Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/07/2014

Cuốn sách của Trần Dân Tiên vốn có bản gốc là tiếng Pháp ? (dẫn lại ghi chép đọc sách của bác Thiên Lý, 9/2013)

Nhà văn Vũ Thư Hiên, thể theo lời thỉnh nguyện của lớp con cháu như chúng tôi, với tư cách là con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh và nhiều trải nghiệm của bản thân ông trong thời kì kháng chiến chống Pháp, đã có một xác nhận mang những gợi ý quan trọng liên quan đến cuốn sách (xem lại ở đây, tháng 10/2013). Tôi chú ý đến hai chi tiết: vai trò của cụ Trường Chinh, thời điểm năm 1946.

Trước đó, một ít hôm, vào tháng 9/2013, bác Thiên Lý, qua đọc sách mới xuất bản gần đây do bác Nguyễn Văn Khoan làm chủ biên, cung cấp những gợi ý cũng thú vị không kém. Cũng có liên quan đến thời điểm năm 1946.

Sẽ trở lại với thời điểm 1946 sau. Bây giờ, đọc lại ghi chép của bác Lý. Kính mong bác Lý cho tư liệu cụ thể hơn so với thời điểm tháng 9 năm 2013 (nếu có thể, mong bác cho bản chụp từ sách in lên blog của bác; hoặc gửi qua mail, rồi tôi sẽ đưa lên giúp ở bên này). 






Toàn văn bác Lý đã viết, như sau (vốn là commment của bác Lý cho entry sau):


"
Thiên lý12:21 Ngày 23 tháng 09 năm 2013



Càng ngày càng rối!.



Tôi mới đọc lại một cuốn sách Người Việt ở Thái Lan (1) do TS Nguyễn Văn Khoan chủ biên, thấy có chi tiết này, bán tín bán nghi, nhưng xin mách bác:


Bản thảo cuốn "Những mẩu chuyện ...." của Trần Dân Tiên (2) được được dịch sang tiếng Thái thì như ta đã biết, qua hồi ký của Hoàng Văn Hoan. Nhưng điều bất ngờ tôi đọc được ở hai bài viết trong (1) là cùng lúc, những người dịch (2) tiếng Thái cũng đã dịch (2) sang tiếng Việt.

Vậy (2) ban đầu hẳn phải không viết bằng tiếng Việt nên mới được dịch sang tiếng Việt? Đọc bài nữa, hóa ra (2) được viết bằng tiếng Pháp.

Người dịch là Hoàng Nguyên (?), cán bộ Phòng thông tin, có thời gian hoạt động ở Xiêm, ông kể lại trong (1) rằng "ông nhận trực tiếp bản thảo (2), đánh máy bằng tiếng Pháp từ Cụ Hồ (???)".

Không thấy nói gì đến Hoàng Văn Hoan cả, nhưng Hoàng Nguyên là ai, cũng chưa rõ, chỉ biết cùng cơ quan thông tin ở Thái Lan (Lúc ấy cửa ngõ thông tin ra quốc tế duy nhất, là ở Thái, mà theo Hồi ký HVH, thì cụ Hoan là xếp sòng).

Tôi viết lộn xộn và có thể chưa chuẩn, do không mang sách (1) theo, nếu bác Giao thấy cần thiết, tôi sẽ dẫn lại, kỹ hơn. Hoặc bác ra hiệu sách, tìm cuốn ấy (1) nhà XB CAND, thú thật, tôi đọc thấy lủng củng và nhiều sạn quá, khó có thể coi là tài liệu biên khảo đáng tin cậy được (mặc dù tôi hay được bác K cho sách, kể cả dạng bản thảo, chưa được nhà XB biên tập).

Còn về lý luận của ông Hồ Tuấn Hùng rằng Lý Thụy không biết tiếng Trung Quốc, (do đó không phải là HCM sau này (kể từ 1933)), tôi đọc trong "Giọt nước trong biển cả", mục Hồ Chủ tịch ở Xiêm, cụ HVH viết:

" Cuối năm 1928 ...

Ở Noỏng-bua, Bác để khá nhiều thời gian dịch sách lý luận cách mạng cho cán bộ và kiều bào đọc. Bác đã dịch cuốn Duy vật sử quan mà Bác lấy nhan đề là Lịch sử tiến hóa của loài người và quyển Cộng sản ABC. Bác thường bảo tôi ngồi cùng dịch, nhưng thực thì Bác trông vào sách chữ Trung Quốc rồi đọc cho tôi viết. Khi dịch, Bác không câu nệ theo từng chữ trong nguyên bản, mà chỉ lấy ý chính chuyển thành những câu thật ngắn gọn, mộc mạc, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. Có những đoạn dịch xong, Bác bảo đọc cho anh em quần chúng nghe. Nếu quần chúng thấy còn khó hiểu thì Bác dịch lại". 

Vậy là ông Hùng chỉ nói lấy được, không đọc hoặc chưa từng đọc "Giọt nước trong biển cả".


"


---

8 nhận xét:

  1. Người Việt ở Thái lan 1910-1960
    Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan chủ biên
    Nhà xuất bản CAND
    In 700 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu quý II/2008

    Tôi đã lục ra được cuốn đó rồi, và đã đánh dấu các trang. Để tôi tìm cách chụp và gửi ảnh cho bác Tôi tuy có nhiệt tình, nhưng cộng với dốt nên xin bác Giao thư thư cho ít bữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, xin chân thành cảm tạ bác Lý. Bác cứ từ từ làm thôi ạ. Khi nào đã sẵn sàng thì kính bác gửi vào mail cho tôi nhé (mail nó chỉ chuyển được không quá 2MB một lần, nên nếu lớn hơn thế, bác hãy chia làm vài lần gửi).

      Gợi ý từ Thái Lan rất có ý nghĩa bác ạ. Đặc biệt, sách do nhà nghiên cứu chính qui biên soạn, in bởi nhà xuất bản chính qui. Kể ra, nếu in sớm hơn độ 30 năm (tức khoảng năm 1985-1986) thì tốt hơn nữa.

      Đợi tư liệu của bác, rồi tôi sẽ bàn tiếp về giá trị của thông tin từ Thái Lan.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm tạ bác Lý rất nhiều ! Em vừa mở thư, đã nhận file của bác, và đọc lướt một lượt rồi.

      Em sẽ sử dụng cho việc đối chiếu. Bác chờ nhé.

      Đa tạ.

      Giao

      Xóa
  3. Sau khi đã gửi vài ảnh chụp từ cuốn Người Việt ở Thái Lan 1910-1960 cho bác Giao, tôi thấy cần thuyết minh thêm để bác hiểu rõ hơn về tư liệu đã gửi:
    Bỏ qua 2 ảnh bìa,
    1. Ảnh 1 (trang 16-17): thuộc bài viết “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn hướng về Tổ quốc”, đăng báo Nhân dân, số 2123, ngày 8.1.60 của V.K (một bút danh của cụ Hồ). Người tên là N, trong đoạn trích là cụ Đặng Thúc Hứa (cụ Tú Ngọ), là em ông Đặng Nguyên Cẩn, tức là chú ruột của ông Đặng Thai Mai. Chuyện này cũng được T. Lan nhắc đến trong “Vừa đi đường...”. Ngoài ra ở Xiêm, còn có bà Đặng Quỳnh Anh, là cô ruột ông ĐT Mai nữa, là cơ sở CM của Cụ Hồ hồi 1928, (Cụ Thầu Chín có thời gian ở tại nhà bà) . Mục đích tôi chép trang này cho bác Giao, để cung cấp thêm mối quan hệ giữa Cụ Hồ và gia đình ông Đặng Thai Mai sâu đậm như thế và từ đó liên hệ với giả thuyết của bạn Nguyễn Thanh Tùng. (Ngoài ra, thời đầu về Hà Nội (9/1945), cụ Hồ có ở nhà ông Đặng Thai Mai một thời gian ngắn, sau đó mới về ở nơi cơ quan Bắc bộ phủ, chi tiết này chưa thấy bạn Tùng để ý).
    Thêm một lưu ý nữa là cách viết của V.K (Cụ Hồ): “Cách đây hơn 30 năm, tôi cùng đi với Bác đến Xiêm...” giống T.Lan trong “Vừa đi đường...”
    2. Ảnh 2 (trang 83-84): Trích từ bài viết “Vừa đi đường vừa được học làm cách mạng” của Nguyễn Tài. Ông Chín, tức là ông Thầu Chín. Tôi trích đoạn này (hơi thừa so với yêu cầu của bác Giao) vì có đôi câu đối của anh hàng cơm được ông Thầu Chín sửa lại bằng cách bỏ hai chữ cuối vừa gọn vừa sắc, lại rất “chống Tàu xâm lược” (“xâm lược” ở đây là cạnh tranh địa bàn trên đất Xiêm) và ở thời điểm 1928 – 29 -30 thật có ý nghĩa với bối cảnh Biển Đông hiện nay. Về Nguyễn Tài, (tức Lê Ngôn, tức Vê, sn 1897 tại Đô Lương, sang Xiêm từ 1925), hồi ở Xiêm là chiến sĩ giao thông cho Thầu Chín, 1945 Phó CT UBND Thanh Nghệ, 1946 Trưởng phòng Biên chính(?). 1958 viện trưởng (?) thuộc Bộ Y tế. Tiện đây, nhờ bác Giao dịch sát ý hai câu đối này giúp.
    (còn)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việc câu đối đó, tôi hiểu rồi. Xin nhận lời với bác.

      Xóa
  4. (tiếp)
    3. Ảnh 3 (trang 130 -131) trích từ bài “Việt kiều ở Thái Lan trong những năm 1945-1947”, đã in trên tạp chí LSQS, tác giả Hồng Dung (có lẽ là bút danh của TS Nguyễn Văn Khoan), nói về các hoạt động của cơ quan Đại diện chính phủ tại Xiêm vào thời 47-48. Đây là cơ quan Ngoại giao đầu tiên của VNDCCH đặt ở nước ngoài. Trong bài viết có đoạn về những người đã tổ chức dịch cuốn “Những mẩu chuyện...” từ tiếng Pháp sang tiếng Thái và tiếng Việt, nhưng không nhắc gì đến Hoàng Nguyên và Hoàng Văn Hoan (Trưởng Đại diện, theo hồi ký HVH).
    4. Ảnh 4 (trang 164-165) chụp từ bài viết của Nguyễn Hồng Dung (TS. NVK?) đăng lại từ sách “Văn hóa và lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái Lan – Việt Nam” (NXB VHTT 2003), đối chiếu với ảnh 3, thì đoạn về “Những mẩu chuyện...” được lược đi.
    5. Ảnh 5 (trang 226 -227) cũng của Nguyễn Hồng Dung, thuật lại chuyện cụ Tú Ngọ - Đặng Thúc Hứa trong “Vừa đi đường...”
    6. Ảnh 6 (trang 284-285) không cần thuyết minh gì thêm. Ông Hoàng Nguyên, một thành viên trong phái đoàn ngoại giao được cử đi Xiêm, sau đó là Miến Điện, vào đầu năm 1948, “được Bác Hồ giao cho bản đánh máy cuốn sách bằng tiếng Pháp ...”. Lưu ý “ Các đại biểu Thanh niên, phụ nữ, công nhân thì do ông Nguyễn Minh đại diện, ông Hoàng Nguyên chỉ là thay mặt cho sinh viên”, lại được Bác Hồ “giao cho” ... chỗ này tôi hơi khó tin!
    7. Ngoài ra (trang 450-451) trong cuốn “Người Việt ở Thái Lan 1910-1960” còn có 2 ảnh chụp lại bìa 1 và bìa 4 cuốn “Hồ Chí Minh, Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hòa” (tư liệu của BTCM VN).
    Xem kỹ cái bìa 4: Danh mục đầu sách (do Việt Nam Thông tấn xã) đã phát hành tại Thái Lan, tính đến tháng 5/1948, không thấy có “Những mẩu chuyện ...” Mà chỉ có “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
    Cũng trên bìa 4 cuốn “Hồ Chí Minh, Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hòa” ghi rõ: “Sách này in xong tại Bangkoc, đầu tháng 5-48, do VNTTX xuất bản, kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch, cụ Khoan ghi chú nhầm thành 1946. (Tôi sẽ nhờ người scan ảnh này và gửi tiếp cho bác Giao).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Lý rất nhiều ! Tư liệu bác gửi đã giúp tôi khớp được tư liệu các bên, Dần dần, nhận ra được những bước đi đầu tiên của cuốn sách rồi. Cái này, bác phải đợi tôi đi dần dần, mà phải dễ hiểu mới được.

      Xin chờ bác gửi thêm các tư liệu nói trên, nhất là mục 7.

      Chi tiết liên quan đến cụ Đặng Thai Mai rất thú vị. Mối thâm giao còn thấy mãi sau này, vì cụ Mai đã tổ chức dịch Nhật kí trong tù (bản in đầu tiên năm 1960). Hình như, ở blog cũ, tôi đã đi về chuyện này. Để lúc khác, rảnh hơn, sẽ cho đăng lại.

      Bác nhắc đến bài của Hồng Dung (Nguyễn Hồng Dung) trong cuốn về nhóm Tày Thái ở Việt Nam (xuất bản năm 2003 đó) rất có ý nghĩa. Tôi đang có quyển này trong phòng làm việc. Đối chiếu hai bản, cũng có cái hay đây !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.