khoảng 12.000 đồng/1kg, giảm từ 13 – 15.000/1kg so với năm ngoái.  
Là một trong các địa phương có diện tích trồng thanh hao lớn nhất tỉnh, những ngày này trên cánh đồng các xã: Trung Kiên, Hồng Châu, Liên Châu, huyện Yên Lạc đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây thanh hao hoa vàng được trồng xen kẽ trong các ruộng ngô, đỗ. Đang phơi thanh hao hoa vàng, chị Trịnh Thị Vân, thôn Ngọc Long, xã Hồng Châu cho biết, ở đây nhà ai cũng trồng loại cây này do cây dễ trồng, dễ sống, ít tốn công chăm bón, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lạc, đậu tương được trồng trên cùng diện tích. Thời điểm thích hợp để trồng thanh hao vào tháng 3, sau khoảng 4 - 5 tháng cho thu hoạch xong, người dân tiếp tục trồng được rau màu vụ hè thu và vụ đông.  

Không chỉ riêng Yên Lạc, diện tích cây thanh hao được trồng mở rộng ở các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường. Anh Lưu Văn Thịnh, cán  bộ khuyến nông xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên cho biết, hiện nay các hộ dân Trung Mỹ trồng thanh hao chưa ồ ạt như năm 2006 nhưng diện tích trồng tăng lên 20ha, cao hơn 13ha so với năm 2011.  
Theo các hộ dân trồng thanh hao, điều mà họ lo lắng nhất hiện nay là đầu ra và giá cả, bởi nếu như năm ngoái 1 kg thanh hao có giá 20.000 - 25.000 đồng, có thời điểm lên tới 30.000 đồng/1kg. Trừ các khoản chi phí, các hộ trồng thanh hao thu lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào. Nhưng năm nay, đầu vụ cây thanh hao bán chậm, giá chỉ khoảng 12.000 đồng/1 kg. 
Chị Đặng Thị Tuyết, cán bộ khuyến nông xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc cho biết, năm nay, toàn xã trồng 125 ha thanh hao, trong đó chủ yếu là trồng xen kẽ với ngô. Rút kinh nghiệm các năm trước, xã đã khuyến cáo bà con nên cẩn trọng, tính toán đầu ra để điều chỉnh diện tích trồng cho hợp lý. Thế nhưng, do năm 2011, giá thanh hao cao nên vụ này bà con tiếp tục tăng diện tích trồng. “Nếu đầu ra chậm và mức giá 12.000 đồng/kg thanh hao duy trì đến cuối vụ, người dân nông dân lại trải qua một vụ thanh hao “được mùa nhưng mất giá” và câu chuyện ít người trồng có giá, nhiều người trồng mất giá sẽ lại tái diễn ở loại cây này như các năm 2005, 2006- chị Tuyết khẳng định. 
Nguyễn Lan
http://www.vinhphuc.vn/ct/cms/tintuc/Lists/KinhTe/View_Detail.aspx?ItemID=1978





Bổ sung 1 (12/8/2014): Thêm một bài cũng của Đất Việt.



Nông nghiệp VN hiện nay không thể xuất cho ai ngoài TQ!

(Thị trường) - Một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM nhận xét.
Hám lợi chụp giật thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc!
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm nay cả nước xuất khẩu được 33 nghìn tấn chè, với giá trị đạt 51 triệu USD, giảm 13,2% về khối lượng và giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất chè lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá xuất khẩu lại ở mức thấp nhất thế giới, thậm chí chè Việt Nam còn bị một số thị trường chê, trả lại hàng. Tình trạng của cây chè cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như gạo, sắn, cao su... khi có một nền thương mại buôn chuyến, có gì bán nấy với giá rẻ.







Vụ việc chế biến chè bẩn tại một số tỉnh phía Bắc năm 2011 khiến ngành chè lao đao


Đây không phải là nghịch lý mà là điều đương nhiên bởi một nền nông nghiệp không được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm là một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy. Hàng ngày chúng ta đều buộc phải ăn chất độc.
Một nền nông nghiệp mà nông dân sản xuất một cách manh mún và tùy tiện, công nghiệp chế biến nông phẩm lạc hậu, doanh nghiệp làm ăn chộp giật, chỉ biết lợi ích trước mắt, không tạo dựng được liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì tất nhiên điều đó phải xảy ra.
Còn nhớ 1, 2 năm trước, hàng loạt lô chè xuất khẩu sang châu Âu bị trả về do có hàm lượng hóa chất vượt quá mức quy định. Điều đáng nói các hợp chất này vẫn được Việt Nam cho phép sử dụng nhưng lại cấm bị sử dụng ở các nước châu Âu. Chính vì thế những sản phẩm như vậy chỉ có thể xuất sang Trung Quốc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm khiến người nông dân và doanh nghiệp cũng trở nên lười thay đổi, do đó chất lượng và khối lượng nông phẩm không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước phát triển, buộc phải bán rẻ cho các thị trường dễ tính như Trung Quốc.
Có người từng hỏi, Bộ Nông nghiệp có thể đa dạng hóa thị trường để giảm xuất khẩu sang Trung Quốc được không? Câu trả lời có thể khẳng định là không, Việt Nam không thể xuất cho ai ngoài Trung Quốc với nền nông nghiệp hiện nay.
Ngành chè và nông dân Việt đã phải nhận nhiều "quả đắng" khi bị thương lái Trung Quốc chơi xấu. Đó là đầu những năm 2000, thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua chè vàng nguyên liệu tại Việt Nam với giá quá cao rồi mang về Trung Quốc sản xuất chè vàng chính hiệu. Lợi nhuận trước mắt đã làm người trồng chè đổ xô đi hái chè không tuân theo kĩ thuật. Người dân còn trộn cả các loại chè khác không phải chè Shan Tuyết, bỏ lẫn tạp chất vào và thương lái Trung Quốc không thu mua.
Một bài học cay đắng khác là vào năm 2011 thương lái Trung Quốc cố tình thu gom chè bẩn khiến người dân đã trộn cả trộn phân lân, bột đá, bùn, chất thải làm ngành chè lao đao.
Đây không phải là hành vi thương mại bình thường mà là hành vi phá hoại mang tính chất lưu manh. Không phải tự dưng mà mấy thương lái Trung Quốc sang Việt Nam làm việc này, nếu không có chính quyền bảo lãnh họ chẳng dám làm.
Trong khi đó, cơ quan chức năng Việt Nam lại phản ứng quá yếu ớt. Thương lái Trung Quốc xúi nông dân Việt làm tầm bậy tầm bạ tại sao chính quyền Việt Nam không trừng trị theo luật pháp? Theo quy định của WTO, từ năm 2011, doanh nhân nước ngoài có quyền vào Việt Nam mua nông sản nhưng họ phải lập một pháp nhân có quốc tịch Việt Nam. Thương nhân Trung Quốc không lập pháp nhân mà họ đưa người len lỏi vào, thuê thương lái Việt Nam làm trung gian gom mua nên đã gây ra những hậu họa như nói ở trên.
Thương nhân bình thường không ai làm việc đó. Bởi điều đó không những không mang lại lợi nhuận mà còn gây bất an cho tính mạng của họ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nông dân Việt Nam hám lợi, muốn kiếm tiền dù biết đó là tiền bẩn, tiền bất chính nên thương lái Trung Quốc mới có cơ hội làm bậy.
Phải có Nông dân lớn và Doanh nghiệp lớn
Nhiều người bảo nền kinh tế Việt Namn không muốn lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc thì phải xây dựng được thương hiệu. Muốn thế, nền nông nghệp phải thực hiện GlobalGAP. Khi đó, nông sản Việt Nam không cần bán cho thị trường Trung Quốc mà có thể bán thẳng cho thị trường EU, Nhật, Mỹ mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều.







PGS.TS Vũ Trọng Khải

Muốn vậy phải xây dựng mối liên kết bền vững giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, tạo thành chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, nhà nông phải là người sản xuất hàng hóa lớn nhờ tích tụ ruộng đất và thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản phải được áp dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp phải đóng vai trò nhạc trưởng trong mối liên kết này, thể hiện qua việc: cung ứng giống xác nhận cho nông dân theo nhu cầu thị trường; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình GlobalGAP hoặc ít nhất là VietGAP; có thể cung ứng vật tư hoặc làm trung gian để ngân hàng cho nông dân vay tiền mua vật tư. Cuối cùng là doanh nghiệp phải mua hết nông sản cho nông dân và có công nghệ chế biến hiện đại.
Như vậy doanh nghiệp sẽ có chất lượng và khối lượng nông sản đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ. Khi đó, doanh nghiệp mới chiếm lĩnh được những thị trường này và dần dần tạo dựng được thương hiệu của mình.
Mặt khác, Nhà nước phải có chính sách để khuyến khích phát triển liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Nhà nước phải có khung pháp lý để cho việc mua bán quyền sử dụng đất đai một cách thuận lợi. Đào tạo miễn phí cho thanh niên nông dân để họ trở thành những nông dân chuyên nghiệp, những “thanh nông tri điền” chứ không phải nông dân cha truyền con nối,“lão nông tri điền”.
Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chế biến và bảo quản nông sản bằng việc tài trợ lãi suất khi họ đầu tư mua sắm các thiết bị công nghệ hiện đại và thực hiện liên kết với nông dân. Có thể giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài ba năm đầu khi họ thực hiện mối liên kết với nông dân ở những vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch của Nhà nước. Làm được điều này Việt Nam sẽ có hàng nông sản chất lượng cao và ổn định.
Chọn mua rẻ, bán rẻ:Việt Nam chủ động phụ thuộc Trung Quốc?
Thành Luân (ghi)

2 nhận xét:

  1. Bao nhiêu vụ do Thương lái Trung Quốc gây ra rồi -mà sao nhà nước không có biện pháp nhỉ -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem bài mình vừa bổ sung lên entry này, để thấy được toàn cảnh.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.